Một đời người một rừng cây

Môi trường - Ngày đăng : 02:55, 23/01/2020

(TN&MT) - Tôi nghe bài hát “Một đời người - Một rừng cây” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn nhiều lần với từng ca từ gợi nhiều xúc cảm trân quý về lẽ sống nhân sinh: Khi nghĩ về một đời người tôi thường nhớ về rừng cây/Khi nghĩ về một rừng cây tôi chợt nhớ về nhiều người...

Và trong cánh rừng bao la ấy, tôi nhớ đến “cây đại thụ” của nền sinh vật học Việt Nam, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN - GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam.

Hơn 60 năm, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đi qua không biết bao nhiêu khu rừng trên dải đất hình chữ “S” và “tích cóp” được khối tài sản khoa học đồ sộ về giá trị tài nguyên sinh thái. Để có được “quả ngọt” đó, ở ông luôn tâm niệm: “Cuộc sống của muôn loài động, thực vật cũng giống như con người, cũng có một thế giới riêng với nhiều chức năng, đóng vai trò quan trọng cân bằng sinh thái Trái đất”.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh. Ảnh: Hoàng Minh

Trong câu chuyện đầu Xuân Canh Tý, bằng chất giọng trầm ấm đậm chất Quảng Nam, nhà khoa học gần 90 tuổi sẻ chia, cuộc đời ông có sự gắn kết lạ kỳ giữa đời lính và đời nghiên cứu.

“Nghiên cứu khoa học là cuộc đời tôi”

PV: Lĩnh vực môi trường - rừng - sinh vật hấp dẫn ra sao lại thôi thúc Giáo sư dành trọn cuộc đời để nghiên cứu và bảo vệ?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh:

Năm 14 tuổi, tôi gia nhập quân ngũ. Suốt những tháng năm đó, cuộc sống của tôi đều ở trong rừng, nên tôi có nhiều điều kiện gần gũi với môi trường tự nhiên. Tôi từng sống ở trong những cánh rừng ở Liên khu 5, vượt dãy Trường Sơn để tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào và Campuchia.

Thời điểm đó, với những người lính chúng tôi, rừng là người bạn thân tình. Rừng che chở bộ đội trước những hiểm nguy, mưa bom đạn lạc. Rừng vây quân thù. Rừng cho tôi cơ hội được tiếp xúc với nhiều loài thú, chim chóc suốt dọc đường hành quân. Từ đó, tình yêu của tôi đối với thiên nhiên ngày càng mãnh liệt.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, khi tập kết ra Bắc, tôi tiếp tục đi học. Tôi quyết định theo học ở Khoa Sinh học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ đó đến nay, đã hơn 60 năm cuộc đời, tôi dành trọn cho hoạt động nghiên cứu về đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.

PV: Mỗi chuyến xuyên rừng nghiên cứu sinh vật, Giáo sư nhớ nhất điều gì?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh:

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?! Tôi biết trước chọn nghề này là chọn gian khổ. Bởi, muốn nghiên cứu về đa dạng sinh học trong rừng hay dưới biển đều phải lăn lộn thực tế. Tôi nhớ như in, mỗi chuyến đi thường kéo dài 2 - 3 tháng, phải băng qua rừng sâu nước độc, phải đằm mình vào thiên nhiên để cảm, để lắng nghe mới hiểu rõ giá trị của từng cành cây, ngọn cỏ, từng hơi thở, nhịp sinh học của mỗi loài.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh giới thiệu với tác giả về bộ Sách Đỏ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Minh

Và muốn đi đến được đích của nghiên cứu, nhà khoa học như chúng tôi luôn phải vác theo hàng chục cân hành lý gồm thiết bị phục vụ nghiên cứu, ngô, gạo và tư trang… Điều mà tôi nhớ nhất là khi nghiên cứu về động vật, tôi thường xuyên phải đi vào ban đêm, lúc không có trăng nên đã không ít lần đối mặt với nguy hiểm.

PV: Vậy, động lực nào giúp Giáo sư vượt qua những khó khăn đó?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh:

Tinh thần thép của người lính bộ đội Cụ Hồ trong những năm tháng bom đạn đã vun đắp ý chí trong tôi. Tôi từng vượt qua thử thách suốt 9 năm quân ngũ, nên những khó khăn trong nghiên cứu cũng giúp bản thân mình rèn luyện để trưởng thành hơn.

Tôi luôn xác định nhiệm vụ của bản thân là nghiên cứu, phát hiện và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Chỉ cần việc gì có lợi cho nhân dân, cho đất nước tôi kiên quyết làm. Vì thế, mỗi lần nghiên cứu thành công sản phẩm khoa học để phục vụ nhân dân hay hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, với tôi đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời.

