Điện Biên: Nhiều hồ chứa nước có nguy cơ cạn kiệt

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:08, 10/01/2020

(TN&MT) - Do nắng nóng kéo dài cùng với lượng mưa trong năm ít khiến việc tích nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Điện Biên trở nên khó khăn. Nhiều hồ chứa nước có mực nước xuống thấp kỷ lục và nguy cơ cạn kiệt.

Nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nguy cơ cạn kiệt khi nắng nóng tiếp tục kéo dài.

Công trình hồ chứa nước Nậm Ngám tại bản Nậm Ngám A, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) được xây dựng từ năm 2010 với dung tích hữu ích 5,4 triệu m3, có nhiệm vụ chủ động nguồn nước cho khoảng 1.200ha diện tích canh tác và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 3.000 dân là dân tộc thiểu số sinh sống quanh vùng.

Hồ thủy lợi Nậm Ngám, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông có mực nước chỉ đạt hơn 18% dung tích hồ.

Tuy nhiên, mực nước trong hồ hiện đang xuống thấp tới mức báo động do thời gian qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên mưa xảy ra ít hơn so với mọi năm. Mực nước trong hồ Nậm Ngám hiện tại chỉ còn khoảng 18% so với mực nước dâng bình thường. Đây là hồ chứa có mực nước so với mực nước dâng bình thường giảm mạnh nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Theo thiết kế, hồ Hồng Khếnh, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên có dung tích 1,68 triệu m3, cấp nước tới cho 230ha lúa 2 vụ, tạo nguồn cấp nước cho cánh đồng Mường Thanh. Tuy nhiên, hiện tại mực nước trong hồ giảm mạnh, xuống thấp hơn đập tràn hồ khoảng chục mét. Và đây cũng là năm đầu tiên mực nước trên hồ Hồng Khếnh xuống đến mức thấp như vậy.

Hồ Hồng Khếnh, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên có mực nước xuống thâp kỷ lục.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Duyên, Chủ tịch HĐQT, Công ty TNHH quản lý thủy nông tỉnh Điện Biên cho biết: Tính đến ngày 15/11/2019, tổng dung tích của 12 hồ chứa nước thuộc Công ty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên quản lý còn 33,64 triệu m3/60,50 triệu m3, đạt 55,6% tổng dung tích thiết kế. Dung tích hiện tại so với cùng kỳ năm 2018 là 60,5%, giảm 5%. Đặc biệt, mực nước trong hồ giảm mạnh so với mực nước dâng bình thường như: Hồ Nậm Ngám (18,36%); hồ Sông Ún (22,13%); hồ Hồng Khếnh (33,77%)… Dự kiến mực nước lòng hồ sẽ tiếp tục giảm nếu nắng nóng vẫn kéo dài, không mưa.

 

Theo ông Nguyễn Văn Duyên, nguyên nhân mực nước tại các hồ giảm mạnh là do thời tiết năm 2019 có nhiều diễn biến phức tạp, lượng mưa ít, nắng nóng kéo dài. Chính vì vậy, nguồn nước dành cho sản xuất nông nghiệp có nguy cơ rơi vào tình trạng cạn kiệt. Đặc biệt là hồ Pá Khoang, mực nước hồ xuống thấp nhất sau gần 20 năm.

Đến nay, mực nước hồ Pá Khoang đã xuống thấp hơn 3m, tính đến mép nước hiện tại, trong lòng hồ nhiều khoảng đã trơ đáy. Theo số liệu đo đạc của Ban Quản lý hồ Pá Khoang, trong tháng 12/2019 lưu lượng nước từ thượng nguồn chảy về lòng hồ Pá Khoang trung bình chỉ 20 – 30 m3/s, đỉnh điểm thấp nhất là trong tháng 11, lưu lượng nước về hồ chỉ đạt 20 m3/s. So với thời điểm này năm ngoái, lượng nước thượng nguồn chảy về là hơn 130 m3/s. Trong khi đó, do yêu cầu chống hạn cho tháng nắng nóng liên tục vừa qua, lượng nước xả luôn nằm ở mức 150 - 200 m3/s. Điều này đã khiến dung tích nước hiện chỉ còn hơn 23,8 triệu m3, đạt 56,6% tổng dung tích.

Điện Biên cần chủ động nước tưới cho vụ chiêm xuân.

Hiện tại, cánh đồng Mường Thanh đang bước vào chính vụ chiêm xuân, để đảm bảo sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với đơn vị quản lý hồ chứa tính toán lại dung tích và lưu lượng nước đến, chủ động việc cấp nước tiết kiệm, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ thiếu nước tưới cho vụ chiêm xuân.

Ông Nguyễn Văn Duyên cho biết thêm: Căn cứ vào nguồn nước của từng công trình và kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020, chúng tôi đã xây dựng lịch tưới cho từng cánh đồng một cách hợp lý. Ưu tiên tưới những diện tích ở xa trước, gần sau; huy động nhân dân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng đảm bảo vụ chiêm xuân có đủ nước để gieo cấy đúng thời vụ.

Hà Thuận