Nghề cào rác biển

Xã hội - Ngày đăng : 20:33, 13/01/2020

(TN&MT) - Để có triền biển luôn sạch sẽ và “hút” khách du lịch ngoại quốc, họ phải dậy từ 4 giờ sáng sau 8 tiếng gác đêm và phải “hứng” gió biển rát mặt, chân ngâm nước biển lạnh buốt. Song tất cả vì du khách, vì bờ biển sạch sẽ không rác thải và môi trường thân thiện. Họ là những bảo vệ ở Khu du lịch Hồ Tràm Spa (Hotram Spa) huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Mồ hôi rơi giữa sương lạnh buốt

4 giờ sáng, chúng tôi “tung chăn” rời khỏi “bung –ga -lo” ra biển Hồ Tràm chờ ánh bình minh ló dạng từ phía chân trời. Nghĩ tưởng giờ đó biển Hồ Tràm chỉ cát và sóng vỗ. Nhưng không, những bác bảo vệ có mặt sớm hơn đang cào rác phía mép biển. Dáng họ mờ mờ lẫn vào màn sương đêm. Đôi chân ngập trong lòng nước biển lạnh buốt.

Tôi tiến gần đến buông câu làm quen: “Bác ơi dậy làm từ mấy giờ? Sao làm sớm thế” – “Nếu rác nhiều thì làm từ 3-4 giờ sáng, ít thì 4h 30 phải làm rồi. Làm sớm hay muộn nhưng bãi biển phải sạch sẽ trước 6 giờ sáng. Đây là qui định bắt buộc của Hồ Tràm”- người đàn ông trạc tuổi 60 trả lời.

Những người cào rác biển Hồ Tràm Spa

Và cũng theo bác bảo vệ này, Hồ Tràm nhiều năm qua luôn là điểm dừng chân sang trọng của khách du lịch ngoại quốc không chỉ nhờ thiên nhiên nguyên sinh, những bức tường cổ kính xây bằng đất, đá tổ ong lãng mạn; mà còn “hút” “khách tây” bởi bãi biển luôn sạch và đẹp tuyệt đối không có rác thải.

“6 giờ sáng khách đã đi tắm biển, hoặc ra biển chờ mặt trời mọc rồi. Nếu không dọn rác, khách sẽ chỉ đến một lần là “bai bai” ngay. Hàng chục năm qua, Hồ Tràm giữ thương hiệu “không rác thải” nên lúc nào cũng đông khách”- bác bảo vệ cho biết thêm. Ông ngửng đầu nhìn vẻ thân thiện. Dưới làn sương biển tinh mơ, tôi nhìn rõ khuông mặt ông mồ hôi chảy dài trên má, rồi cúi đưa tay bốc rác đưa lên “xe rùa”. Đôi chân trần không dép thun da vì ngâm lâu trong nước biển.

“Cung bậc tình yêu”- cách bố trí độc lạ

Cùng làm với bác bảo vệ chưa kịp hỏi tên, một “lao công” tên Nguyễn Văn Thành cũng mồ hôi ướt áo. Anh Thành “đầu quân” chuyên làm sạch bờ biển Hồ Tràm gần chục năm qua. Cùng là “đồng nghiệp” với bác bảo vệ kia, nhưng anh Thành quê tận miền Tây.

Gắn bó với nghề cào rác biển khá nhọc nhằn, nhưng niềm vui trong anh chưa bao giờ vơi cạn. Anh bảo, lấy được đồng lương của công ty hơn 9 triệu đồng/ tháng, so với người lao động chân tay như anh vậy là đã khá rồi.

Mình làm việc phải có trách nhiệm, chứ không ai thuê mình. “Ở Hồ Tràm này, tiêu chí đặt ra là môi trường phải tuyệt đối sạch, xanh, thân thiện. Tất cả các thiết kế, cấu trúc hơn 80% thiên nhiên nguyên sinh. Những bức tường, hồ bơi, khu tắm biển đều “không rác thải”. Đây là lý do khiến khách du lịch ngoại quốc đến đây đều hẹn lần sau gặp lại, dù giá cả khác đăt đỏ”- anh Thành cho hay.

Những con đường làm bằng đất nung

6 giờ sáng, giữa không gian lãng mạn, giữa triền cát mịn màng, phía xa có “cặp tây” đang rảo bộ sát mép biển. Một nhóm vận động viên “vận động” chạy dài. Và đó cũng là lúc những người lao công làm sạch bờ biển về nghỉ ngơi để chiều vào ca trực đêm.

“Sau gần hai giờ cào rác biển, người mệt rã rời, chân mỏi và lạnh lắm. Nghề nào theo nghề ấy, nhọc nhằn nhưng cũng vui. Khi khách đặt chân trần trên cát sạch mịn, không bị gai đâm, hà xén là tôi cảm thấy hài lòng và yên tâm ra về. Nghề cào rác biển lương không cao nhưng niềm vui nhiều lắm”- Anh Thành chia sẻ.

