Khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Thế giới - Ngày đăng : 10:51, 18/01/2020

(TN&MT) - “Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng như sự bất bình đẳng tăng cao liên tục và tình trạng mất an ninh lương thực và thiếu dinh dưỡng gia tăng đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở nhiều xã hội và gây bất bình”, LHQ cảnh báo mới đây trên ấn phẩm Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới (WESP) 2020.

Một hệ thống lưới điện mặt trời ở Eritrea cung cấp năng lượng cho hai thị trấn vùng nông thôn và các làng xung quanh. Ảnh: UNDP Eritrea / Elizabeth Mwaniki

Nếu thế giới tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong vài năm tới và lượng khí thải ở các nước đang phát triển tăng tương đương với mức của những nước giàu hơn thì lượng khí thải cácbon toàn cầu sẽ tăng hơn 250% và gây ra kết quả thảm khốc.

Các tác giả của báo cáo nhấn mạnh rằng nhu cầu năng lượng của thế giới phải được đáp ứng bằng các nguồn năng lượng tái tạo hoặc cácbon thấp, mang lại lợi ích về môi trường và sức khỏe cũng như ô nhiễm không khí thấp hơn và tạo cơ hội kinh tế mới cho nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, WESP 2020 nhận thấy rằng nhu cầu cấp thiết phải chuyển sang sử dụng năng lượng sạch vẫn tiếp tục bị đánh giá thấp trong khi các nước đang tiếp tục đầu tư vào thăm dò dầu khí và sản xuất điện đốt than.

Sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch này được mô tả là tầm nhìn “ngắn hạn”, khiến các nhà đầu tư và chính phủ bị thiệt hại đột ngột, vì giá dầu và khí đốt biến động, cũng như góp phần làm tình hình khí hậu tồi tệ hơn, như sự nóng lên toàn cầu.

Theo WESP 2020, rủi ro liên quan đến khủng hoảng khí hậu đang trở thành một thách thức lớn hơn bao giờ hết và hành động khí hậu phải là một phần không thể thiếu trong bất kỳ chính sách nào.

Báo cáo này cho rằng, các chiến lược và công nghệ để chuyển đổi sang một nền kinh tế sạch cung cấp năng lượng có thể tiếp cận và đáng tin cậy đã tồn tại nhưng sẽ cần có ý chí chính trị và sự ủng hộ từ cộng đồng. Không hành động sẽ làm tăng đáng kể các chi phí cơ bản.

Mai Đan