Thương bóng tre làng

Văn hóa - Ngày đăng : 10:52, 21/01/2020

(TN&MT) - Trong bộn bề lo toan cuối năm, bỗng lặng lòng nhớ về quê cha đất tổ. Thẳm sâu trong lòng mình, sau bao tất tả của đời sống thường nhật, bỗng thấy nhớ quê vô cùng. Muốn lên xe mà phóng thẳng về quê. Không biết bây giờ làng mình ra sao?!

Nhằm giáp Tết, bạn tôi lại í ới hỏi: Bao giờ về quê!(?)

Trong bộn bề lo toan cuối năm, bỗng lặng lòng nhớ về quê cha đất tổ. Thẳm sâu trong lòng mình, sau bao tất tả của đời sống thường nhật, bỗng thấy nhớ quê vô cùng. Muốn lên xe mà phóng thẳng về quê. Không biết bây giờ làng mình ra sao?!

Nghe tiếng bạn rủ về quê, Tôi bỗng nhớ da diết màu tre xanh ngát đôi bờ sông Hồng đỏ nặng phù sa. Nhớ những rặng tre nhà ngoại ngăn cách với cánh đồng sau nhà. Những bờ tre đã gắn với tuổi thơ tôi.

 

Nhưng bây giờ, làng tôi đã vơi đi nhiều lũy tre xanh một thuở.

Cuộc sống thanh bình, giá trị của tre đâu chỉ đơn thuần là màu xanh cây lá. Tre thủy chung son sắt với người quê, tình quê. Cứ nghĩ nếu một ngày nào đó không xa nữa, ngay trên mảnh đất mình chôn nhau cắt rốn sẽ không còn bóng dáng lũy tre xanh, ai không khỏi chạnh lòng?

Từ những cái nhỏ nhất như cái tăm, đôi đũa, tới những cái lớn hơn như cái cột, cái kèo… cũng từ tre mà nên. Tre làm cái đòn kẽo kẹt trên vai mẹ, tre làm cán cuốc, cán cày cho cha vỡ đất. Tre làm rá, rổ, nong, nia, tre làm chõng, làm phên, tre bắc giàn, làm hàng rào…

Với trẻ thơ tre ưu ái dành tình thương trọn vẹn. Thật kỳ diệu những cây tre khô khẳng, qua bàn tay chịu thương chịu khó của người đã hóa thành những chiếc nôi êm chở che, ru vỗ giấc mơ con trẻ. Cùng với trẻ thơ, những mụt măng tre lớn lên, tre là niềm vui thú.

Chiếc lá mỏng manh, xanh tươi của tre hóa thành con cào cào đỏm dáng. Chiếc lá khô vàng hóa thành “chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Còn những đốt tre bóng mượt lại hóa thành những que chuyền nhịp nhàng, những chú rối kỳ tài qua bàn tay của cha. 

Tre vững chãi chống đỡ tuổi già, tre bắc nhịp cầu đôi lứa. Dưới ánh trăng thanh treo đầu ngọn tre, những chàng trai cô gái trao nhau biết bao lời yêu thương: “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng. Tre non đủ lá đan sàng được chưa” (ca dao).

Chỉ mới thôi, đôi ba chục năm trước, quanh làng còn rợp bóng tre. Vây mà…

Người nặng lòng với quê, thương nhớ lũy tre làng, nhớ những buổi mai thức dậy chạy quanh kiếm tìm trong khóm tre xanh con chim gì đang kêu lích rích. Buổi trưa trốn ngủ cùng đám bạn tinh quái nấp bên khóm tre chơi trò cút bắt. Buổi chiều về thong thả trên lưng trâu nghe tre hát khúc ca tự tình.

Giữa thanh âm của muôn ngàn chiếc lá, nghe phảng phất một mùi hương khó tả. Nó không giống với mùi lá tre khi nấu cùng nhiều loại cây lá trong nồi nước xông của mẹ giúp ta giải cảm, mà dìu dịu thanh mát, gần như mùi hương trong chiếc nồi hông làm giá đỗ lá tre.

Tre hóa những cánh diều vi vu trong chiều hè êm đềm của tuổi thơ bao thế hệ người Việt.

Trong ký ức của những đứa trẻ quê, vào mỗi thời khắc sắp chuyển giao năm cũ, cây tre sẽ thành cây nêu, hiện lên sừng sững, lý thú và đầy mê hoặc. Đó là “cây thần” giản dị mà uy nghi  trước sân nhà, là tiếng leng keng vui tai của những chiếc khánh treo trên ngọn nêu. Trong những thời khắc đó, niềm háo hức đón xuân mới lan tỏa khắp xóm làng. Cảm giác được che chở, an yên dâng ngập hồn người.

Nhưng hôm nay, cùng với tốc độ phát triển, lũy tre làng cứ thưa thớt dần.

Những bức tường xây, những công trình bê tông cốt thép mọc lên san sát không còn đủ chỗ cho tre nữa. Người ta đốn chặt tre để thay vào đó những loại cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao hơn. Những vật dụng thân thuộc bằng tre bao đời nay gắn bó lại được thay thế bằng đủ loại chất liệu khác nhau.

Chợt lặng nhớ tiếng rì rào, kẽo kẹt của những rặng tre trước sân nhà, bên đôi bờ sông quê!

Bỗng thèm được nghe một tiếng sáo diều vi vu trong chiều muộn!

Xuân này, về quê. Có còn bụi tre ngà trước ngõ!? Rặng tre sau vườn hướng ra cánh đồng làng không biết có còn xanh?

Thương bóng tre làng!

Thạch Long