Chợ Tết quê "vắng rác"
Môi trường - Ngày đăng : 18:49, 24/01/2020
Nhộn nhịp chợ Tết quê
Không thể so về độ nhộn nhịp của thị thành nhưng chợ quê ngày cuối năm lại chứa đựng rất nhiều cảm xúc với những ai sinh ra và lớn lên tại các vùng quê. Ngày cuối năm, không khí ở các phiên chợ quê rộn ràng, hối hả. Kẻ bán, người mua đều tất bật, vội vàng để về nhà chuẩn bị đón năm mới.
Những gian hàng quần áo, giày dép, bánh trái… trải dọc theo con đường dẫn vào chợ Thượng (Nông Cống, Thanh Hóa) |
Cũng như phiên chợ ngày cuối năm ở các vùng quê khác của Việt Nam, phiên họp cuối cùng năm Kỷ Hợi ở chợ Thượng (huyện Nông Cống, Thanh Hóa), cả người bán lẫn người mua ai nấy đều “hối hả” để kịp về đón Tết.
Phiên chợ cuối cùng của năm cũ đa dạng các loại mặt hàng, những gian hàng quần áo, giày dép, bánh trái… trải dọc theo con đường dẫn vào chợ. Các bà, các chị, các mẹ “đua nhau” lựa chọn các loại hoa tươi, trái cây, cau trầu, thực phẩm tươi sống và rau, củ, quả…
Những hàng đào, quất bày bán ven đường vào chợ |
Tỉ mỉ lựa chọn những bông cúc vàng óng, bà Nguyễn Thị Thắm (62 tuổi, xã Trung Thành, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) chia sẻ, con cái bà đều đã ra ở riêng, giờ trong nhà chỉ có 2 vợ chồng nên bà không sắm sửa gì nhiều. Dù vậy nhưng Tết cổ truyền mà thiếu hoa thì không còn là Tết nên bà tranh thủ đến chợ chọn bình, chọn hoa để về chưng cho ấm cúng.
Ngày cuối năm, bà Lê Thị Bảy (60 tuổi, ở thôn Thắng Long, xã Trung Chính) hái cau trầu ở vườn nhà đến chợ Thượng để bán. Theo bà Bảy, chợ phiên ngày cuối năm tấp nập người mua, người bán, ai cũng nhanh và ít trả giá.
Cửa hàng bán hoa, cây cảnh cuối ngày 30 tháng Chạp "sạch bóng rác" |
Mặc dù chợ quê đã có phần bị đô thị hóa, nhưng ở chợ Thượng vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa bình dị, thôn quê. Các bà, các mẹ đi chợ thường sà vào các dãy bán bánh đúc mua vài ba cái bánh đem về cả nhà cùng thưởng thức. Các mẹ, các o ngoài mua sắm, còn đến chợ để trao đổi hàng hóa, giao lưu, gặp gỡ bạn bè.
Vào những ngày này, nhịp sống như trở nên gấp rút hơn, nhất là ở các khu chợ. Chợ quê những ngày cuối năm cũng đông vui, nhộn nhịp nhưng vẫn giữ được nét bình dị thân thương. Với những người sinh ra và lớn lên ở vùng quê, chợ Tết quê là một mảng ký ức giản dị nhưng thấm đượm tình người, tình quê mộc mạc và chân thành.
Vắng bóng "rác"
Cùng với những ký ức mộc mạc, hẳn nhiều người cũng không quá xa lạ với hình ảnh “rác” nằm la liệt sau phiên chợ quê chiều 30 Tết. Rác từ những người bán hoa, cây cảnh… xả ra. Có những khi rác nhiều đến nỗi bằng cả tuần rác bình thường cộng lại.
Cuối ngày phiên chợ cuối cùng của năm, các cửa hàng chủ động dọn rạch rác |
Thế nhưng, theo quan sát của phóng viên, năm nay những hình ảnh rác đủ loại nằm la liệt xung quanh chợ chiều 30 Tết đã không còn. Đặc biệt, những điểm bán hoa, cây cảnh ven chợ cũng "sạch" rác. Không còn cảnh đào quất ế, hoa ế... nằm chổng chơ giữa dòng người qua lại ngày cuối năm. Cũng không còn hình ảnh những quả quất rụng bị "tống xuống đường" thành những bãi rác nhỏ tự phát...
Chị Nguyễn Thị Vân, chủ một cửa hàng hoa lâu năm tại chợ Thượng chia sẻ, trước tháng Tết, các hộ buôn bán, kinh doanh ở đây đều đã được tuyên truyền, nhắc nhở các không được xả rác bừa bãi, nếu có rác phải thu dọn ngay.
Những bọc rác ngày cuối năm đang "chờ" xe thu gom rác chở đi |
"Thực ra, giờ ý thức của nhiều hộ bán hàng ở đây dù đến từ nhiều xã khác nhau nhưng đều đã được nâng lên. Họ đều có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung", chị Vân chia sẻ.
Hi vọng rằng, ở hàng vạn làng quê khác của Việt Nam, phiên chợ Tết quê bên cạnh nét mộc mạc, giản dị, truyền thống cũng sẽ dần "vắng bóng rác", góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn của chúng ta những ngày trước, trong và sau Tết.