Tỉnh Gia Lai quy hoạch vùng sản xuất trái cây chất lượng cao
Xã hội - Ngày đăng : 17:21, 21/01/2020
Hướng đi mới từ trồng cây ăn quả
Là một trong những hộ tiên phong trồng cây ăn trái, anh Nguyễn Đức Quyết (thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang, huyện Kbang) quyết định chuyển đổi diện tích 2ha cà phê kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Năm 2015, bước đầu thử nghiệm, anh Quyết chỉ trồng 200 cây cam đường Canh lấy giống từ Hà Nội.
Sau một thời gian, thấy cây phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi này, anh quyết định trồng thêm 300 cây nữa. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập, anh còn trồng thêm cam sành, quýt đường, cam vinh xen lẫn với nhau.
Theo anh Quyết, hiện tại vườn của gia đình có 1.500 cây ăn quả có múi các loại. Hiện nay, 1kg cam đường Canh được bán tại vườn có giá 20.000 đồng/kg đến 30.000 đồng/kg.
Nhờ đó, thu nhập kinh tế của gia đình anh đã ổn định hơn sau hơn 4 năm trồng cây ăn quả. Năm nay, riêng 200 gốc cam đường Canh, dự kiến thu hoạch khoảng 3 tấn, anh thu về hơn 100 triệu đồng. Sau 2 năm nữa, vườn cây ăn quả của gia đình sẽ cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. “Với tôi, tiêu chí đầu tiên trong trồng cây ăn quả là phải sản xuất theo phương thức hữu cơ để bảo vệ sức khỏe của gia đình và người tiêu dùng. Tôi không lạm dụng thuốc trừ sâu độc hại và phân bón hóa học nên dù trái cây của gia đình chưa được dán nhãn VietGAP nhưng đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường”, anh Quyết chia sẻ.
Ảnh vườn cây ăn trái của anh Nguyễn Đức Quyết ở thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang, huyện Kbang |
Cũng là hộ trồng cây ăn quả theo hướng xen canh, sau 12 năm xây dựng mô hình, giờ đây gia đình ông Nguyễn Văn Lập (thôn Đak Boong, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) đã có một cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước. Với 400 cây sầu riêng Thái Lan được trồng xen cùng 1.000 cây cà phê và 4.000 trụ hồ tiêu trên diện tích 5 ha, mỗi năm gia đình ông Lập thu lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Ông Lập cho biết, sau 3 năm trồng, diện tích cà phê và hồ tiêu của gia đình đã cho thu hoạch. Bốn năm sau, vườn sầu riêng cũng bắt đầu cho trái, mang về cho gia đình hàng tỷ đồng mỗi năm. Đơn cử như năm 2018, gia đình ông thu về hơn 1,3 tỷ đồng từ vườn sầu riêng và hơn 300 triệu đồng từ cà phê, hồ tiêu.
“Năm 2019, thu hoạch sầu riêng năng suất bình quân khoảng 1 tạ/cây, nhiều cây đạt 1,5-2 tạ quả. Với giá sầu riêng từ 55.000 đồng/kg đến 60.000 đồng/kg, tôi thu về gần 2 tỷ đồng. Hiện nay, giá cà phê và hồ tiêu đang giảm nhưng bù lại thì sầu riêng được giá. Do đó, việc trồng cây ăn quả lâu năm vừa có tác dụng làm cây che bóng, chắn gió cho cà phê, hồ tiêu, vừa đa dạng sản phẩm, hạn chế những rủi ro về giá cả và biến động của thị trường”, ông Lập chia sẻ.
Theo ông Lập, thổ nhưỡng, khí hậu chỉ quyết định 50% chất lượng trái, còn lại là phụ thuộc vào kỹ thuật trồng, chăm sóc. Mặc dù sầu riêng của gia đình ông đã có chỗ đứng trên thị trường song ông vẫn trăn trở làm sao để xây dựng được thương hiệu cho trái sầu riêng Gia Lai, để có thể sánh ngang với sầu riêng nổi tiếng ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, có thể xuất khẩu đi nước ngoài.
Liên kết để sản xuất bền vững
Để nông dân không đơn độc trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, các ngành chức năng cũng đã đẩy mạnh khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thị trường trước khi trồng, hạn chế việc chạy theo phong trào.
Những năm qua, ngành chức năng cũng luôn quan tâm đến việc thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn trái nên đã phần nào giúp nông dân liên kết lại tạo thành vùng chuyên canh, cho ra thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Công Kông Lơng Khơng (huyện Kbang), với 35 thành viên và diện tích cây ăn trái là gần 40ha ổi, mít, sầu riêng, na, dừa Xiêm.
Bà Trần Thị Cảm-Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Công Kông Lơng Khơng cho hay, việc trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ là sự lựa chọn hàng đầu của HTX. Hiện nay, ổi là cây trồng ngắn ngày đem lại thu nhập chính cho các thành viên khi mỗi ha sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Đây là nguồn thu để giúp các hộ đầu tư cho những loại cây trồng dài ngày. Để có sản phẩm đạt chất lượng, HTX tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc, thu hái, đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm.