Hồ hoa súng trong Hồ Tràm Spa

Không rác thải nhựa, gần gũi thiên nhiên

Sau hơn 1 giờ “mục sở thị” những người cào rác biển và chờ mặt trời mọc, chúng tôi trở lại “bung-ga-low” để chuẩn bị hành trình mới. Người bạn tôi kêu toáng lên: “Không có kem đánh răng, không có bàn chải, không có lược luôn. Resort gì mà kỳ cục vậy”, rồi “tức tốc” bấm máy điện thoại gọi cho lễ tân: “Sao không có kem đánh răng, bàn chải, lược chải đầu gì vậy?”. Từ đầu giây bên kia, cô lễ tân thưa: “Dạ bên chúng em đang thực hiện chương trình “không rác thải nhựa ạ. Nếu quí khách yêu cầu, chúng em sẽ phục vụ ngay”.

Chòi canh gác làm bằng gỗ thân thiện môi trường

Chưa đầy 10 phút sau, cô nhân viên gõ cửa, nhoẻn miệng cười bảo “Hồ Tràm Spa chúng em đang thực hiện chương trình “không rác thải nhựa” nên không để nhíp, lược, và kem đánh răng. Chỉ khi khách yêu cầu chúng em mới phục vụ miễn phí ạ”. Lúc đó chúng tôi mới “vỡ lẽ”: “thì ra họ đang giữ môi trường sạch, không ô nhiễm và cấm tác nhân gây ô nhiễm”.

Có một điều luôn hấp dẫn du khách đến Hồ Tràm Spa là kiến trúc ở đây khá độc đáo. Tất cả các bức tường xây nối từ bung-ga-low này đến bung-ga-low khác đều bằng đất thó, hoặc đá tổ ong. Con đường dẫn đến từng căn nhà nhỏ tuyệt nhiên không có pê-tông mà bằng những phiến đá thiên nhiên nhỏ ghép lại. Hàng rào đều làm bằng nứa, hoặc cỏ cây nguyên sinh. Trong mỗi phòng ngủ không có đồ dùng nhựa mà bằng gạch nung đỏ và gỗ thông, gỗ mun. Có một điều đặc biệt luôn làm du khách dễ chịu là mùi hương sả lan tỏa khắp phòng. Cô nhân viên phòng bàn “bật mí”: “Quí khách ngửi mùi hương sả không dị ứng, không có hiện tượng nghẹt mũi hoặc kích ứng da là vì đây là hương sả nấu từ cây sả thật. Lấy nước cốt, cho vào bình để góc nhà. Tất cả từ ngoài tới trong, không hề có rác thải nhựa, hoặc dùng đồ nhựa. Ngay cái túi dành cho khách đi biển cũng đan bằng cói, hoặc tre nứa”- cô nhân viên, cho biết.

Bãi biển sạch sau hai giờ những người lao công cào rác

Khác với những Resort khác, ở Hồ Tràm Spa không dùng khăn ướt khi thưởng thức các món ẩm thực, mà dùng khăn vải. Anh Thành cho hay: “Sở dĩ không dùng khăn ướt, hoặc khăn lạnh là vì chúng em hạn chế tối đa rác thải ra môi trường. Khách du lịch ngoại quốc không thích dùng khăn lạnh tẩm hóa chất thơm, mà dùng khăn vải thân thiện môi trường Khăn dùng một lần, giặt hấp sạch, dùng lại lần sau. Tuyệt nhiên không có sự ô nhiễm và rác gây ô nhiễm”.

Thưởng thức âm nhạc giữa không gian nguyên sinh

Hồ Tràm Spa được xây dựng ở địa thế “đắc lợi”. Một bên là biển Hồ Tràm, mộ bên là núi nguyên sinh. Thực chất, Hồ Tràm Spa là một dải bờ biển nằm giữa hai huyện Bình Châu và Long Hải. Chính vì thế mà nó không náo nhiệt ồn ào như những bãi biển khác mà mang nét đẹp của biển trời trong xanh, bãi cát trắng trải dài. Hồ tràm spa có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Tuy nhiên vào mùa nào thì khí hậu cũng rất mát mẻ dễ chịu. Vì thế, Hồ tràm luôn là “điểm cộng” của du khách thập phương, nhất là “khách Tây” trong hành trình du lịch các điểm miền Đông Nam bộ.

Đường vào Hồ Tràm với lãng mạn hoa anh đào

Sau gần hai giờ cào rác biển, người mệt rã rời, chân mỏi và lạnh lắm. Nghề nào theo nghề ấy, nhọc nhằn nhưng cũng vui. Khi khách đặt chân trần trên cát sạch mịn, không bị gai đâm, hà xén là tôi cảm thấy hài lòng và yên tâm ra về. Nghề cào rác biển lương không cao nhưng niềm vui nhiều lắm”- Anh Nguyễn Văn Thành

Lê Khanh