Lào Cai: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong ngày ông Công ông Táo
Xã hội - Ngày đăng : 14:08, 17/01/2020
Ngày hội Bảo vệ môi trường và thả giống phóng sinh nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống về phong tục thả cá vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, gắn liền với đó là hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường đồng thời giúp bà con nhân dân trên địa bàn nêu cao nhận thức yêu quý động vật. Ngày hội Bảo vệ môi trường và thả giống phóng sinh được TP Lào Cai tổ chức thường niên vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, đây cũng là lần thứ 7 liên tiếp ngày hội được tổ chức vào đúng dịp ông Công, ông Táo.
Người dân đồng tình hưởng ứng tham gia ngày hội Bảo vệ môi trường và thả giống phóng sinh |
Sau lễ khai mạc, các đại biểu cùng nhân dân tiến hành thả cá phóng sinh. Hoạt động thả các động vật về với thiên nhiên với mục đích bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản, phát triển nguồn tài nguyên, giữ cân bằng sinh thái và giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Bác Hải Yến , một trong những hộ sống tại phường Kim Tân, TP Lào Cai cho biết: Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp là nhà bác lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc, một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay. Vài năm trở lại đây thành phố Lào Cai tổ chức ngày hội Bảo vệ môi trường và thả giống phóng sinh, năm nào nhà bác cũng tham gia hoạt động này. Sau khi cúng ông Công, ông Táo xong bác Yến lại mang cá nhà mình ra cùng thả chung với thành phố. Bác Yến còn cho biết thêm từ khi có việc tổ chức này, ý thức của người dân được nâng lên rõ rệt, không còn tình trạng vứt bừa bãi túi ni lông sau khi thả cá, môi trường được bảo vệ. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa nên được bà con trong thành phố Lào Cai đồng tình hưởng ứng.
Người dân ý thức hơn trong việc thả cá phóng sinh |
Theo quan sát của phóng viên tại các điểm thả cá trên địa bàn thành phố Lào Cai đều được bố trí thùng để đựng túi ni lông cho người dân sau khi thả cá. Theo một cán bộ đang phụ trách tại điểm thả cá của phường Cốc Lếu cho biết, vàng mã và cá chép là hai thứ gần như không thể thiếu trong ngày Tết ông Công, ông Táo của mọi nhà. Nói về phong tục thả cá chép, không chỉ được cho là phương tiện giúp ông Công, ông Táo lên chầu trời, xét từ góc độ Phật giáo, phóng sinh cá chép thể hiện sự từ bi cũng như truyền thống nhân đạo của nhân dân ta, xét về khía cạnh môi trường, việc thả cá chép còn góp phần làm đa dạng sinh học tại những khu vực cá được thả.
Không vứt túi ni lông bừa bãi để bảo vệ môi trường được người dân thành phố Lào Cai thực hiện nghiêm túc. |
Lý thuyết là vậy, tuy nhiên trên thực tế việc thả cá không đúng cách cùng với ý thức kém của một bộ phận dân cư lại gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường. Do vậy để nâng cao ý thức cho người dân cơ quan chức năng đã tuyên truyền trước và sau ngày lễ cúng ông Công, ông Táo như: Khi thả cá, mọi người cần chú ý một số điều như chọn mua những con cá trông nhanh nhẹn, không bị bong vảy; chọn thả cá về với môi trường mà cá có thể sinh sống; không nên ném cả túi cá xuống ao, hồ, sông làm cá không thể thoát ra ngoài; nhặt, vứt túi nylon đúng nơi quy định…
Tuy nhiên vẫn còn một số người dân đổ tro vàng hương xuống sông gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường |
Mỗi người dân hãy ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường xanh và sạch đẹp, vừa thực hành tiết kiệm, vừa gìn giữ được những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.