Thái Nguyên: Tập trung dập dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:25, 27/01/2020

(TN&MT) - 20 ngày qua, tỉnh Thái Nguyên và huyện Võ Nhai phải “gồng mình” đối phó với dịch lở mồm long móng (LMLM) vừa xảy ra trên đàn trâu tại địa bàn xã La Hiên. Những ngày này, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh Thái Nguyên, huyện đã và đang chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện nhiều biện pháp phòng chống, ngăn chặn, dập dịch lây lan ra diện rộng.

Theo thông tin từ UBND huyện Võ Nhai, chiều ngày 06/01/2020 trên địa bàn xóm Cây Thị, xã La Hiên có hiện tượng trâu nghi bị mắc bệnh Lở mồm long móng (LMLM) tại một số hộ gia đình.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật(BCĐ PCDBĐV) huyện chỉ đạo TT Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai cử cán bộ chuyên môn đến tại các hộ gia đình (08 hộ)kiểm tra.

Qua kiểm tra, xác định tổng đàn trâu, bò của xóm Cây Thị là 56 con. Trong đó, có 32 con trâu của 08 hộ gia đình ở xóm Cây Thị, xã La Hiên bị nhiễm bệnh. 2 con nghé đã chết có triệu chứng điển hình của bệnh LMLM gia súc. Chị Hoàng Thị Cúc, ở xóm Cây Thị, xã La Hiên cho biết: Gia đình tôi có 5 con trâu. Khi dắt đi chăn vào sáng 6/1, tôi nhận thấy đàn trâu có biểu hiện biếng ăn, chảy nước mũi, giãi rớt kéo sợi tơ, chân đi khập khiễng…nghi mắc bệnh LMLM. Ngay sau đó, tôi dắt về nhốt ở nhà và gọi báo cáo với cơ quan chức năng. Được sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật, gia đình tôi lấy nước chua sát trùng xung quanh miệng và các vết loét ở kẽ chân trâu, ngày 2 đến 3 lần. Ngoài ra, tôi còn bổ sung cho đàn trâu ăn thêm cháo loãng, tiêm thuốc bổ. Đến nay, 3 con trâu to đã sắp khỏi. Tuy nhiên, một con nghé con do sức đề kháng yếu nên đã chết...

Ở xóm Cây Thị, đàn trâu 5 con của gia đình ông Âu Văn Phúc (gần nhà chị Cúc) cũng bị bệnh tương tự từ ngày 5 và 6/1. Ông Âu Văn Phúc cho biết: Ngay khi phát hiện, tôi đã nhốt trâu ở nhà và thực hiện các biện pháp như vệ sinh xung quanh miệng trâu bằng nước khế chua và lá thuốc dân gian chữa bệnh lở loét, vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại. Gia đình còn cho trâu ăn thêm cháo, tiêm thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng. Đến nay, bệnh LMLM trên đàn trâu của gia đình đã thuyên giảm khoảng 70-80%. 

Vợ chồng ông Âu Văn Phúc, xóm Cây Thị, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đang dùng nước khế chua với thuốc lá dân gian chữa bệnh cho đàn trâu của gia đình bị mắc bệnh LMLM.

Đến chiều 9/1, tiếp tục có thêm 2 con trâu chết ở xóm Làng Giai, xã La Hiên nghi bị mắc bệnh LMLM. Nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh LMLM lây lan ra diện rộng, trong các ngày 07, 08, 09/01/2020, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, BCĐ PCD Bệnh ĐV huyện Võ Nhai chỉ đạo TT Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Trạm chẩn đoán dịch bệnh- Chi cục Chăn nuôi và Thú y  Thái Nguyên, UBND xã La Hiên đến kiểm tra trực tiếp tại các hộ gia đình có gia súc mắc bệnh, chỉ đạo Tổ trưởng Tổ mạng lưới Thú y và hướng dẫn các hộ gia đình có gia súc mắc bệnh thực hiện tốt các biện pháp tiêu độc khử trùng bao quanh ổ dịch.

Đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi Thú y tiến hành lấy 02 mẫu biểu mô tại hộ gia đình ông Âu Văn Phúc và 02 mẫu huyết thanh tại hộ ông Lý Xuân Chiểu gửi xét nghiệm. Đến ngày 10/1, Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương đã trả về kết quả có 2 mẫu dương tính bệnh LMLM type O. 

Đến nay, tổng số trâu, nghé tiêu hủy do mắc bệnh, nghi mắc bệnh LMLM trên địa bàn xã La Hiên là 09 con, tổng trọng lượng tiêu hủy là 802 kg. Tổng số con nghi mắc là 46/56 con trâu. 43 con trâu đang theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh dịch. Tích cực điều trị, 4 con trâu đã khỏi LMLM. Tổng số vắc xin đã tiêm 450 liều(trâu: 216 liều, lợn 120 liều, dê 140 liều). Cấp thuốc sát trùng 57 lít, vôi bột 1.450kg.  

Như vậy, trong 20 ngày qua, số lượng gia súc mắc dịch LMLM đã tăng nhanh từ 32 lên 46 con trâu. Số trâu chết đã tăng từ 4 lên 9 con chỉ trong 1 tuần. Nguyên nhân phát sinh dịch bệnh LMLM nghi do thời tiết mưa phùn, độ ẩm tăng cao, vi trùng có cơ hội phát sinh mạnh trong đồng cỏ tự nhiên. Cũng không loại trừ trường hợp người dân đi mua thịt, lòng ruột trâu bò từ nơi khác về ăn khiến phát tán vi khuẩn, vi trùng đã xâm nhập đàn trâu của gia đình.

Một điểm đáng trách nữa là người dân địa phương chủ quan không tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc nên sức đề kháng kém, khả năng sinh bệnh, mắc bệnh do vi trùng, vi khuẩn từ bên ngoài vào cơ thể là rất cao…

Ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng BCĐ PCDBĐV huyện Võ Nhai đã cho biết: Tỉnh, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường thông tin tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về đặc điểm, tính chất, tác hại và biện pháp phòng, chống bệnh LMLM để người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc nâng cao nhận thức và tích cực chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh.

Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát và tổ chức tiêm vắc-xin LMLM và các loại vắc-xin khác cho đàn gia súc. Tiến hành tiêm bao vây ổ dịch tại các vùng xảy ra dịch nhằm tạo hàng rào miễn dịch, phòng tránh bùng phát lây lan ra diện rộng. Cán bộ thú y cơ sở tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi bằng vôi bột và hóa chất tại hộ chăn nuôi, khu vực buôn bán, nơi giết mổ gia súc. Cấm mọi hình thức giết mổ, buốn bán chạy, vận chuyển gia súc bị bệnh dịch ra, vào vùng dịch; Cấm mọi hình thức vứt xác động vật chết ra sống suối gây ô nhiễm môi trường phát tán, lây lan dịch bệnh ra diện rộng...

Người dân trong vùng dịch LMLM ở xã La Hiên, huyện Võ Nhai đã được cán bộ thú y hướng dẫn vãi vôi bột, khử trùng tiêu độc xung quanh khu chuồng trại để phòng chống dịch bệnh LMLM trên đàn gia súc.

Hiện tại, diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc ở các xã, thị trấn khác của huyện Võ Nhai ổn định. Riêng hai xóm Làng Giai và Cây Thị ở xã La Hiên là ổ dịch đã được khoanh vùng, giám sát, theo dõi nghiêm ngặt, cách ly với đàn gia súc của các xóm, xã khác… Đến nay, chưa phát hiện dịch LMLM trên đàn gia súc lan rộng ra các huyện, thành, thị khác(trừ Võ Nhai) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Đức Nam