Xuân qua miền cổ sử

Văn hóa - Ngày đăng : 02:56, 23/01/2020

(TN&MT) - Tôi chẳng thể nhớ, đã bao lần đặt chân về lại Tân Trào, nhưng mỗi bận đến, chiến khu xứ Tuyên xưa lại gợi một niềm cổ sử thương vương mới. Xuân hườm triền Phó Đáy, sông êm nghiêng trôi soi bóng núi Bòng, huyền tích ngàn đời vẫn mê mải chảy, khiến kẻ lữ hành cứ gom nhặt bâng khuâng, vấn người vấn cảnh, mà nao nao đau đáu giấu làm của riêng.   

Một

Cuối cùng thì ông Ngọc cũng ra khỏi rừng. Bà con chòm xóm bảo, đó là thành quả của cuộc vận động ròng rã hai năm trong gia đình ba thế hệ người Tày. Chứ, cứ để ông ở lì trong rừng, không ốm đau bệnh tật, người cũng mòn đi.

Đã bốn con trăng qua, từ dạo ông Ngọc rời túp lều trên quả đồi dốc dác, sum suê cây trái, mà lòng rưng rưng. Không rưng rưng sao được, tự tay ông bạt núi, gây dựng trang trại rộng tới hai héc-ta. Cơ hồ nhìn vào, ai cũng nghĩ thế. Kỳ thực, ông xốn xang đâu phải vì cái trang trại mùa nào thức nấy, mỗi năm, thu hơn 70 triệu lận, không làm thì để con cháu làm, ông Ngọc bùi ngùi vì chẳng nỡ xa rừng. Cất tiếng khóc chào đời, đón mặt trời nhô lên từ đỉnh núi Hồng như lòng đỏ trứng gà, đến thuở tóc để chỏm làm liên lạc ở chiến khu Việt Bắc, vạm vỡ tí thì bôn ba cầm súng đánh giặc khắp đại ngàn, rồi bị thương gãy xương sống, về mất sức. Chớp mắt, sống ngót 84 mùa xuân, cả đời ông Ngọc gắn với rừng.

Ông Hoàng Ngọc, con cụ Hoàng Trung Nguyên – “tự vệ đỏ” năm xưa. Ảnh: Thiệu Anh

Mà ở cái làng Kim Long ấy, nay là thôn Tân Lập, cách đây ba thập niên thôi, chỗ nào chả rừng, toàn Thủ đô khu giải phóng Tân Trào đều là rừng. Giờ, nhà sàn kiên cố, đường bê-tông phẳng phiu, chạy cái rột thấy chợ Sơn Dương. Ông Ngọc mừng lắm, mừng vì Ðảng, Nhà nước quan tâm, đời sống đồng bào Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... được đổi thay, nhưng ông không nguôi nhớ rừng. Tết này, gần năm bận xuân Tân Trào trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, ông Ngọc càng nôn nao, ký ức ùa về, chợt thoảng như bước chân con nai qua suối Ngòi Khoác và bên kia suối đã là quá khứ.

Ðêm đêm, bếp lửa bập bùng, các bậc cao niên thường kể chuyện xưa. Lũ trẻ dụi đầu vách liếp, nghe tròn con mắt, thuộc nằm lòng. Năm đó, trà trà lứa ông Ngọc, khoảng chín, mười tuổi, tóc vàng như lông bò. Bữa nọ, chơi quay trước hiên nhà cụ Nguyễn Tiến Sự - Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long, gặp đoàn người từ rừng ra. Người đi đầu tuổi cao, gầy gò, khoác áo nâu chàm giản dị, hỏi: "Các cháu có đi học không?". "Chúng cháu không có trường, không có thầy để dạy ạ!" - Tất cả đồng thanh. "Bao giờ cách mạng thành công, các cháu phải đi học nhé". Giọng nói trìu mến, ấm áp của Ông Ké chiều ấy, 21/5/1945, ông Ngọc mang theo suốt hành trình kháng chiến, suốt cả cuộc đời. Tá túc nhà cụ Sự ba ngày, Bác Hồ cùng năm cán bộ Việt Minh khảo sát địa hình, tìm nơi "dựng trại". Sau gần tuần lễ, Ông Ké dọn lên lán Nà Nưa. Khi đó, cha ông Hoàng Ngọc là Hoàng Trung Nguyên, trở thành một "tự vệ đỏ", bảo vệ Bác đến cuối tháng 8/1945.

Ngày Bác đến, lặng lẽ, bình dị. Ngày Tân Trào đón luồng sinh khí mới.

Nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Phù Ninh từng nói, nếu Đền Hùng là khởi nguồn của Nhà nước Việt Nam độc lập thì Tân Trào là nơi bắt đầu của Nhà nước Việt Nam cách mạng.

Hai

Cuối cùng thì mấy bộ bàn ghế “thời bao cấp” mốc thếch, cáu váng nước chè thôi đồng xanh lét cũng được cất vào kho. Xã Tân Trào chính thức hoàn thiện trụ sở mới và nhà văn hóa đa năng. Cuộc đợi chờ nửa thế kỷ. Cách đó vừa đủ tầm mắt là xưởng chế biến chè đương cữ mẻ đầu. Ngoài đồng, hơn trăm héc-ta lúa mùa mới gieo, già trẻ chộn rộn niềm vui. Ðồng bào nô nức như trẩy hội, đổ về khu hành chính. Những sắc màu thổ cẩm nhòa vào nhau, tựa chiếc váy xòe rộng lớn bao quanh các chái đồi mướt mát xanh. Từ đỉnh núi Bòng ngó xuống, chiến khu xưa chìm trong dải hoa văn liên miên sóng lượn.

Cảnh ấy, khiến lớp người đi qua mốc nhân sinh "xưa nay hiếm" không khỏi lâng lâng hoài cổ, ngậm ngùi cả nghĩ. Mùa thu 75 năm về trước, những mảnh đời lam lũ, những số phận bần cùng tề tựu dưới mái đình rêu phong, chào mừng Quốc dân đại hội, nguyện kết lòng, chung ý chí diệt thù. "Ánh mắt Bác Hồ hôm đó, 13/8/1945, vừa trang nghiêm, vừa u trầm sâu lắng. Nhìn đám trẻ nhem nhuốc, thân hình tong teo, không quần, không dép, Bác lại gần, xoa đầu tôi, lặng đi xúc động" - ông Ngọc bồi hồi kể. Bốn ngày sau, sáng 17/8, Ủy ban Dân tộc giải phóng ra mắt quốc dân. Tiếng Người văng vẳng non sông: "Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

 

Những em nhỏ năm xưa, giờ tóc đã ngả sương!

…Chỉ mới hơn ba năm, nhớ thuở Bí thư Ðảng ủy xã Viên Tiến Thăng còn ngồi làm việc trong căn nhà cấp bốn. Gọi nhà cho sang, chứ khoảng chục mét vuông, lụp xụp, tường vôi lở lói, cửa gỗ cong vênh, ngọn điện đỏ lòm không khỏa lấp nổi vẻ u tối, ẩm mốc. Vị lãnh đạo người Tày tiếp chúng tôi ngoài sân, bên cạnh giếng nước nông choèn, mùi phèn chua loét. Vậy mà, ngỡ cơn gió vụt qua bìa rừng, nay đứng giữa hiên sảnh thênh thang, ông cứ tần ngần cảm nhận cái nguyên khí háo hức phủ kín miền quê. Cả đời làm cán bộ, chưa khi nào trong mắt ông chật ních cờ hoa thế.

- Phải là nhà văn hóa cỡ này mới xứng, khéo lớn nhất nước ấy. Tân Trào có đến 120 di tích lịch sử mà. - Anh bạn đồng nghiệp trầm trồ.

- Mấy ngày Tết, câu lạc bộ hát then có chỗ diễn, rôm hà. - Bí thư Thăng đằng hắng.

- Xây làng văn hóa Tân Lập xong rồi, cơ ngơi chung của xã cũng xong rồi. Mai mốt, lo nốt việc mở rộng làng nghề truyền thống chè Vĩnh Tân. - Trưởng thôn Phạm Ngọc Thảnh bỏm bẻm góp chuyện.

Cũng phải, Tân Trào có hơn 100 ha chè, không tận dụng tiềm năng thì phí. Ông Thảnh chạy đôn chạy đáo cả năm trời, lập hồ sơ, tỉnh về thẩm định, công nhận làng nghề, 102 hộ dân tham gia, nhưng khổ nỗi, đầu ra còn bấp bênh lắm. Lãnh đạo xã đang đau đáu chuyện này.

- Năm nay, xã đón hơn 400 nghìn lượt khách thăm quan. Phải đưa sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch thôi. - Bí thư Thăng châm chè, vầng trán nhíu lại.

