Nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề đúc đồng Đại Bái
Xã hội - Ngày đăng : 00:10, 27/01/2020
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Hoàng Anh (thôn Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) trong những ngày cận kề Tết Canh Tý 2020.
Sinh ra và lớn lên từ làng nghề truyền thống, hơn bao giờ hết ông Nguyễn Văn Sơn thấu hiểu và trân trọng những giá trị tinh hoa nghề nghiệp của cha ông tạo dựng bao đời.
Tự hào về truyền thống khoa bảng hàng nghìn năm của đất Bắc Ninh - Kinh Bắc và có niềm tin mãnh liệt về một ngày không xa khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn nữa, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng Bắc Ninh sẽ có những doanh nhân thành đạt, được coi là doanh nhân của thời đại mới mà thương hiệu sản phầm, thương hiệu doanh nghiệp nổi tiếng khắp thế giới.
Vùng Nam Đuống từ xa xưa có nhiều làng nghề nổi tiếng như Đúc đồng Đại Bái, Tranh Đông Hồ, Tre trúc Xuân Lai, gốm Luy Lâu, Mực tàu Tư Thế... Ngày nay, do tác động của cơ chế thị trường dần hình thành một số nghề như: Vận tải thủy Trung Kênh, ươm cá giống Mão Điền, bánh tráng Tử Nê...
Do những hạn chế về mặt địa lý, hạ tầng kinh tế - xã hội nên hoạt động sản xuất kinh doanh tại các làng nghề chưa thực sự sôi động. Tuy nhiên, doanh nghiệp, doanh nhân khu vực Nam Đuống không vì thế mà tụt hậu so với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đến nay, thống kê cả 3 huyện đã có trên 1.000 doanh nghiệp. Riêng làng nghề Đại Bái có trên 50 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được vị thế trên thương trường.
Phát triển thương mại điện tử chính là giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề đúc đồng Đại Bái |
Được biết, hàng năm, các doanh nghiệp khu vực Nam Đuống đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Nhiều doanh nghiệp được đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng nhà nước. Thành tích ấy thật tự hào và trân trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận doanh nghiệp chưa thực sự phát triển với tiềm năng thế mạnh hiện có. Giờ đây, giao thông thuận lợi có cầu Hồ, cầu Bình Than, Quốc lộ 71 và tỉnh lộ 281 đã hoàn thành. Doanh nghiệp có quy mô lớn chưa nhiều do không có kinh phí đầu tư công nghệ, mặt bằng sản xuất chật hẹp. Ở Đại Bái có quy hoạch cụm công nghiệp nhưng manh mún và không phù hợp kinh phí để đầu tư các dây chuyền công nghệ ứng dụng khoa học phát triển thì không có và khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
Để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong làng nghề Đúc đồng Đại Bái, ông Nguyễn Văn Sơn mong muốn các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, thực tế các chủ doanh nghiệp làng nghề nói riêng và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung hiện nay đều là những nông dân có khát vọng làm giàu. “Cái chúng tôi có là những kinh nghiệm nghề nghiệp và trải nghiệm cuộc sống nhưng như thế chưa đủ trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi từng ngày như hiện nay. Tôi mong rằng thông qua tổ chức Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các diễn đàn, hội thảo..., những người chủ doanh nghiệp còn non kém về trình độ quản lý, học vấn như chúng tôi sẽ được tiếp cận với những kiến thức mới, bổ ích để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển” – ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Sơn đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh phát triển mạnh trang thông tin điện tử, làm nơi tuyên truyền chính sách, là diễn đàn cho các doanh nghiệp hội viên, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, đối tác đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, việc xây dựng một Thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp cũng chính là nền tảng vững bền cho các doanh nghiệp hội viên vươn lên khẳng định vị thế của mình trên thương trường.