Trọn tâm sức trong từng trang Sách Đỏ

Với tình cảm lớn và sự hiểu biết sâu sắc về thiên nhiên, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh dành nhiều tâm sức nghiên cứu về các loài có nguy cơ tuyệt chủng, thiết lập và quản lý các khu bảo tồn, hỗ trợ cộng đồng địa phương sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

Còn nhớ, năm 1992, ngành Khoa học tự nhiên và giới bảo tồn hân hoan đón nhận sự kiện Sách Đỏ Việt Nam lần đầu tiên được xuất bản. Nếu lật giở những trang đầu tiên của cuốn sách bìa cứng được in trang trọng dòng tiêu đề Sách Đỏ Việt Nam - Phần I. Động vật, chúng ta sẽ bắt gặp dòng tên GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh. Ông là một trong hơn 70 tác giả của bộ sách và cũng là thành viên Hội đồng Biên tập, là người chủ trì nhóm biên soạn phần nội dung về các loài thú.

PV: Giáo sư cho biết ý tưởng xây dựng Sách Đỏ Việt Nam xuất phát từ khi nào?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh:

Nói về nguồn gốc Sách Đỏ, chúng ta nên nhìn lại thời kỳ trước giải phóng và lấy mốc 1964, khi Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới IUCN xây dựng Sách Đỏ Thế giới - bộ danh sách được xây dựng một cách khoa học về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Lúc bấy giờ, nhiều nhà khoa học của ta được đào tạo ở các nước Đông Âu được tiếp cận với thông tin này nên họ đã ấp ủ ý tưởng biện soạn một cuốn sách tương tự về các loài động thực vật của Việt Nam. Tuy vậy, vì cả nước còn đang trong kháng chiến và vì điều kiện kinh tế khó khăn nên ý tưởng mới chỉ là phôi thai.

Cho tới sau năm 1980, Nhà nước mới thực sự nhận thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ sách như vậy và giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học thực hiện.

Năm 1992, Sách Đỏ Việt Nam phần Động vật được xuất bản, đến năm 1996, cho ra mắt phần Thực vật. Đến giai đoạn 2000 - 2004, bộ sách này đã được tu chỉnh và soạn thảo lại cho phù hợp với các tiêu chuẩn mới của IUCN về tình trạng đe dọa của các loài trong tự nhiên nhưng chỉ ở dạng điện tử, không có bản in.

Năm 2007, bộ Sách Đỏ Việt Nam do Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam xuất bản, cùng với đó là cuốn Danh lục Đỏ Việt Nam giới thiệu về các loài quý hiếm, loài có nguy cơ bị đe doạ ở nước ta.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (thứ hai từ phải sang) là một trong hơn 70 tác giả của bộ Sách Đỏ. Ảnh nhân vật cung cấp

PV: Số lượng các loài biến thiên ra sao trong Sách Đỏ ạ?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh:

Số lượng các loài trong danh mục công bố lần đầu tiên là 721 loài, gồm 365 loài động vật và 356 loài thực vật. Trong Sách Đỏ 2007, danh sách các loài bị đe dọa tiếp tục tăng lên 855 loài, với 448 loài thực vật, 407 loài động vật.

Nếu như trong lần xuất bản đầu, mức đe dọa cao nhất chỉ là nguy cấp thì ở những lần sau, đã có loài tuyệt chủng và tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Trong Sách Đỏ 2007 có tới 9 loài động vật tuyệt chủng mà trước kia chúng chỉ trong tình trạng bị đe dọa.

PV: Giáo sư đánh giá về giá trị bộ sách này?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh:

Phải khẳng định, Sách Đỏ thể hiện rõ tinh thần dấn thân của rất nhiều nhà khoa học, là tâm huyết của cả một thế hệ những người làm khoa học, chứa lượng chất xám rất lớn, đáng trân trọng.

Sách Đỏ là tài liệu khoa học mang tính quốc gia, trong đó, công bố các loài động thực vật bị đe dọa giảm sút số lượng hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ngoài để tra cứu và nâng cao nhận thức của người dân về đa dạng sinh học. Sách Đỏ còn tạo cơ sở khoa học cho các nhà làm chính sách, nhà bảo tồn xây dựng biện pháp, chủ trương bảo vệ, phục hồi đối với từng loài trong danh mục. Đồng thời, cũng là căn cứ để xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến tài nguyên sinh vật, việc xử lý các hành vi phá hoại thiên nhiên, gây hại cho sự tồn tại, phát triển các loài sinh vật cần được bảo vệ.

