Xuân này chúng con về thăm quê Bác

Thời sự - Ngày đăng : 09:31, 20/01/2020

(TN&MT) - Có một ngôi làng mà những hình ảnh thân yêu gần gũi đã in sâu vào tiềm thức người Việt. Nơi ấy đẹp như một bức tranh yên bình, có những mái nhà tranh dưới những lũy tre xanh, có nhịp võng trưa hè cùng tiếng ru à ơi của mẹ, có câu dân ca mênh mang cùng đồng đất núi sông…

Ngôi làng mang tên Làng Sen vì luôn ngát hương sen; là quê hương của Bác Hồ kính yêu, người con ưu tú của dân tộc! Cảnh vật ở làng đã vẽ lên bức tranh quê về không gian văn hóa lịch sử đặc sắc, níu giữ chân khách muốn ở lại lâu hơn mỗi lần về thăm.

Xuân này, chúng tôi về thăm quê Bác!

Nghệ An - vùng đất “địa linh nhân kiệt” nơi từng sinh ra nhiều bậc kỳ tài trong lịch sử, vùng đất luôn gắn liền với vận mệnh tổ quốc. Đặc biệt nơi đây chính là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Làng Sen thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - mảnh đất miền Trung đầy nắng gió.

Cũng chính nơi đây, hơn nửa thế kỷ trôi qua, không biết có bao nhiêu bước chân của những người con quê hương Việt Nam tìm đến với niềm thành kính và sự xúc động sâu xa trong tâm hồn mình. Đây cũng chính là 1 trong 4 di tích quan trọng bậc nhất cả nước về vị Chủ tịch Kinh yêu của dân tộc và cũng là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ.

Đoàn cán bộ phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường thăm quê Bác

Chúng tôi về quê Bác - một nơi thật yên tĩnh. Chị Phan Thanh Quý - hướng dẫn viên đưa chúng tôi trở về với những câu chuyện xúc động về cuộc đời bình dị và vĩ đại của Bác Hồ.

Dẫu đã qua cả thế kỷ, vạn vật đổi thay nhưng những hình ảnh xưa cũ của Làng Sen gắn liền thơ ấu của Bác vẫn được cất giữ đến bây giờ, như một miền ký ức đẹp và là tấm gương cho mọi thế hệ.

Bước tới đầu làng là một hồ sen lớn, cứ độ hè về hương sen tỏa thơm mát cả một vùng.

Qua hồ sen một khoảng là đến giếng Cốc, một Giống đất đơn sơ trông như cái ao nhỏ, nơi đây thuở còn thơ ấu, Bác Hồ thường ra lấy nước, vui chơi cùng bạn bè.

Khi xưa ngôi nhà Bác sống cùng gia đình là ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ Bác, nơi gắn bó với thơ ấu của Bác Hồ, cũng là khởi nguồn cho một tinh thần yêu nước và tư tưởng lớn lao của người anh hùng dân tộc sau này. Đó là một ngôi nhà gỗ 5 gian, lợp mái tranh, bé nhỏ, mộc mạc, đơn giản dưới màu xanh của vườn cây và những bóng tre.

Đây là nơi ở chính của cả gia đình Người, kế bên là nhà ngang sử dụng làm nhà bếp. Cả hai nếp nhà đều thấp, nhỏ bé, tiêu biểu cho những nếp nhà ở làng quê nông thôn Việt Nam, với vì kèo gỗ, với mái hiên cùng những tấm giại - liếp; với cổng ngõ khoảng sân phía trước - gắn liền với không gian rộng rãi của thiên nhiên.

Căn nhà đơn sơ,  giản dị gắn bó với Bác từ thuở nhỏ. Ảnh: Ngọc Lý

Hai gian nhà phía ngoài là nơi đặt giường thờ và là nơi tiếp khách - đàm đạo chuyện thế sự của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Gian thứ ba là nơi ở của bà Nguyễn Thị Thanh - chị cả của Bác Hồ. Hai gian còn lại là nơi nghỉ và sinh hoạt của cả gia đình. Ở gian thứ tư có kê bộ phản gần cửa sổ là nơi cụ Phó bảng thường nằm đọc sách. Gian thứ năm kê bộ phản là nơi nghỉ của hai phụ tử Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tức Bác Hồ).

Dù đã đỗ đạt song nhà ở cụ Phó bảng vẫn sống thanh đạm. Những kỷ vật tới giờ được gìn giữ hầu như nguyên vẹn. Ngôi nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã gắn bó với một thời kỳ quan trọng đầy ý nghĩa thời niên thiếu của cuộc thế Bác Hồ từ năm 11 - 16 tuổi. Ngôi nhà là những ân tình làng xóm quê hương, nơi chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành; nơi ghi dấu cảm xúc đi đầu về lòng yêu nước và những nhận thức thời cuộc - bước tiền đề cho con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thăm quan khu di tích chúng tôi được cảm nhận đầy đủ hơn về một làng quê Việt Nam, một làng quê xứ Nghệ. Chúng tôi được vào thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Bác thời kỳ đó như: lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý; nhà của cụ đồ nho; nhà của một lương y bốc thuốc Nam với dao cầu, thuyền tán và vườn cây thuốc quanh nhà, hay nhà một hộ nông dân với cuốc cày, chõng tre, nồi đất, cối xay lúa, giã gạo… nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội của Bác; các di tích cây đa, giếng Cốc…; khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Những cảnh quan và hiện vật quá đỗi thân thuộc, dung dị của lũy tre làng, đường đất nhỏ, se sợi, khung cửi, bờ dâu… cùng các hiện vật trong khu di tích, gắn liền với hình ảnh Bác Hồ, như còn đọng lại trong đó hơi ấm của Người.

Kỳ Thư