Giáo sư Tạ Hòa Phương: Nghề địa chất đã chọn tôi
Khoáng sản - Ngày đăng : 15:31, 23/01/2020
Tròn 47 năm gắn bó với nghề địa chất - cổ sinh, với hang động và các di sản địa chất dường như chưa hề đủ... Còn sức khỏe ông còn đi. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng dáng người nhanh nhẹn, đôi mắt vẫn tinh anh và đầy đam mê khi đề cập đến chuyên môn địa chất, đến những chuyến đi khám phá đầy vất vả nhưng thú vị...
Dành hết tài hoa khám phá địa chất nước nhà
PV: Những năm 60 – 70, học sinh giỏi toán trong nước sang Liên Xô học thì hầu hết là chọn ngành kỹ thuật hoặc văn hóa để học tập và nghiên cứu. Cơ duyên nào đưa ông đến với ngành địa chất đầy gian khổ, khô khan này?
Giáo sư Tạ Hòa Phương:
Cuối những năm 60, tôi được nhà nước cử sang Nga học tập. Kết thúc một năm học dự bị tiếng Nga tại Kiev, tôi cùng 7 bạn khác được phân công về Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Voronezh, học chuyên ngành Địa chất. Ngày ấy, chúng tôi du học khi đất nước vẫn đang trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Tôi cũng như nhiều bạn đồng trang lứa học tập và làm việc theo sự phân công của tổ chức. Tôi bén duyên với nghề địa chất như thế, chứ hoàn toàn không phải do mình lựa chọn.
Giáo sư Tạ Hòa Phương |
PV: Những mảnh đất mà ông đã đi qua, nơi nào để lại trong ông nhiều tình yêu, kỉ niệm nhất?
Giáo sư Tạ Hòa Phương:
Mảnh đất gắn bó với tôi suốt hành trình nghiên cứu khoa học là Hà Giang. Tôi đi Hà Giang nhiều đến nỗi giờ không nhớ được mình đã đến đó bao lần! Tôi đã viết nhiều bài báo khoa học về cổ sinh, địa tầng, về những di sản địa chất trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Một số di sản địa chất là điểm dừng chân của du khách trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn hiện nay do chúng tôi đặt tên trong quá trình nghiên cứu. Đó là nhóm tượng Thạch Sơn Thần ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ - nơi có các khối đá vôi mang hình các pho tượng thần linh, hay hẻm vực Tu Sản trên sông Nho Quế, trên cung đường Hạnh Phúc nối liền thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc. Đó là hẻm vực sâu và hoành tráng bậc nhất của Đông Dương, cũng là di sản địa chất tiêu biểu nhất của Cao nguyên đá Đồng Văn.
Địa phương thứ hai có những kỉ niệm đặc biệt với tôi là Quảng Bình. Năm 1989, tôi cùng đồng nghiệp Phan Duy Ngà được phân công viết đề cương cho nhóm khảo sát hang động đầu tiên của Hiệp hội hang động hoàng gia Anh (HHHĐHGA), do chuyên gia Howard Limbert làm trưởng đoàn. Đó là sự khởi đầu của mọi khởi đầu trong suốt quá trình hợp tác nghiên cứu hang động giữa Đoàn thám hiểm của HHHĐHGA với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Năm 2010, HHHĐHGA công bố Sơn Đoòng là động karst lớn nhất thế giới, có những đặc điểm nổi bật, khác thường, đặc biệt là có 2 hố sập trần hang được coi là các giếng trời khổng lồ.
Năm 2013, tôi được mời tham gia với tư cách là chuyên gia địa chất khu vực trong cuộc thám hiểm hang Sơn Đoòng cùng đoàn làm phim khoa học - thắng cảnh của Hong Kong TV. Ngày đoàn làm phim dời Việt Nam về nước, chuyên gia Howard Limbert đã tuyên bố: “Cho tới nay, ông Phương là nhà địa chất Việt Nam đầu tiên, cũng là người cao tuổi nhất từng đi qua trọn vẹn hang Sơn Đoòng”.
Cho đến thời điểm hiện nay, tôi đã kịp vào nghiên cứu động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới thêm một lần nữa, và đã cho ra mắt chuyên khảo khoa học đầu tiên về hang động ở Việt Nam “Thiên đường hang động Quảng Bình”, do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành.
PV: Đã từng khám phá, nghiên cứu Sơn Đoòng, theo ông đâu là điểm độc đáo của kỳ quan này?