Kế lâu dài thì vậy, chứ hồi chiều, qua xóm Bòng sau hàng ruối trăm tuổi, ghé hộ chị Ðinh Thị Thu, nghe bảo, hộ nào cũng có vài héc-ta chè, thanh long ruột đỏ, tai chua, mỗi năm thu mấy chục triệu đồng. Làng rậm rịch ăn Tết xôm lắm. Nhà chị, năm rồi lời lãi khoảng trăm triệu. Từ bận, Tân Trào được Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội nhận bảo trợ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 5%.

Tối tối, con trăng đầy ngọn tre, các cụ già làng cổ Kim Long bắc ghế hóng mé gốc đa, hàn huyên, bần thần nhìn dãy nhà sàn chùng chình chân núi, tiền Nhà nước rót hàng tỷ. Rồi ngó đăm đăm phía lán Nà Nưa, mái lá bàng bạc. Họ dụi mắt, sống mũi cay cay, ơn Ðảng, ơn Bác!

Gần 75 năm trôi qua. Người dân Tân Trào đang sống trọn niềm vui khôn xiết!

Ba

Gần trăm mâm cỗ lần lượt được dọn ra, mâm nào cũng có món trám om. Ðó là những mâm cỗ ngon nhất trong vòng ba mươi năm của người dân Tân Trào. Mỗi mâm cỗ như một ngày hội, những ngày hội y chang nhau, nước mắt ngập tràn, hoan ca rộn rã, mừng đón gần một trăm người con, trải qua hai cuộc kháng chiến, đều trở về lành lặn. "Bà con tin, Tân Trào là nơi chở che Bác Hồ khi cách mạng còn trứng nước, nên đức sáng của Người bao bọc con dân" - ông Ngọc vuốt chòm râu, tư lự.

Cụ Hoàng Trung Dân - chiến sĩ giao liên năm xưa, nay đã về tiên tổ. Gian thờ Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, đặt trang trọng trong nhà sàn của cụ Dân, khói hương luôn nghi ngút. Nơi đây, Anh Văn từng sống, làm việc từ tháng 5 đến tháng 8/1945. Ngày nối ngày, bà Nông Thị Thu - con dâu cụ Dân, cần mẫn lau chùi từng bậu cửa, sửa soạn nhang đèn, gìn giữ gia phong, những trọng trách mà chồng bà - Bí thư Ðảng ủy xã Hoàng Văn Thông, qua đời giao lại.

Căn nhà sàn của cụ Nguyễn Tiến Sự cách nhà bà Thu lối rẽ nhỏ, ngó sang chạm mặt. Bên hương án phảng phất trầm thơm, bức chân dung Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long thuở nào, đã bạc màu thời gian, chỉ còn ánh mắt, nhìn thẳng, rực lên chói lọi. Trong căn nhà ấy, cũng có một phụ nữ, thờ chồng. Ngỡ lẽ hữu duyên, người phụ nữ đó - bà Hoàng Thị Mai, con dâu cụ Sự, lại là con gái cụ Hoàng Trung Dân.

Ông Ngọc ngồi trên tấm phên nứa đập giập, lặng lẽ vót nan. Mái tóc ngả màu tựa mặt sông Phó Ðáy, thi thoảng rung rung mỗi lần ông ngẫu hứng lẩy một câu Kiều. Ông ví cái nhân duyên đời ông, khi lấy cháu gái cụ Sự, ví rằng, Cách mạng Tháng Tám là hành trình làm nên vô vàn mối "tương ngộ" cho những mảnh đời lịch sử.

Bầu trời chon von qua khung cửa sổ, gương mặt của những phụ nữ Tày đi qua bảy, tám thập niên, như đong đầy đau thương mất mát, như gom hết nét kiêu hùng, kỳ vĩ, thăng trầm biến cố ở xứ sở này.

…Ông Ngọc ngồi trên tấm phên nứa đập giập, lặng lẽ vót nan. Mái tóc ngả màu tựa mặt sông Phó Ðáy, thi thoảng rung rung mỗi lần ông ngẫu hứng lẩy một câu Kiều. Ông ví cái nhân duyên đời ông, khi lấy cháu gái cụ Sự, ví rằng, Cách mạng Tháng Tám là hành trình làm nên vô vàn mối "tương ngộ" cho những mảnh đời lịch sử. Giờ, một mắt ông đã lòa, chẳng rõ nguyên nhân, nhưng ngày ngày, ông vẫn làm thơ. Một lòng theo Ðảng quang vinh/Năm đời quyết chí gia đình vẻ vang/Già Hồ căn dặn kỹ càng/Hiếu trung dân nước truyền sang muôn nhà. Thơ viết để chào xuân, ông Ngọc bảo thế.

Thiệu Anh