Làng nghề thêu Đông Cứu mang đậm chất văn hoá quê hương
Xã hội - Ngày đăng : 11:50, 25/01/2020
Thêu tay là thế mạnh ở làng Đông Cứu
Về làng Đông Cứu những ngày gần tết, không ồn ã như thường thấy ở các làng nghề, làng thêu Đông Cứu êm đềm và thanh bình như bao nhiêu làng quê ven đô khác. Nhưng khi vào đến các xưởng thêu, không ai không ngạc nhiên khi nhìn những sản phẩm của làng nghề. Các trang phục từ thời xa xưa được phục dựng, thêu trên loại vải cao cấp với những đường chỉ tỉ mỉ, cẩn thận thêu từng hình từ phượng, đến những bông hoa,… những hình ảnh gắn liền với đất trời được người thợ thực hiện tạo nên một bức tranh sinh động đầy ý nghĩa. Mặc dù, hiện nay công nghệ thêu bằng máy đã phát triển ở nhiều làng thêu khác nhưng nghề thêu tay vẫn là thế mạnh ở Đông Cứu.
Làng thêu Đông Cứu có lịch sử từ rất lâu đời. Theo thời gian ghi trên bản sắc phong, làng thêu có sớm nhất là dưới triều Vua Lê Cảnh Hưng (1746). Theo thần tích của làng và bản sắc phong của các triều vua Việt Nam, làng thờ ông Lê Công Hành, vị Tiến sĩ thời Vua Lê Thần Tông (1637), làm tổ nghề thêu. Khi ông đi sứ phương Bắc, có học được kĩ thuật thêu của người phương Bắc nên khi về đã truyền dạy cho dân, trong đó có dân làng Đông Cứu. Trước đây làng chuyên thêu long bào, áo mão cho quan chức, quý tộc trong triều và là nơi duy nhất ở miền Bắc chuyên lĩnh vực này. Hiện nay, nơi đây là nơi duy nhất còn giữ được nghề thêu này và số lượng người biết nghề còn lại hiện không nhiều.
Bước vào làng, để tìm hiểu kĩ hơn về làng nghề, chúng tôi được biết những nghệ nhân thêu ở làng Đông Cứu không phải trải qua những lớp học hay trường học được đào tạo cụ thể, mà họ chỉ học qua phương thức truyền miệng. Thế nhưng, những sản phẩm được tạo nên bởi những nghệ nhân nơi đây vẫn luôn giữ được chất lượng “để đời”, truyền lại cho người sau học tập.
Muốn thêu được một chiếc áo long bào, đòi hỏi những người thợ phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian. Để có một sản phẩm chất lượng, điều quan trọng nằm ở việc đánh màu và kĩ thuật đan xen các canh chỉ. Bên cạnh những lối thêu khó, người thêu còn phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo khác. Các mũi chỉ khi thêu phải theo một hướng nhất định.
|
Chia sẻ với phóng viên, Cụ Đỗ Bá Hệ (81 tuổi), người có kinh nghiệm lâu năm về nghề thêu tại thôn Đông Cứu cho biết: Ở làng, dù không được đào tạo qua trường lớp, chỉ học qua phương thức truyền miệng nhưng người dân nơi đây vẫn làm ra những sản phẩm chất lượng được các triều đại phong kiến công nhận.
Thời nay, kinh tế thay đổi, mặt hàng như long bào, áo quan không còn ai dùng nữa, nên làng nghề Đông Cứu đã chuyển dần sang phục chế các trang phục phục vụ cho việc bảo tồn, làm phim và sản xuất câu đối, tán, lọng, áo lễ…. Sản phẩm của làng Đông Cứu hiện được bán khắp cả nước. Dù công nghệ thêu bằng máy đã phổ biến ở nhiều làng thêu khác, nhưng nghề thêu tay vẫn là thế mạnh ở Đông Cứu. Chính điều này tạo điều kiện cho nghề thêu Đông Cứu phát triển. Bởi chỉ có thêu bằng tay với sự cần mẫn, tỷ mỷ của người thợ mới tạo ra được những sản phẩm tinh tế, có giá trị thẩm mỹ cao.
Mặc dù nghề thêu vất vả, nhưng đem lại một khoản thu nhập không nhỏ cho gia đình. Bên cạnh đó, việc phát triển nghề thêu đã giúp người dân ổn định kinh tế, tạo công ăn việc làm, đồng thời giúp người dân bảo tồn và phát huy được thế mạnh của làng nghề. Qua đó khôi phục, bảo tồn những mẫu thêu cổ xưa, tạo hướng đi mới cho làng nghề thêu Đông Cứu.
Phục chế trang phục – cần có “tầm” và có “tâm”
Tìm hiểu sâu hơn về cách làm trang phục, chúng tôi tìm đến ông Vũ Văn Giỏi, một nghệ nhân nổi tiếng đã có hơn 30 năm trong nghề và có truyền thống 6 đời làm nghề thêu, đồng thời ông cũng là Phó Chủ tịch Hội thêu huyện Thường Tín. Tâm sự với chúng tôi, ông Giỏi cho biết: Những kiểu thêu trên trang phục cung đình có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật thêu truyền thống. Việc phục chế trang phục đòi hỏi người thợ phải rất am hiểu về trang phục cổ trang hồi xưa của các vua chúa. Bên cạnh sự am hiểu về nghề, các thợ thêu cũng phải là người có tâm, yêu nghề có sự kiên trì và kiễn nhẫn mới tạo ra được một sản phẩm đẹp, có ý nghĩa và có gía trị cao về lịch sử.
