Hà Nam: Trạm trộn bê tông nhựa hoạt động không phép gây ô nhiễm
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 22:54, 14/01/2020
Hoạt động rầm rộ dù chưa được cấp phép
Nhiều người dân tại thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) phản ánh về việc hai trạm trộn bê tông của Công ty TNHH Xây dựng giao thông Long Nguyệt (Công ty Long Nguyệt) và Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành (Công ty Phương Thành) đã đi vào hoạt động một thời gian dài nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Trong quá trình hoạt động, các trạm trộn này thải ra môi trường nhiều chất thải độc hại và gây bụi làm cho không khí tại khu vực dân cư sinh sống gần đó bị ô nhiễm nặng nề.
Trạm trộn bê tông nhựa của Công ty Long Nguyệt bị tố gây ô nhiễm môi trường |
Bên cạnh đó, hai công ty này thường tập kết các loại vật liệu thải, bùn thải, nhựa đá thải với khối lượng lớn bên lề đường. Sau mỗi trận mưa, các đống chất thải này chảy ra ngoài mặt đường tạo thành các vũng bùn lầy với kích thước lớn gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Trong quá trình sản xuất bê tông nhựa, khói bụi phát thải ra ngoài môi trường như mùi khét đặc của nhựa đường và dầu cháy… theo gió len vào khu dân cư sinh sống.
Bác Bùi Xuân T - khu tái định cư thôn Đồng Ao cho biết: “Nhà chúng tôi gần hai trạm trộn bê tông nhựa trên. Hai trạm trộn hoạt động từ 6h sáng đến 1h đêm, khi họ nghiền đá, múc đá lên dây truyền gây bụi nhiều. Khi họ trộn thì mùi nhựa đường rất khét. Nhà tôi lúc nào cũng đóng cửa, tuy nhiên không thể tránh khỏi bụi đá được, các đồ đạc trong nhà đều bị bụi đá bao phủ, cuộc sống rất khó khăn. Tôi kiến nghị, nếu hai trạm trộn bê tông nhựa này được các cơ quan có thẩm quyền cho phép thì mới được hoạt động, nếu không thì cần sớm di chuyển khỏi vị trí trên”.
Cùng chung bức xúc, bác Trần Phúc V - khu tái định cư thôn Đồng Ao chia sẻ: “Trẻ em và người già tại khu vực này bị rất nhiều bệnh tật về đường hô hấp, đêm ngủ cũng không yên vì tiếng ồn quá lớn. Chúng tôi đã có kiến nghị rất nhiều, thậm chí dân còn biểu tình, nhưng đến nay đâu lại vào đấy. Tôi kiến nghị, trạm trộn này phải di chuyển khỏi vị trí gần khu dân cư. Nếu trạm trộn được phép hoạt động thì họ phải có trách nhiệm hỗ trợ chế độ bảo hiểm nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân chúng tôi”.
Tìm hiểu được biết, Công ty TNHH MTV đá xây dựng Transmeco (Công ty Transmeco) có địa chỉ tại thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam là đơn vị cho Công ty Long Nguyệt và Công ty Phương Thành thuê mặt bằng trên diện tích đất thuê của UBND xã Thanh Thủy để đặt trạm trộn bê tông nhựa.
Ngày 07/01/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã có Báo cáo số 03/BC-STN&MT kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về các lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ về tài chính đối với Nhà nước của Công ty Transmeco, Công ty Long Nguyệt và Công ty Phương Thành. Nội dung Báo cáo ghi rõ, Công ty Long Nguyệt đã xây dựng trạm trộn bê tông nhựa Asphalt trên khu đất có diện tích 1.500m2 từ năm 2015 theo hợp đồng giữa Công ty Transmeco cho Công ty Long Nguyệt thuê nền bãi lắp đặt trạm trộn bê tông Asphalt ngày 01/01/2015. Ngày 01/01/2015, Công ty Long Nguyệt đã ký Hợp đồng thuê kho bãi số 19/2015/HĐTĐ với Công ty Transmeco thuê 1.500m2 để đặt trạm trộn bê tông Asphalt với đơn giá 5.500.000 đồng/tháng. Thời gian thuê bắt đầu từ ngày 01/01/2015 đến hết 31/12/2015. Từ ngày 10/01/2017 đến nay, Công ty Transmeco ký Bản cam kết cho Công ty Long Nguyệt mượn 1.500m2 để đặt trạm trộn bê tông Asphalt với điều kiện Công ty Long Nguyệt phải mua đá của Công ty Transmeco.Về đầu tư và xây dựng: Công ty không có dự án đầu tư và giấy phép xây dựng.
Việc thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước: Theo Thông báo số 1414/TB-CCT ngày 14/12/2018 của Chi cục thuế huyện Thanh Liêm về việc xác nhận số tiền thuế, phí đã nộp ngân sách Nhà nước, đến hết ngày 14/12/2018 Công ty Long Nguyệt đã nộp tổng cộng 3,337.597 đồng; trong đó lệ phí môn bài năm 2018 là 1.000.000 đồng và thuế giá trị gia tăng 2.337.597 đồng.