PV: Quá trình biên soạn lần đầu, Giáo sư có gặp nhiều khó khăn?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh:

Chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Lúc đó, tư liệu không sẵn có, muốn tra cứu về một loài mất rất nhiều công lại không có Internet. Đi thực địa điều tra cũng vô cùng vất vả chứ không đỡ như bây giờ. Chưa kể, kinh tế chung của đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách cho nghiên cứu khoa học cũng eo hẹp.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh trong một lần gắn biển Cây Di sản Việt Nam tại xóm Bó Dường, xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng (3/2018). Ảnh: Dương Mộc

Nhưng trên hết, chúng tôi luôn chia sẻ khó khăn, không nghĩ đến vật chất, tất cả đều hăng say, toàn tâm toàn ý. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi khi ấy là thấy hiệu quả xã hội của Sách Đỏ rất cao.

PV: Thực tế, không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận Sách Đỏ, thưa Giáo sư?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh:

Đúng vậy! Đây là điều trăn trở không chỉ của riêng tôi mà còn cả Hội đồng Biên soạn bộ sách này. Thực tế, lượng Sách Đỏ từ trước đến nay, in ra không nhiều, giá thành lại cao nên tác động xã hội cũng bị hạn chế.

Trong những lần đi thực tế, tôi thấy Sách Đỏ mới đến được với các nhà khoa học, với giới nghiên cứu, rất ít đến được các địa phương. Ngay tại địa phương có loài trong Sách Đỏ, không phải lãnh đạo nào cũng có cuốn này trên giá sách.

PV: Vậy, theo Giáo sư làm thế nào để Sách Đỏ đến được với cộng đồng?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh:

Để Sách Đỏ không chỉ nằm trên giá tra cứu mà đến được tận tay người dân, tôi cho rằng, với lần biên soạn tiếp theo, chúng ta nên huy động sự tham gia của cộng đồng. Sinh sống tại chỗ, nhiều người dân rất có kinh nghiệm. Họ hiểu tập tính và biết được tình hình của các loài sống ở đó. Có vai trò cộng đồng tham gia, Sách Đỏ sẽ nâng cao được giá trị.

Cùng với đó, nếu in được nhiều, các Bộ ngành liên quan và địa phương, nhất là những nơi có loài nào đó trong danh mục, chắc chắn công tác bảo tồn còn đạt hiệu quả cao hơn.

 

Gìn giữ chứng nhân lịch sử và sinh thái

Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khởi xướng năm 2010, góp phần bảo tồn nguồn gene các cây tiêu biểu, từ đó, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật rộng rãi trong nước và ngoài nước.

Vị Giáo sư tóc bạc trắng - Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam chia sẻ, ông và các đồng nghiệp không quản ngại lặn lội từ Bắc chí Nam, từ biên giới tới hải đảo xa xôi, quyết tâm gìn giữ những “cụ cây” - chứng nhân lịch sử và sinh thái của đất nước.

PV: Mười năm qua, VACNE đã công nhận được bao nhiêu Cây Di sản, thưa Giáo sư?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh:

VACNE là tổ chức tiên phong bảo vệ cây quý mà ở đó, vai trò của cộng đồng quyết định đến sự thành công bảo vệ những cây đã được gắn biển “Cây Di sản Việt Nam”. Trong 10 năm qua, chúng tôi đã thẩm định và công nhận được hơn 4.000 Cây Di sản Việt Nam thuộc hơn 100 loài thực vật ở 54 tỉnh/thành phố trên cả nước.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh sinh năm 1933 tại xã Đại Lãnh, huyện Đại Hưng, tỉnh Quảng Nam; bảo vệ Luận án Tiến sỹ tại Viện Tiến hóa Hình thái Sinh thái Động vật Ceversov Mockba, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ. Ông có trên 165 công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước; xuất bản 15 sách chuyên khảo về động vật học, tài nguyên động vật.

PV: Giáo sư cho biết những tiêu chí để xác định Cây Di sản Việt Nam?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh:

Hiện nay, VACNE đã thành lập Hội đồng Cây Di sản Việt Nam để xét duyệt với những tiêu chí cụ thể về tên khoa học của cây (bởi mỗi địa phương lại có những cách gọi khác nhau), xác định tuổi cây, chu vi, đường kính, chiều cao, các giá trị của cây về giáo dục, lịch sử và xã hội; các điều kiện bảo vệ, đặc biệt là điều kiện bảo vệ sau khi cây đã được công nhận là Cây Di sản.

