Bánh gai Tứ Trụ - đặc sản tiến Vua

Xã hội - Ngày đăng : 17:27, 14/01/2020

(TN&MT) - Nhắc đến Thanh Hóa, người ta thường nghĩ đến nem chua, nhưng vẫn còn đó loại bánh gai ngon nức tiếng bởi sự ngọt bùi, thơm ngậy được bắt nguồn từ vùng đất Tứ Trụ, thứ đặc sản của người làng Mía, thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Bánh gai Tứ Trụ - hơn 600 năm thăng trầm

Cách thị trấn Thọ Xuân khoảng 9 km về phía Tây, nằm cạnh Khu di tích lịch sử Lam Kinh, làng Mía nằm bên bờ sông Chu vốn màu mỡ, trù phú. Ngôi làng cổ này xưa và nay nổi tiếng với nghề bánh gai, hơn 600 năm trải qua bao thăng trầm, nay làng nghề vẫn “giữ lửa” với hơn nửa số hộ vẫn theo nghề. Theo tìm hiểu, trước những năm 40 của thế kỷ 20, bánh gai làng Mía được bày bán ở phố Tứ Trụ thuộc tổng Diên Hào (nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân), người mua thường gọi là bánh gai Tứ Trụ, lâu rồi thành quen. Đến nay, bánh gai Tứ Trụ đã trở thành thứ đặc sản nổi tiếng khắp xứ Thanh.

Cô Yến cùng mọi người đang chăm chút làm ra những chiếc bánh gai ngon nức tiếng

Cô Ngô Thị Yến (thôn 13, xã Thọ Diên) là một người con của làng Mía, với hơn 30 năm kinh nghiệm, cô cùng chồng là ông Đỗ Minh Ngọc cùng nhau “chia ngọt sẻ bùi”, trải qua bao thăng trầm và quyết “sống chết” với chiếc bánh gai “tiến vua”, hiện giai đình đã có cơ sở bánh gai Ngọc Yến.

Hồi tưởng về quá khứ, Cô Yến phấn khởi chia sẻ: Để giữ gìn ngành nghề truyền thống, gia đình đã tiếp nối nghề làm bánh gai từ cha ông để lại, nay đã được 30 năm. Thời gian trước, bánh gai thường chỉ được làm vào dịp Lễ hội, đình đám hay Tết Nguyên Đán, nhưng vì sự nổi tiếng của bánh gai Tứ Trụ cùng nhu cầu của người dân ngày càng cao, nên gia đình sản xuất quanh năm. Mỗi ngày có thể bán tới vài trăm đến hàng nghìn cái, doanh thu mang lại cho gia đình khoảng 200 triệu đồng/năm.

Lá gai là nguyên liệu chính của bánh được lấy ở khu vực bãi bồi ven sông Chu

Theo cô Yến, làm bánh gai không khó, nhưng lại rất kỳ công, đòi hỏi người làm bánh gai phải tỉ mỉ, chăm chút. Lá gai phải được hái từ khu vực bãi bồi ven sông Chu, sau đó đem được rửa sạch, luộc kỹ rồi vắt nước cho khô, xay nhỏ. Công đoạn tiếp theo là trộn lá gai với bột nếp (thường là nếp hoa cau, nếp hoa vàng). Hỗn hợp gồm lá gai, bột nếp, mật mía được trộn đều sao cho thật nhuyễn, rồi đem ủ qua đêm, sau đó tiếp tục giã. Nhân bánh được làm từ dầu chuối, đậu xanh xay vỡ, ngâm và đãi võ, sau đó nấu hoặc đồ lên. Khi đậu chín, cho vào cối giã cùng với đường đến khi thu được hỗn hợp mịn. Ngoài ra, để tạo vị ngậy, béo nên sẽ dùng một ít dừa nạo rang khô, dầu chuối cần sao cho vừa đủ, nếu nhiều sẽ bị đắng còn ít quá thì không dậy mùi.

Trước khi gói bánh, lá chuối khô được chọn kỹ và lau sạch

Sau khi chuẩn bị xong đầy đủ nguyên liệu nói trên, người làm tỉ mỉ dùng lá chuối khô gói bánh thật vuông vắn, đẹp mắt. Đây là công đoạn khá quan trọng, bởi nếu gói không khéo, bánh sẽ không bắt mắt, còn nếu gói không chặt, bánh sẽ nhão, ăn không tròn vị. Cuối cùng là hấp chín bánh, thời gian phụ thuộc vào số lượng mỗi mẻ bánh ít hay nhiều, từ đó điều chỉnh nhiệt độ cao hay thấp, trung bình khoảng 1 giờ là bánh chín đạt yêu cầu.

Sau từng ấy công đoạn, thành phẩm thu được là chiếc bánh gai dẻo mịn, thơm mùi của lá gai, gạo bếp. Đặc biệt là khi ăn, mùi thơm lạ của dầu chuối quyện với vị ngọt của đường mía, vị bùi của đậu xanh…khiến cho người ăn không thể từ chối và mãi lưu luyến hương vị.

Món quà quê ngon nức tiếng

Khách thập phương mỗi khi qua vùng đất Thọ Xuân đều dừng chân để mang về những chiếc bánh gai mộc mạc, giản dị để thưởng thức hoặc như thứ quà quê biếu tặng cho người thân. Để vạn lần khách đến – nghìn lượt khách mua, mỗi một chiếc bánh gai được người bán cân nhắc, điều chỉnh giá cả hợp lý, trung bình mỗi chiếc có giá dao động từ 5.000 - 7.000đ.

Những ngày giáp Tết bánh gai được người dân mua nhiều hơn

Bên cạnh việc giữ gìn làng nghề truyền thống, tạo ra nguồn thu nhập kinh tế ổn định, làng nghề còn tạo công ăn việc cho hàng trăm lao động địa phương. Nhận rõ được tầm quan trọng trong công tác bảo vệ và gìn giữ phát triền làng nghề, ngày 07/01/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 48/QĐ-UBND: Công nhận Điểm du lịch Làng nghề bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Trong đó có nêu rõ: UBND huyện Thọ Xuân, UBND xã Thọ Diên có trách nhiệm quản lý, khai thác, phát triển Điểm du lịch làng nghề bánh gai Tứ Trụ theo đúng quy định của nhà nước; đảm bảo gìn giữ phát triền tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, an toàn cho du khách; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến thăm quan; bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch.

An toàn thực phẩm luôn được chú trọng tại làng nghề bánh gai Tứ Trụ

Tết Nguyên Đán Canh Tý đang cận kề, đây cũng là thời điểm làng nghề bánh gai Tứ Trụ trở nên hối hả, tấp nập hơn. Với mong muốn những chiếc bánh gai ngọt bùi, đậm đà hương vị quê hương sẽ xuất hiện nhiều hơn trên mâm cỗ ngày Tết của gia đình Việt. Mong rằng chính quyền địa phương, người dân làng nghề bánh gai Tứ Trụ vẫn giữ vững tinh thần “chung sức, đồng lòng”, tiếp tục phát triển và gìn giữ nét tinh hoa ẩm thực của dân tộc.

Hoàng Anh