Ngoài những lối thêu khó, việc thêu các trang phục này còn phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo. Với áo dành cho vua, dù có một ngàn mũi chỉ hay chục ngàn mũi chỉ thì tất cả các mũi chỉ phải đều nhau tăm tắp về khoảng cách, độ dài… Khi thêu người thợ phải làm sao bắt nét thật nhịp nhàng vào sợi kim tuyến, chưa kể các sợi kim tuyến đều là vàng thật nên công việc bắt nét còn khó khăn hơn. Hơn nữa, bất kể họa tiết nào, các mũi chỉ đều phải thêu theo một hướng nhất định. Chọn chỉ trong thêu áo cho Vua và Hoàng gia cũng phải tuân thủ những quy tắc khắt khe khác. Áo long bào của Vua, bắt buộc phải chọn chỉ se 2 chiều, trong khi đó, áo Hoàng hậu lại chỉ được dùng chỉ se một chiều… Cỡ chỉ cũng được quy định cho từng loại áo. Đặc biệt, mỗi hoạ tiết thêu trên áo long bào lại có những đòi hỏi về màu sắc riêng, ví như màu lam thể hiện hình ảnh sóng nước trên áo Vua, mỗi mảng lại đòi hỏi những màu lam khác nhau, và trên mỗi mảng đó, bắt buộc phải có 5 sắc độ lam, từ đậm đến nhạt.
Những mẫu thêu cổ xưa vốn đã rất quen thuộc trong các trang phục lễ hội truyền thống tưởng chừng đã bị thất truyền nay vẫn đang được người dân nơi đây làm sống lại. Những năm gần đây, nhiều di tích, lễ hội trong cả nước được khôi phục và phát triển rất mạnh. Chính điều này tạo điều kiện cho nghề thêu Đông Cứu phát triển. Nếu như hướng đi của làng thêu Quất Động là tranh thêu và các sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu thì làng Đông Cứu tập trung phát triển các mặt hàng phục vụ di tích, lễ hội.
Bộ áo cô bé do nghệ nhân Đỗ Bá Hệ thêu |
Khó khăn lớn nhất với nghề thêu long bào nằm ở vốn và đầu ra. Mặt hàng mẫu áo của các vị vua, chúa, hoàng gia đời trước này rất kén khách và chỉ lưu hành trong một bộ phận rất nhỏ như đoàn làm phim mà thôi. Để thêu được một chiếc long bào phải mất hàng năm, chưa tính trường hợp bị hỏng. Thêu một chiếc áo để phục vụ các dịp lễ hội, hầu bóng cũng phải mất tới vài tháng. Chính bởi vậy, thợ ở làng Đông Cứu chỉ làm theo đơn đặt hàng. Những năm trước đây, kinh tế khó khăn, đời sống vất vả nên chuyện thêu một chiếc áo giá trị như vậy rất hiếm. Mấy năm trở lại đây, kinh tế thay đổi, nên mặt hàng này mới được đầu tư, phục chế phục vụ cho nhu cầu bảo tồn và làm phim.
Bảo tồn và phát huy những mẫu thêu cổ là điều mong ước và tâm huyết của nhiều nghệ nhân. Theo ông Nguyễn Đức Dân – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Dũng Tiến, Đảng uỷ và lãnh đạo cấp xã luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ nhân cũng như các thợ thêu đẩy mạnh nghề, giữ gìn những nét đẹp văn hoá cho làng nghề, truyền lửa cho các thế hệ sau để tạo ra những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có chiều sâu về lịch sử.
“Chúng tôi luôn mở rộng việc thực hiện các xưởng phục trang, thêu làm nên danh tiếng của làng Đông Cứu, đồng thời đề nghị các cấp tập huấn, quy hoạch các gian trưng bày, mở rộng việc quảng bá các sản phẩm trong nước cũng như ngoài nước” – ông Nguyễn Đức Dân nhấn mạnh.
Làng Đông Cứu hiện có hơn 50 hộ trực tiếp nhận hàng và thuê thợ thêu. Trong đó, có 14 hộ mở xưởng thêu tại nhà; còn lại là nhận hàng để gia đình tự thêu, hoặc giao hàng cho thợ mang về nhà làm. Mỗi xưởng có khoảng 10-20 thợ thêu. Thu nhập của mỗi người thợ trung bình vào khoảng 15k/giờ với người thợ thường, còn đối với những thợ có tay nghề lâu năm sẽ có thu nhập cao hơn, tùy thuộc vào trình độ, khả năng của mỗi người. Đối với các cụ già đã có tuổi, thỉnh thoảng họ có phụ giúp các thợ thêu trong việc bóc giấy và cắt chỉ cũng thu nhập bình quân 50 ngàn đồng/ngày. |