Vững thế “chân kiềng”

Đất đai - Ngày đăng : 10:03, 20/01/2020

(TN&MT) - Cụm từ “nhanh và bền vững” thực sự là từ khóa quan trọng và hàng đầu, là lựa chọn chiến lược, hành động xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua.

Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng và tốc độ tăng trưởng. Điều này không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự trở thành quyết tâm và hành động.

 Chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam xác định ba trụ cột quan trọng trong các chính sách và mô hình phát triển bao gồm kinh tế - xã hội và môi trường. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta càng thấu hiểu đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu bền vững. Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh. Ngược lại, chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao; tạo cơ sở vững chắc, tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 7%, thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực.

Qua 11 tháng năm 2019, cả nước đã xuất siêu gần 11 tỷ USD, mức xuất siêu kỷ lục từ trước tới nay và cả năm có thể xuất siêu 10 tỷ USD. Kết quả này giúp Việt Nam lọt Top 30 quốc gia có tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt trên thế giới. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn lên đến 13%, Việt Nam thuộc top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững.

Điểm sáng dễ nhận thấy nhất là đời sống nhân dân được nâng lên khi với quy mô GDP ước đạt hơn 266 tỷ USD, bình quân GDP đầu người đạt gần 2.800 USD. Đáng lưu ý, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%. Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo.

 Góp phần vào sự tăng trưởng đột phá của đất nước, năm 2019, ngành TN&MT đã quyết liệt chỉ đạo hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn để kiến tạo, tạo động lực tăng trưởng bứt phá; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, kỷ cương hành chính, bám sát địa phương cơ sở nắm chắc tình hình, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, cấp bách; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ; đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, ngành TN&MT đặc biệt tập trung phát huy tài nguyên trở thành thành nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, thực hiện sứ mệnh quan trọng của mình để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống trong lành của cho người dân.

Chưa bao giờ các vấn đề giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững lại được thế giới quan tâm và đặt ra như hiện nay. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường đã được Đảng khẳng định trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW về chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó, tiếp tục khẳng định rõ quan điểm: “Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vỹ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái…”.

Nhiệm vụ đặt ra hiện nay đối với toàn ngành TN&MT là cần vào cuộc quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến trong thực tế; giải quyết tốt, hài hòa giữa quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường cho phát triển bền vững và tăng trưởng nhanh kinh tế - xã hội.

Vì vậy, với phương châm “hướng về địa phương cơ sở, người dân, doanh nghiệp” trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết kịp thời các điểm nghẽn, các vấn đề phức tạp phát sinh... là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành TN&MT sẽ triển khai trong năm 2020. Ngành tập trung tạo đột phá trong thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một nhiệm vụ lớn sẽ được ngành TN&MT chú trọng triển khai trong năm 2020 là tập trung thực hiện các giải pháp để nguồn lực tài nguyên được giải phóng tối đa, phân bổ và sử dụng hiệu quả cho trước mắt và lâu dài. Trong đó, chú trọng các mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phân bổ quỹ đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài; phát huy giá trị địa chất, nguồn lực khoáng sản cho phát triển kinh tế đất nước; triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển, tăng cường nghiên cứu khoa học về biển để từng bước làm chủ biển khơi.

Nguồn lực, tài nguyên đất đai tiếp tục đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế thông qua thị trường bất động sản, các dự án đầu tư và nguồn thu ngân sách. Trong đó, riêng nguồn thu từ đất của 10 tháng năm 2019, đạt trên 99.000 tỷ đồng, chiếm 11% thu ngân sách nội địa, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ hoàn thành cấp Giấy chứng nhận đạt 97,36% tăng 0,16% so với cùng kỳ năm 2018.

Cùng với đó, ngành TN&MT sẽ tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/9/2019 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường điều phối liên vùng trong đầu tư, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện một số dự án cấp bách về phòng chống sạt lở đê sông, đê biển và tạo sinh kế bền vững; triển khai chương trình đánh giá liên ngành để có giải pháp tổng thể công trình và phi công trình phòng chống sạt lở, sụt lún. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất quy mô lớn ở các vùng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ... để chủ động thích ứng, chuyển hóa các thách thức thành lợi thế cho phát triển, đảm bảo sinh kế bền vững cho nhân dân...

 

***

Năm 2020, chúng ta bước sang một thập niên mới, là mốc thời gian quan trọng trên con đường hiện thực hóa khát vọng mãnh liệt của các bậc tiền nhân cũng như của gần 100 triệu người Việt Nam, cả trong và ngoài nước về một Việt Nam độc lập, tự cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động ngày hôm nay.

Phương Anh