Thanh Hóa: Tăng cường quản lý bảo vệ và phát triển rừng

Xã hội - Ngày đăng : 17:55, 20/01/2020

(TN&MT) - Với thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng nguy cơ cháy rừng rất cao, áp lực do thiếu đất canh tác và nhu cầu sử dụng gỗ ngày càng gia tăng gây khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Để tiếp tục giữ vững ổn định an ninh rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa vừa ban hành công văn số 123 về việc tăng cường thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2020.

Năm 2019, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; Công ty Lâm nghiệp; Trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm và dịch vụ cây trồng đã chủ động phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng, an ninh rừng trên địa bàn được giao cơ bản ổn định, đặc biệt không để xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, tình trạng khai thác, xâm lấn rừng trái phép nhỏ lẻ vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị như Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành, Sông Chu, Sông Đằn, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc. Nguyên nhân, do thủ trưởng đơn vị chưa sâu sát, chưa phát huy hết trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ rừng và phát triển rừng

Để tiếp tục giữ vững ổn định an ninh rừng trên diện tích rừng được nhà nước giao quản lý. Theo đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các ngành liên quan tập trung mọi nguồn lực chủ động, tu sửa đường băng cản lửa, công trình phòng cháy chữa cháy rừng theo phương án đã được phê duyệt; có biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng ở những nơi diễn ra lễ hội, tham quan, du lịch, hoạt động tín ngưỡng, nghĩa trang, nghĩa địa, khu vực dân cư trong và ven rừng, nhất là thời điểm trước trong và sau Tết Nguyên đán Canh tý; sâu sát cơ sở để nắm bắt, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn dẫn đến đốt hủy loại rừng.

Các tổ, các Trạm bảo vệ rừng có giải pháp quản lý chặt chẽ việc đốt xử lý thực bì để làm nương rẫy, trồng rừng và các hoạt động sử dụng lửa trong và ven rừng; bố trí lực lượng tuần tra, trực gác lửa rừng; tổ chức trực chỉ huy; sẵn sàng lực lượng, máy móc thiết bị, phương tiện, hậu cần để chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp với chính quyền địa phương, Kiểm lâm và các lực lượng chức năng kiểm tra, xác định rõ các khu vực trọng điểm về khai thác, phá rừng, xâm lấn rừng tự nhiên để có biện pháp ngăn chặn, dứt điểm tình trạng khai thác rừng trái phép, xâm lấn rừng, phá rừng tự nhiên để trồng rừng, lấy đất sản xuất, mọi hành vi vi phạm phải được kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, đúng quy định.

Thực hiện các đề án, dự án, mô hình, đề tài nghiên cứu, biện pháp kỹ thuật lâm sinh, trồng rừng, phát triển dược liệu dưới tán rừng nhằm phát huy hiệu quả kinh tế đối với rừng sản xuất, nâng cao chất lượng rừng và đa dạng sinh học của rừng phòng hộ, đặc dụng; chấp hành nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên đi đôi với triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, quyền hưởng lợi từ rừng, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các hộ nhận khoán, người dân.

Thu Thủy