Tranh bích họa góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Xã hội - Ngày đăng : 17:14, 15/01/2020

(TN&MT) - Chử Xá nằm ven sông Hồng thơ mộng, vốn là quê hương của Chử Đồng Tử - một trong 4 thành tứ bất tử của Phật giáo Việt Nam. Từ lâu, làng Chử Xá chính là nơi trồng rau, củ quả có tiếng cung cấp cho thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, gần đây làng này còn được biết đến với cái tên mới, làng tranh bích họa Chử Xá. Nhờ đó mà đời sống tinh thần và ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng cao.

Làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Tp. Hà Nội đã được Tổ chức Nghệ thuật Kiến tạo Cộng đồng biến nơi đây thành ngôi làng bích họa đầu tiên của Hà Nội. Điểm đặc biệt của làng bích họa Chử Xá là những bức vẽ đặc tả cảnh làng quê gắn liền với nông nghiệp, cảnh sinh hoạt cộng đồng tại Bắc Bộ.

Nhiều người dân thôn Chử Xá, xã Văn Đức cho hay: Nhìn vào những bức tranh bích họa khiến chúng tôi nhớ lại hình ảnh ký ức của ngày xưa, nào là hình ảnh con trâu nằm dưới gốc tre đầu làng, bà cụ và cảnh bán hàng hay cảnh trẻ con thả diều, nô đùa thật trong sáng và yên bình.

Tổ chức Nghệ thuật Kiến tạo Cộng đồng biến các bức tường làng quê thành những bức tranh bích họa đầy sống động

Lấy cảm hứng về một làng quê yên bình, đồng thời gắn với sản phẩm kinh tế chính của ngôi làng là các loại nông sản sạch, toàn bộ 15 bức vẽ mà Tổ chức Nghệ thuật Kiến tạo Cộng đồng đã tái hiện những hình ảnh quen thuộc từ chính đời sống của người nông dân Bắc Bộ nói chung và thôn Chử Xá nói riêng.

Sự nổi tiếng “bất đắc dĩ”, hay nói chính xác hơn làng Chử Xá đã thay đổi rất nhiều từ khi các bức tranh bích họa được đưa vào sử dụng, cuộc sống của người dân trong thôn, trong xã vui vẻ hơn, học sinh thì phấn khởi, khách du lịch khắp nơi đổ về chỉ để ngắm các tranh bích họa và đi thăm cánh đồng rau sạch của Chử Xá.

Bức tranh bích họa thể hiện sản vật truyền thống của Chử Xá và tái diễn lại bức tranh xưa của làng quê Bắc Bộ

Ông Trần Xuân Điệu, Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho biết: Từ khi hoàn thiện 15 bức tranh bích họa, du khách tìm về thăm rất đông, cuộc sống tinh thần người dân được nâng cao, họ rất tự hào và tự nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ “báu vật” của làng.

Bí thư Đoàn thanh niên xã Văn Đức, Trần Bảo Khánh hồ hỡi: Đoàn thanh niên chúng tôi đã thành lập tổ đội dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ và tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời xem đây là nhiệm vụ quan trọng trọng hoạt đồng của đoàn thanh niên.

Nét đẹp của đồng quê Bắc Bộ xưa được tái hiện đặc sắc qua tranh bích họa

Không chỉ đời sống tinh thần được nâng cao, người dân còn rất ý thức trong việc bảo vệ môi trường, mạnh thường quân cung tiến thùng rác, tiền để thuê các tổ đội “người cao tuổi” và “đoàn thanh niên” thu gom, dọn rác. Công việc hàng ngày là tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác ra hồ Chử Xá, hồ được mệnh danh là “chiếc điều hòa nước” khổng lồ của thôn, nhờ đó nước hồ luôn trong xanh và không một bóng rác thải hay túi ni lông dưới hồ.

Bức tường thô ráp đã được bàn tay tài hoa nhào nặn thành bức tranh sinh động, bắt mắt và mê hoặc lòng người

Những ngày áp tết cổ truyền, khách du lịch về thăm Chử Xá ngày một nhiều, người dân thì hối hả chuẩn bị gói gém lô hàng rau sạch cuối năm để chuyển lên thành phố phục vụ người dân ăn tết, người thì mua sắm đào, quất, hoa tươi… chơi tết. Cảnh làng quê yên bình, trong xanh và thơ mộng ấy cứ ùa về trong tôi. Tôi chợt nghĩ, mỗi làng quê Bắc Bộ và rộng hơn là khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, đâu đâu cũng là làng “tranh bích họa” theo chủ đề và “đặc sản” của mỗi miền quê, đồng thời gắn với chủ đề trách nhiệm bảo vệ môi trường thì tốt biết bao, có như vậy thì “bức tranh” rác thải, túi ni lông bũa vây làng quê sẽ không còn.

 

Lê Xuân