Vườn sầu riêng của ông Nguyễn Văn Lập ở thôn Đak Boong, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang |
“Thời gian tới, khi những cây trồng khác cho thu hoạch thì việc tạo ra các sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, nguồn gốc rõ ràng đáp ứng nhu cầu thị trường là chính là tôn chỉ mục đích của HTX”, bà Cảm cho hay.
Ngoài ra, các địa phương như huyện Chư Pah, huyện Chư Pưh, huyện Chư Sê, thị xã An Khê... cũng có những mô hình liên trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích hơn 60 ha cùng hàng trăm hộ tham gia.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng thương hiệu trái cây của tỉnh Gia Lai đang là những mảnh ghép riêng lẻ, mờ nhạt. Xây dựng thương hiệu trái cây không thể chỉ dựa vào nỗ lực của một doanh nghiệp hay cá nhân đơn lẻ, mà các cấp, ngành, địa phương cần phải định hướng, tính toán lại quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng nào phù hợp với loại cây ăn trái gì.
Vấn đề này, ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho sản xuất cây ăn trái. Hiện nay, các địa phương đang rà soát lại những vùng có diện tích trồng cây ăn trái để quy hoạch vùng nguyên liệu. Với nhu cầu xuất khẩu hàng chục ngàn tấn trái cây/năm thì việc một nông dân sản xuất sạch theo hướng nhỏ lẻ hoàn toàn không đáp ứng được về yêu cầu sản lượng. Vì vậy, nông dân phải liên kết lại thông qua HTX, doanh nghiệp tạo thành vùng nguyên liệu sản xuất sạch, chất lượng, có truy xuất nguồn gốc để cung cấp số lượng lớn mà thị trường yêu cầu.
Công ty TNHH Tiến Phát (huyện Chư Sê) sở hữu 15 ha chuối tiêu hồng và đã có sản phẩm xuất sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc |
“Mỗi nông dân riêng lẻ rất khó thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nên rất cần vai trò của HTX và doanh nghiệp. Đây là công cụ mấu chốt để xây dựng sự phát triển bền vững và toàn diện cho trái cây Gia Lai trong chuỗi giá trị. Đồng thời cũng là bước tạo đà để mặt hàng trái cây Gia Lai hướng tới các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, EU, Mỹ...”, ông Có thông tin thêm.
Hướng đến quy hoạch vùng nguyên liệu
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 14.500ha cây ăn trái các loại, trong đó có hơn 600ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP. Nhiều loại trái cây được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến như sầu riêng, bơ, xoài, quýt đường, mít, bưởi da xanh, na dai, cam, ổi...
Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Lãnh đạo tỉnh này cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái cây sau thu hoạch. Hiện nay, nhà máy chế biến rau quả với công suất 50.000 tấn sản phẩm/năm của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) đã đi vào hoạt động.
Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, không chỉ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mà còn tạo bước đột phá đưa Gia Lai trở thành một trong những trung tâm chế biến rau quả hiện đại, chất lượng cao của Tây nguyên.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có, sau khi Tỉnh ủy Gia Lai có nghị quyết về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, ngành Nông nghiệp cũng xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu tùy theo từng khu vực.
Phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai sẽ tập trung phát triển các loại cây như xoài, cam, quýt, na dai, dứa, nhãn, mít. Khu vực phía Tây sẽ tập trung cho các loại cây bơ, sầu riêng, mít, chanh dây. Dự kiến giai đoạn 2025-2030, diện cây quả toàn tỉnh sẽ đạt 25.000 ha.
Sản phẩm Cam Sơn Lang được trưng bày tại Hội chợ nông sản, thực phẩm trong Ngày hội Du lịch huyện Kbang năm 2019; trái cây Gia Lai được mọi người đánh giá là có chất lượng thơm ngon |
Cùng với đó, việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hình thức liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc là việc làm cấp bách, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất.
Một hộ dân của thôn An Điền Nam, xã Cửu An, thị xã An Khê tham gia mô hình liên kết trồng cây ăn trái có múi theo tiêu chuẩn VietGAP |
“Hiện, tỉnh Gia Lai đã cho chủ trương Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai xây dựng nhà máy chế biến rau quả với công suất 100.000 tấn sản phẩm/năm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai đang phối hợp với tỉnh Bến Tre xúc tiến thành lập trung tâm phát triển cây ăn quả nông nghiệp công nghệ cao với diện tích khoảng 80ha trên địa bàn huyện Đak Đoa để cung cấp giống cho thị trường Gia Lai, các tỉnh Tây Nguyên cùng hai nước Lào và Campuchia. Ngoài ra, tỉnh cũng phối hợp với tỉnh Bến Tre chuyển giao khoa học công nghệ trong vấn đề nhân giống để sản xuất cây ăn trái trên địa bàn.
Từ những bước đi này, hy vọng trái cây Gia Lai sớm xây dựng được thương hiệu riêng bằng uy tín và chất lượng trong thời gian không xa”, ông Có nhấn mạnh.