Giáo sư Tạ Hòa Phương:
Điều kỳ diệu Sơn Đoòng là ngoài kích thước lớn nhất thế giới, động này còn sở hữu nhiều thành tạo địa chất có kích thước khổng lồ và tuyệt đẹp. Một trong những điểm độc đáo trong cấu tạo của động là có 2 hố sập trần khổng lồ tạo nên những giếng trời, khiến cho ánh sáng rọi xuống đáy và làm cho thảm thực vật nhiệt đới có điều kiện phát triển thành rừng. Năm 2013 tôi đã từng một mình đi lang thanh trong khu rừng ấy để chụp ảnh cỏ cây hoa lá cho tới gần chiều tối. Một cảm giác lạ lẫm, thú vị, vì lần đầu tiên được chiêm ngưỡng cánh rừng nhiệt đới với những cây cao đến 30 nằm sâu dưới lòng đất đến 300m. Tôi cảm thấy sức sống tuyệt vời của rừng cây vươn lên phía ánh mặt trời. Xen một chút cô đơn, khi chỉ một mình đi lang thang trong khu rừng đó tìm kiếm ngách hang mà cả đoàn đang hạ trại, trong bóng chiều chạng vạng. Và cuối cùng tôi kịp trở về trước khi trời tối. Có được trải nghiệm đó là do ngày ấy Sơn Đoòng chưa khai thác du lịch, nên tôi còn được hưởng chút “tự do” cá nhân trong chuyến đi. Chứ bây giờ, có muốn cũng không ai được phép một mình lang thang trong khu rừng “huyền thoại” ấy…
Lĩnh vực mà GS.TS. Tạ Hòa Phương tập trung nghiên cứu là cổ sinh - địa tầng với 3 nhóm hóa thạch chính là San hô vách đáy (Tabulata), Răng nón (Conodonta) và Vỏ nón (Tentaculites). Trên nền tảng kiến thức cổ sinh học được trang bị khá vững, ông đã tham gia giải quyết nhiều vấn đề về địa tầng cho các tờ bản đồ địa chất khu vực, về tuổi của các thể đá trầm tích thuộc các hệ Devon và Carbon. Chính các vùng đá vôi mà ông nghiên cứu đồng thời cũng là các miền danh thắng nổi tiếng của Việt Nam, như Vịnh Hạ Long, Cao nguyên đá Đồng Văn, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với nhiều hang động nổi tiếng: Phong nha, Thiên Đường, Sơn Đoòng v.v... Nhiều điểm cổ sinh - địa tầng mà ông và đồng nghiệp nghiên cứu cũng đã trở thành những điểm di sản địa chất có giá trị.
PV: Những chuyến ngược xuôi kiếm tìm kỷ nguyên của đá, ông có kỉ niệm ấn tượng sâu sắc nào nhất khi lần đầu tiên chạm vào một hóa thạch có ý nghĩa khiến ông xúc động?
Giáo sư Tạ Hòa Phương:
Đó chính là một chuyến đi đến vùng thượng lưu sông Cầu, trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi cùng Viện sĩ Philippe Janvier (CH Pháp) đi tìm hóa thạch Cá. Suốt hai này tìm kiếm trong cả một vùng rộng lớn, nơi phổ biến trầm tích màu đỏ của hệ Devon cách nay khoảng 400 triệu năm mà không tìm thấy vết tích gì của cá. Đúng lúc chuẩn bị lội qua sông Cầu để quay lại Chợ Mới thì tôi phát hiện một hóa thạch một mảng phiến da cá màu đen lộ ra. Thế là cả nhóm xúm lại khai quật, rồi quyết định đưa cả tảng đá chứa hóa thạch cá về. Chỉ nhìn diện lộ của khiên đầu đá, Viện sĩ Janvier đã dự đoán đó là một trong những con cá to nhất tuổi Devon từng tìm được ở Việt Nam. Mọi người thực sự vui mừng với phát hiện quan trọng này. Về sau, khi gia công xong mẫu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris, một khiên đầu cá lớn lộ ra, được xác định là một giống cá mới đối với khoa học. Đó chính là giống cá Bannhuannaspis, hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Địa chất Hà Nội.
Miệt mài kiếm tìm kỷ nguyên của đá
PV: Có phải vì từng được chứng kiến vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên mà ở tuổi 70 tiếng gọi của núi đá vẫn hấp dẫn ông đến vậy?
