Hà Nội: Khai mạc “Tết Việt - Tết Phố” 2020
Xã hội - Ngày đăng : 16:14, 18/01/2020
Khai mạc hoạt động văn hoá năm “Tết Việt - Tết Phố” 2020
|
Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là trách nhiệm của cả cộng đồng. Đặc biệt là trong những ngày Tết cổ truyển của dân tộc sinh hoạt văn hóa này càng trở lên ý nghĩa, cao quý và thiêng liêng hơn.
Ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch Thường trực, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Trong năm qua Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa ý nghĩa và các triển lãm nghệ thuật đặc sắc. Nhân dịp đón Tết Nguyên Đán Canh Tý, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng CLB Đình Làng Việt tổ chức khai mạc chương trình hoạt động văn hóa Mừng Đảng Mừng Xuân 2020 với chủ đề “Tết Việt - Tết Phố” tại các điểm do Ban quản lý.
Chương trình nhằm mục đích bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, mang các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông đến gần hơn với giới trẻ. Đặc biệt, nâng cao ý thức của cộng đồng về một lễ hội lành mạnh, tiết kiệm, giàu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây đồng thời là cơ hội tốt để quảng bá những giá trị văn hóa, du lịch của địa phương tới du khách trong nước và quốc tế.
Ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch Thường trực, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết về các hoạt động văn hoá dịp Tết Canh tý 2020 |
Ngày 30/10/2019, thành phố Hà Nội vinh dự là một trong 246 thành phố chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Tổ chức UNESCO đánh giá cao các hoạt động văn hóa do chính cộng đồng tổ chức. Vì lẽ đó, chương trình “Tết Việt - Tết Phố 2020” phần lớn sẽ do cộng đồng thực hiện nhằm phát huy các giá trị di sản Phố cổ Hà Nội nói riêng và Hà Nội nói chung.
Ngoài ra, nhân dịp Tết Canh Tý 2020, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội còn tổ chức trang trí, chiếu sáng không gian Phố bích họa Phùng Hưng và chợ hoa Tết phố Hàng Lược. Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu, trình diễn một số nghề thủ công phục vụ Tết như: Tranh dân gian; Con giống đất; Nghề Mây tre đan; Nghề gốm; Nghề gỗ mỹ nghệ; Điêu khắc; Thư pháp, Trò chơi dân gian và một số các sản phẩm nông sản đặc trưng của các tỉnh trên cả nước.
Chia sẻ về ngày Tết truyền thống, ông Nguyễn Đức Bình – Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt cho biết: Tết Nguyên đán là thời khắc quan trọng nhất trong năm, là khi mỗi gia đình người Việt có thời gian trở về quây quần bên nhau và chuẩn bị đón mừng năm mới. Tết đến, Xuân về luôn tư rộn rã không khí vui tươi người lớn tất bật sắm sửa, trẻ con thì nô nức chơi đùa. Trong những ngày này, ai ai cũng đều thấy thấy lòng mình phơi phới, ấm áp đến kỳ lạ.
Nghệ nhân Trần Nam Tước chia sẻ ý nghĩa tục dựng cây nêu đầu năm mới |
Trước đây, để có Tết nhà nào cũng phải dành dụm cả năm. Cuộc sống ngày nay đã đầy đủ hơn, nhịp sống cũng gấp gáp hơn, Tết thời nay đã có nhiều thay đổi so với trước, không khí vẫn vậy, nhưng phong tục nhiều nơi đã mai một. Dù thế, vẫn rất nhiều người nhớ về nét xuân Hà Nội đậm chất dân gian trước kia và vẫn luôn trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục đẹp
Do vậy, CLB Đình Làng Việt phối hợp với Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cố gắng tái hiện không gian Tết xưa tại các điểm di tích với chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2020”, nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kết nối cộng đồng bằng những hình ảnh thân quen, với bánh chưng, với ông Đồ viết thư pháp, bát hoa thủy tiên hay các tranh dân gian ngày tết...
Đông đảo người dân Thủ đô cùng tham vào tục dựng cây nêu truyền thống của người Việt |
Nghệ nhân Trần Nam Tước cho biết: Một trong những hoạt động tiểu biểu của chương trình “Tết Việt - Tết Phố” tại Đình Kim Ngân số 42 - 44 Hàng Bạc là phụng dựng lại toàn bộ phong tục dựng cây nêu, treo câu đối đỏ. Đây là một những hoạt động văn hoá truyền thống tốt đẹp của người Việt trong dịp Tết Nguyên Đán.
Trên cây nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa... để cho quỷ sợ. Vì vậy, mỗi dịp Tết mọi nhà sẽ dựng cây nêu, trên cây nêu sẽ treo đèn lồng vào buổi tối để soi đường cho hương linh ông bà tổ tiên về đón tết cùng con cháu. Qua đó, nói lên ý nghĩa cao quý của dân tộc Việt – đó là tinh thần hiếu đạo, tưởng nhớ ông bà tổ tiên…