Công ty Phương Thành có địa chỉ tại số 05, ngõ 01, phố Bùi Huy Bích, tổ 10 Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Công ty Phương Thành và Công ty Transmeco đã ký Hợp đồng kinh tế số 234/Trans-PT ngày 22/07/2014 về việc mua bán vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án Xây dựng đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo đó, Công ty Phương Thành sẽ mua các loại đá xây dựng của Công ty Transmeco còn Công ty Transmeco cho Công ty Phương Thành thuê nền bãi để đặt trạm trộn bê tông nhựa nóng Asphalt; thời gian từ ngày 22/7/2014 đến khi kết thúc dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ nhưng không quá ngày 31/7/2019. Về đầu tư và xây dựng: Công ty Phương Thành không có dự án đầu tư và giấy phép xây dựng theo quy định.
Về đất đai: Từ tháng 7/2014 đến hết năm 2016, Công ty Transmeco đồng ý cho Công ty Phương Thành mượn 3000m2 theo Hợp đồng số 234/Trans-PT để đặt trạm trộn bê tông. Từ tháng 01/2017 đến nay, Công ty Transmeco đồng ý cho Công ty Phương Thành mượn 2.000m2 theo Bản cam kết ký ngày 15/01/2017 để đặt trạm trộn bê tông Asphalt với điều kiện Công ty phải mua đá của Công ty Transmeco. Công ty Phương Thành hỗ trợ Công ty Transmeco chi phí sử dụng kho bãi số tiền: 11.000.000 đồng/tháng.
Việc thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước: Từ năm 2015 đến nay, Công ty Phương Thành hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Nam tuy nhiên không đăng ký mã số thuế, không đăng ký kinh doanh nên Công ty không nộp bất kỳ khoản thuế, phí nào trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Căn cứ vào số liệu thống kê, báo cáo và thông báo xác nhận số tiền thuế, phí nộp ngân sách Nhà nước của Chi cục thuế huyện Thanh Liêm, khẳng định: Công ty Long Nguyệt và Công ty Phương Thành hoạt động không mang lại hiệu quả kinh tế, không có đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
“Phớt lờ” quy định của pháp luật
Ngay sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam có Báo cáo, ngày 18/01/2019 UBND tỉnh Hà Nam đã có Văn bản số 172/UBND-NC chỉ đạo xử lý các kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Báo cáo số 03/BC-STN&MT. Nội dung văn bản chỉ rõ, để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình đầu tư, xây dựng, sản xuất đối với các Công ty nêu trên, UBND tỉnh có ý kiến như sau: Yêu cầu Công ty Long Nguyệt và Công ty Phương Thành chấm dứt ngay hoạt động; tháo dỡ, di dời các trạm trộn bê tông ra khỏi khu vực xã Thanh Thủy, thời gian trước ngày 28/02/2019.
Công ty Transmeco chấm dứt ngay hành vi cho Công ty Long Nguyệt và Công ty Phương Thành sử dụng đất để xây dựng trạm trộn bê tông nhựa không đúng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung này. UBND huyện Thanh Liêm chỉ đạo UBND xã Thanh Thủy chấm dứt việc cho Công ty Transmeco thuê đất; xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định đổi với tập thể, cá nhân xã Thanh Thủy về vi phạm nêu trên. Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với số tiền thu được từ việc UBND xã Thanh Thủy ký hợp đồng thầu khoán với Công ty Transmeco không đúng quy định.
Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc chấm dứt hoạt động và tháo dỡ, di dời các trạm trộn bê tông ra khỏi khu vực xã Thanh Thủy của Công ty Long Nguyệt và Công ty Phương Thành; có biện pháp xử lý theo quy định trong trường hợp các Công ty không thực hiện các yêu cầu trên. Hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện các nội dung trên về UBND tỉnh, đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng để theo dõi, đôn đốc.
Mặc dù, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo rõ ràng như vậy, tuy nhiên theo quan sát của phóng viên, trạm trộn bê tông nhựa của Công ty Long Nguyệt vẫn “vô tư” hoạt động, nhả khói ô nhiễm ra môi trường xung quanh. Trạm trộn bê tông nhựa của Công ty Phương Thành đang trong quá trình tháo dỡ và di chuyển khỏi xã Thanh Thủy.
Về vấn đề này, trao đổi với báo chí ông Nguyễn Quốc Trưởng – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: “Các cấp các ngành đã liên tục kiểm tra, trạm trộn phun ra khói và người dân kêu khét, thủ tục các thứ họ không được cấp phép. Họ liên doanh với Công ty Transmeco thôi và không được thuê đất, chúng tôi đang yêu cầu họ đi nhưng chưa được. Hiện nay, trạm trộn bê tông Phương Thành đang di chuyển đi. Trước kia xã cho Công ty Transmeco thuê đất, nhưng năm 2016 xã thanh lý hết rồi. Sau này tỉnh cấm vì không đủ thẩm quyền, giờ thuê với tỉnh với huyện hết rồi”.
Có thể thấy, hai trạm trộn bê tông nhựa nóng Asphanlt của Công ty Long Nguyệt và Công ty Phương Thành đã có nhiều vi phạm, vậy mà vẫn “ngang nhiên” hoạt động trong nhiều năm qua. Dư luận đang đặt câu hỏi, ai chống lưng cho hai trạm trộn bê tông này tồn tại và trách nhiệm của chính quyền cơ sở khi để xảy ra vi phạm này? Cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cần vào cuộc làm rõ.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.