Tiền Giang, Bến Tre: Tập trung phòng chống hạn, mặn
Môi trường - Ngày đăng : 19:21, 12/01/2020
Nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền, nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân |
Báo cáo từ Bộ TN&MT cho thấy, mùa khô năm nay xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã diễn ra sớm hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2015. Dự báo tình trạng xâm nhập mặn với mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Thời gian xâm nhập mặn cao nhất sẽ tập trung vào tháng 1, 2 và đến giữa tháng 3/2020.
Theo đó, Tiền Giang và Bến Tre là những tỉnh thuộc vùng ĐBSCL có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn, mặn. Dự báo, ranh mặn 4g/l sẽ xâm nhập sâu vào đất liền, cao hơn năm hạn mặn lịch sử. Cụ thể, trên sông Cửa Tiểu và Cửa Đại (Tiền Giang) phạm vi xâm nhập mặn 50km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 18-20km; trên sông Hàm Luông và Cổ Chiên (Bến Tre), phạm vi xâm nhập mặn từ 57-61km, sâu hơn trung bình nhiều năm 26-27km.
Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016.
Trước tình hình trên, các địa phương này đã chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể cấp nước sinh hoạt, đồng thời chủ động bố trí ngân sách để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đến cấp nước sinh hoạt từng vùng nông thôn, nhằm ổn định đời sống dân sinh.
Các địa phương Tiền Giang, Bến Tre đã chủ động kiểm soát các công trình cống đập ngăn mặn, trữ ngọt |
Hiện nay, tại huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang), nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhất là nước sinh hoạt, chính quyền địa phương đã hỗ trợ các hộ dân xây bồn chứa dự trữ nước sinh hoạt. Dù đang mặn nhưng người dân cho biết không phải đi mua nước ngọt từ nơi khác.
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đã áp dụng nhiều giải pháp để tích trữ nước ngọt như: điều tiết nước giữa các kênh, chủ động bơm nước ngọt vào trong các kênh, đậy nắp cống,… nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt các công trình bơm tưới tại các cống, với mục tiêu bảo vệ sản xuất cho trên 138.000 ha lúa đông xuân, hoa màu, cây ăn trái và trên 536.000 người dân các huyện vùng ven biển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện tỉnh đầu tư mở các tuyến ống cấp cho vùng phía Đông, đầu tư nhà máy nước vùng phía Tây để dẫn trục, đấu nối vào hệ thống cấp nước của tỉnh. Riêng vùng các huyện cù lao, giáp biển trang bị bồn chứa, hàng năm tỉnh mở vòi nước công cộng để dân đến lấy nước, đảm bảo đủ nước trong sinh hoạt và đời sống dân sinh.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, nếu tình trạng cực đoan hơn đợt hạn mặn lịch sử mùa khô 2015 - 2016, tỉnh sẽ xin đắp 4 đập phía bờ Tây kênh Nguyễn Tấn Thành, tận dụng các ô bao ngăn lũ và triều cường của các địa phương tiến hành đóng các cống, đắp đập ngăn mặn, đồng thời kiểm tra, xử lý kịp thời các công trình đảm bảo ngăn mặn triệt để.
“Túi trữ nước ngọt”, giải pháp mới của người dân lựa chọn để chống hạn, mặn |
Trong khi đó, tại Bến Tre, nhất là ở các huyện trồng nhiều cây ăn trái, hoa kiểng như Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, TP Bến Tre cũng có nhiều giải pháp trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, kịp thời thông báo bằng điện thoại, Zalo, qua thông tin đại chúng, các văn bản đến tận cơ sở giúp người dân nắm được những thông tin độ mặn hàng ngày để chủ động phòng, chống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho hay, trước dự báo hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 diễn biến phức tạp, nên từ giữa năm 2019, tỉnh đã triển khai các giải pháp ứng phó. Đến nay, Bến Tre đã bố trí 46 điểm đo mặn nhằm tăng cường đo kiểm tra trên các sông, kênh rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình lấy, trữ nước hợp lý.
UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với diễn biến hạn mặn đang diễn ra rất phức tạp. Tổ chức trực ban và theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình xâm nhập mặn để chuyển tiếp thông tin, hướng dẫn và khuyến cáo người dân kịp thời thực hiện các giải pháp ứng phó.
“Lãnh đạo tỉnh đều tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt bằng các giải pháp. Hiện nay đã khép kín hệ thống một số tuyến kênh, rạch để ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ nhà máy, sinh hoạt người dân. Nếu giả định mặn ngập sâu toàn tỉnh thì sẽ có những giải pháp đắp đập, bơm chuyền lấy nước từ thượng nguồn để cung cấp cho nhà máy nước Ba Lai, đó là giải pháp căn cơ nhất” – Ông Nguyễn Hữu Lập nhấn mạnh.
Túi trữ nước ngọt tiện lợi
Hiện nay, có rất nhiều hộ dân ở vùng xâm nhập mặn tỉnh Bến Tre đã lựa chọn “Túi trữ nước ngọt” để làm dụng cụ chứa nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa hạn, mặn. Đây là sản phẩm do Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng (TP.HCM) nghiên cứu và đưa ra thị trường.
Túi chứa nước ngọt với lớp bên ngoài bằng vải địa kỹ thuật PP, bên trong là 3 lớp nhựa PE ghép theo tiêu chuẩn chất lượng của Mỹ và phù hợp với quy chuẩn quốc gia về an toàn vệ sinh. Túi có nhiều kích thước, với sức chứa từ 01-100 m3. Ưu điểm của lọai túi này là chi phí thấp, độ bền cao, dễ lắp đặt, thân thiện với môi trường.
Được biết, Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng cũng đã có kế hoạch tài trợ các công trình kè mềm để bảo vệ bờ biển huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre với kinh phí 10 tỷ đồng.