Chúng tôi tập trung đánh giá khả năng bảo vệ ra sao, cộng đồng bảo vệ và kỹ thuật chăm sóc bởi có một số cây già cỗi, sâu bệnh cần những chế độ chăm sóc đặc biệt. Tiêu chí công nhận Cây Di sản là căn cứ vào đặc điểm sinh thái, ý nghĩa lịch sử, văn hóa của cây.

Nếu là cây cổ thụ trong tự nhiên phải 200 - 300 tuổi trở lên. Cây cao to, cao trên 40 mét, chu vi trên 6 mét đối với cây gỗ đơn thân, cao trên 25 mét, chu vi trên 15 mét đối với các cây đa. Có hình dáng đặc sắc, đặc biệt, ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử. Những cây được trồng phải trên 100 tuổi và gắn liền với lịch sử, mang nét văn hóa đặc thù của địa phương…

“Cây cổ thụ, Cây Di sản Việt Nam dù ở đâu cũng đều là "máu” là "thịt”, món quà thiên nhiên ban tặng, là sự chăm chút, nâng niu của các thế hệ cha ông. Giữ gìn vẻ đẹp của Cây Di sản là thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, là sự tri ân với tổ tiên và cũng chính là bảo vệ sự sống của nhân loại.”

PV: Sau khi vinh danh, các cây này được bảo vệ ra sao ạ?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh:

Sau khi được công nhận là Cây Di sản, VACNE sẽ phối hợp với địa phương, chịu trách nhiệm về mặt bảo vệ kỹ thuật, chẳng hạn như tên kỹ thuật, hỗ trợ họ trong xác định tuổi, nếu như cây bị bệnh, chúng tôi sẽ tư vấn cách bảo vệ. Nếu địa phương gặp khó khăn chăm sóc, chữa trị cho cây, chúng tôi sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ.

PV: Những cây được vinh danh có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội, thưa Giáo sư?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: 

Bằng những nỗ lực liên tục, chúng tôi đang cố gắng cùng với cộng đồng cả nước hướng tới sự phát triển bền vững. Việc chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ cây rừng, cây cổ thụ, Cây Di sản Việt Nam, chính là bảo vệ dòng chảy diệu kỳ nuôi dưỡng, sự sống của mỗi con người, cho mỗi dòng họ, cho làng xóm quê hương, đất nước.

Cây cối nói chung và cây cổ thụ, Cây Di sản Việt Nam nói riêng, dẫu trải qua thăng trầm của lịch sử cùng đất nước - ngày nay, Việt Nam đang từng bước xây dựng nông thôn mới đi lên trên con đường hiện đại, văn minh nhưng hình bóng những cây này vẫn gợi cho chúng ta những xúc cảm rất đỗi thân thương về quê hương xứ sở, là kỳ quan thiên nhiên sâu thẳm trong tâm hồn của các thế hệ 54 cộng đồng của dân tộc Việt Nam.

Ðây chính là cách hữu hiệu để ngăn chặn suy giảm chất lượng môi trường của Trái đất, tránh cho nhân loại một thảm họa môi trường có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu.

Năm 2010, cụm công trình “Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam”, “Sách Đỏ” và “Danh lục Đỏ Việt Nam” của ông và các cộng sự đã hoàn thành và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ hai năm sau đó. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh có nhiều đóng góp trong việc đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học của Việt Nam dưới tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp...

PV: Nhân dịp đầu Xuân mới, Giáo sư gửi gắm điều gì đến độc giả của Báo Tài nguyên và Môi trường?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh:

Tôi muốn gửi tới độc giả thân mến những lời từ đáy lòng. Năm 2019, qua đi với những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ tài nguyên và môi trường mà chúng ta đã làm được. Đây sẽ là sự khởi đầu cho những kế hoạch mới trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Nhìn vào những kỳ vọng của xã hội với môi trường, chúng ta thấy còn nhiều việc phải làm, phải cố gắng hơn nữa. Với tư cách là người nghiên cứu khoa học về môi trường sinh thái, tôi luôn mong nhận được nhiều hơn sự đồng hành của cộng đồng cùng chung tay kiến tạo một Việt Nam xanh hơn, bền vững hơn.

Nhân dịp Xuân Canh Tý, tôi gửi lời cảm ơn và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành, địa phương; các cơ quan thông tấn báo chí, trong đó, có Báo Tài nguyên và Môi trường đã luôn dành sự quan tâm, đồng hành với những người làm nghiên cứu khoa học chúng tôi trong suốt nhiều năm qua.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện ý nghĩa này. Nhân dịp năm mới, kính chúc ông có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục có nhiều hơn nữa những đóng góp tâm huyết bảo vệ bền vững tài nguyên sinh thái nước nhà.

Xuân Hợp