Giáo sư Tạ Hòa Phương (cười):
Đúng vậy. Người bình thường nhìn tảng đá có thể thấy không ấn tượng gì mấy, nhưng trong con mắt người địa chất chúng tôi, mỗi tảng đá đều chứa đựng nhiều thông tin: hình thù, màu sắc, thành phần, nguồn gốc, tuổi tác… Chỉ các nhà địa chất mới có thể nhìn và đọc được các thông tin của mỗi viên đá. Chính những thông tin thú vị chứa trong từng mẫu đá mà hầu hết mọi người không nhìn ra được đó đã mê hoặc chúng tôi. Nên dù ở tuổi 70 hay 80, nếu sức khỏe còn cho phép, tôi không ngần ngại trèo đèo lội suối để tiếp tục khám phá.
|
PV: Không chỉ là nhà địa chất, được biết, ông còn là cố vấn khoa học và tham gia trong nhiều bộ phim tài liệu - khoa học trong và ngoài nước. Ông cũng đã chụp nhiều bức ảnh quý giá về cảnh quan và hang động karst Việt Nam. Vậy bên cạnh danh hiệu nhà địa chất, phải chăng, ông còn những danh hiệu có tính chất nghệ sỹ khác?
Giáo sư Tạ Hòa Phương:
Đúng vậy, tôi đã nhận được nhiều lời mời tham gia làm các phim tài liệu khoa học do các hãng phim trong và ngoài nước thực hiện. Cho tới nay, tôi đã tham gia làm hàng chục bộ phim như vậy. Đáng chú ý là bộ phim tài liệu “Bản hòa tấu Sơn Đoòng” mà tôi làm cố vấn khoa học được trao giải Bông sen vàng trong Liên hoan phim toàn quốc năm 2015. Đạo diễn phim “Người bất tử” cũng mời tôi làm cố vấn hang động cho bộ phim truyện ăn khách này.
Ngoài niềm đam mê địa chất, tôi còn rất yêu nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca, văn học. Năm 1999 Hội Nhà văn Việt Nam, tuần báo Văn nghệ và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây tổ chức một cuộc thi dịch thơ A. Puskin nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại thi hào Nga, tôi đã tham gia dự thi và vinh dự được nhận giải nhất của cuộc thi ấy. Từ đó, bên cạnh sáng tác thơ, tôi bắt đầu chú tâm tới mảng văn học dịch và cũng đã gặt hái những thành công. Bên cạnh những cuốn thơ sáng tác, một số tập thơ Nga do tôi dịch đã lần lượt được ấn hành: “Những đỉnh cao thơ Nga” “Thơ trữ tình A. Puskin”, “Thơ trữ tình Lermontov”, “Thơ trữ tình S. Esenin”, “Thơ trữ tình A. Akhmatova” và “Thơ Nga từ một góc nhìn”. Còn hội họa là lĩnh vực tôi ham thích từ thời trẻ, và cũng chỉ thể hiện hạn chế bằng những bức vẽ hoặc chạm đá vào những dịp có sự kiện đáng ghi nhớ.
PV: Công việc nghiên cứu và giảng dạy của ông quá bận rộn, thời gian nào ông dành cho nghệ thuật?
Giáo sư Tạ Hòa Phương:
Đúng là việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy đã chiếm phần lớn quỹ thời gian của tôi, nên các hoạt động mang tính nghệ thuật chỉ là việc “tay trái”, vì yêu thích mà làm, nhưng đã làm là dành trọn đam mê và tâm huyết. Những việc đó tôi thường làm trong các chuyến đi dã ngoại hoặc tranh thủ thời gian giữa những công việc bận rộn, coi như một hình thức giải lao tích cực.
“Năm 1972, khi tốt nghiệp đại học trở về nước, tôi may mắn được làm việc với các nhà địa chất dày dạn kinh nghiêm: GS. Nguyễn Văn Chiển, GS. Tống Duy Thanh, nhà địa chất lão thành Bùi Phú Mỹ... Chuyến đi thực địa Tây Bắc với nhà địa chất Bùi Phú Mỹ năm ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong suốt cuộc đời hoạt động khoa học của tôi sau này. Tôi bắt đầu những tháng ngày lặn lội khắp các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Miền Trung, Miền Nam, các vùng hải đảo xa xôi và ra cả ngoài biên giới: Châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, với lí do xuyên suốt và duy nhất: Đi vì niềm say mê khám phá địa chất cùng những cảnh quan tuyệt đẹp của trái đất”.
PV: Nhiều “nhà” trong ông như vậy, tình yêu địa chất có bị “soán” mất ngôi không, thưa ông?
Giáo sư Tạ Hòa Phương:
Kể ra cũng đôi lúc cũng tôi cảm thấy bị “phân thân”, nhưng rồi nhanh chóng nhận ra, không có gì hấp dẫn và thay thế được tình yêu địa chất trong tôi. Có thể vì có “nhiều nhà trong một”, nên tôi đã phải dành thời gian làm việc nhiều hơn để thỏa mãn những đam mê của cá nhân mình.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!