Huế mở rộng thành phố gấp 5 lần, người dân đồng thuận

Tài nguyên - Ngày đăng : 14:10, 17/01/2020

(TN&MT) - Trong tương lai gần, TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) sẽ được mở rộng địa giới hành chính gấp đến 5 lần so với hiện tại nhằm phát triển kinh tế xã hội. Lãnh đạo thì cho rằng việc này rất cần thiết, trong khi đó hầu hết người dân, nhất là người dân trong vùng mở rộng đô thị Huế rất đồng tình, ủng hộ chủ trương này.

Cố đô Huế sẽ rộng gấp 5 lần

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, không gian đô thị Huế hiện hữu là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, hiện quy mô đô thị Huế nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (5.029 người/km2, quy định 2.000 người/km2), diện tích xây dựng đã sử dụng 80%, hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Do đó, đòi hỏi phải xem xét tính đến việc mở rộng đô thị.

Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua.

Trong tương lai, Huế sẽ được mở rộng gấp đến 5 lần

Theo đề án, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm TP. Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận); diện tích khoảng 348,54 km2, tức là sẽ gấp 5 lần so với diện tích hiện tại.

Cụ thể hơn, Đề án phân theo 2 giai đoạn, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt (mở rộng TP. Huế) và lâu dài (đưa toàn tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương).

Giai đoạn 1 (2020 - 2025) sẽ xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương. Phạm vi nghiên cứu bao gồm khu vực TP. Huế hiện hữu; thị xã Hương Thủy (các xã Thủy Vân, Thủy Bằng); thị xã Hương Trà (các phường, xã Hương Hồ, Hương An, Hương Thọ, Hương Vinh, Hải Dương, Hương Phong) và huyện Phú Vang (các xã, thị trấn Thuận An, Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh), với quy mô khoảng 267 km2.

Trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn 1, giai đoạn 2 (2025 - 2030) sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế theo định hướng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và quy hoạch chung TP. Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị có quy mô khoảng 348 km2, bao gồm TP. Huế mở rộng có quy mô 267km2 và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà. Trong đó, đô thị vùng lõi, bao gồm TP. Huế mở rộng; tăng cường phát triển các chức năng vốn có của trung tâm dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục, hành chính, văn hóa - lễ hội... của đô thị hiện tại; đồng thời, phát huy các chức năng dịch vụ công cộng, kinh tế tri thức. Đô thị Hương Thủy, Hương Trà là 2 đô thị phụ trợ cho đô thị vùng lõi.

TP. Huế hiện tại đã quá chật chội, việc mở rộng đô thị là cấp thiết

Nhu cầu cấp thiết và khách quan

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, vùng ven TP. Huế đã đô thị hóa từ lâu, nhưng lại quản lý bằng bộ máy chính quyền nông thôn. Việc mở rộng là nhu cầu khách quan, là điều kiện để Huế phát triển với vai trò là đô thị trung tâm của tỉnh, là một trong những đô thị lớn của quốc gia, là cơ hội để người dân hưởng thụ những điều kiện sống và làm việc tốt nhất. Và quan trọng là thúc đẩy công cuộc bảo tồn và phát huy di sản, là cơ sở và điều kiện để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường. Và khi trực thuộc Trung ương thì rõ ràng Huế sẽ thu hút nguồn lực Trung ương tốt hơn, có sức hút nhiều hơn với các nhà đầu tư...

“Tuy nhiên, việc điều chỉnh địa giới TP. Huế sẽ ảnh hưởng đến một số tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính đối với một số địa phương cấp huyện lân cận. Thừa Thiên Huế đang muốn được sự hỗ trợ, chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội để hoàn thành và thực hiện đề án mở rộng địa giới hành chính TP. Huế đáp ứng nhu cầu phát triển của Huế cũng như ổn định mô hình các đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay của địa phương”, ông Thọ cho hay.

Việc mở rộng địa giới hành chính của Huế cũng góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy di sản Cố đô

Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định rằng, TP. Huế hiện tại sẽ là phần lõi để mở rộng về hai hướng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy) và biển Thuận An (huyện Phú Vang). Việc mở rộng theo hướng này sẽ giúp thuận tiện trong việc giao thông đi lại, tạo động lực để phát triển rõ nét về kinh tế.

“Bên cạnh việc mở rộng TP để tăng diện tích, tạo các khu đô thị vệ tinh cho lõi TP hiện tại thì hướng chính để thúc đẩy cho thành phố phát triển mạnh hơn đó chính là kéo biển và sân bay lại gần nhau hơn. Sân bay Phú Bài và biển Thuận An là hai chân kiềng hết sức quan trọng trong việc tạo động lực để phát triển TP. Huế”, ông Định nói.

Người dân ủng hộ

Trong nghị quyết số 54 - NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành cho Thừa Thiên Huế, việc mở rộng TP. Huế sẽ là một trong những yếu tố đi đầu để đưa Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương.

Khi biết được thông tin mở rộng Huế, đa số người dân đặc biệt là trong vùng mở rộng đô thị Huế rất đồng tình, ủng hộ.

Chị Lê Thùy Dương (25 tuổi, thị xã Hương Thủy) thổ lộ rằng, nếu Huế mở rộng như đề án thì ngoài bộ mặt nông thôn mới thay đổi, chất lượng cuộc sống của người dân cũng sẽ được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân có nhiều cơ hội cao hơn so với khi còn là xã...

“Khi lên phường, một số loại phí khác cũng tăng như phí thu gom rác thải, học phí... nhưng mức tăng không đáng kể, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân so với rất nhiều tiện ích mà người dân được hưởng thụ. Chỉ mong sao xã sớm lên phường để bộ mặt đô thị ngày càng đẹp lên, khang trang hơn...”, chị Dương chia sẻ.

Nhiều công trình, dự án lớn đang được Thừa Thiên Huế triển khai ở phía nam TP. Huế

Một số người dân thì cho rằng khi Huế mở rộng, vấn đề môi trường là điều đáng quan tâm. “Vui lắm chứ, lên đô thị ai chả thích. Nhưng chúng tôi rất mong sau này sẽ có những khu xử lý rác tập trung khép kín. Để từ xã lên phường, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương thì người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường...”, anh Trần Anh Tuấn (huyện Phú Vang) nói.

TS. Hồ Đắc Thái Hoàng - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường Đại học Huế trong một lần trả lời với báo chí rằng, mở rộng TP. Huế là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Khi thành phố được mở rộng đúng hướng, bền vững sẽ khắc phục nhiều vấn đề mà các thành phố khác đang gặp phải, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường.

“Nên phát triển đô thị Huế cần chú trọng việc giãn dân, mở rộng không gian. Lúc đó, việc bố trí không gian xanh, diện tích cây trồng với tiêu chí 5m2 cây xanh/người dễ dàng đạt được. Có môi trường, sinh thái chất lượng tốt sẽ tạo nên vùng đất lành, thu hút nhiều nhà đầu tư, dự án, lao động trẻ và người lớn tuổi có nhu cầu dưỡng già”, TS Hoàng nhận định.

Được biết thời gian qua, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung đầu tư, cơ sở hạ tầng về phía nam thành phố. Tỉnh lập khu đô thị mới An Vân Dương hơn 1.700 hecta thuộc xã Phú Thượng (huyện Phú Vang), xã Thủy Vân, phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy) và phường An Đông (Huế). Nhiều tuyến đường lớn được xây dựng đầu tư như Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt. Trung tâm hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang được xây dựng tại khu đô thị này.

Văn Dinh