Đà Nẵng: Giảm áp lực rác thải đô thị

Môi trường - Ngày đăng : 19:56, 09/01/2020

(TN&MT) - Dự kiến đến hết quý 1/2020 bãi rác duy nhất của TP. Đà Nẵng sẽ lấp đầy, trong khi đó, các dự án Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn và nhà máy điện đang bị chậm tiến độ. Phân loại rác tại nguồn đang trở thành “mệnh lệnh” mà mỗi người dân Đà Nẵng cần hành động để đem lại môi trường sống xanh, sạch cho chính mình.

Gia tăng áp lực rác

Ông Võ Minh Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho hay, hiện trung bình mỗi ngày thu gom, vận chuyển và chở lên chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) từ 1.100-1.150 tấn rác/ngày. Những ngày có hoạt động dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác tấp vào các bãi biển do lũ…, khối lượng rác tiếp nhận lên đến 1.200 tấn/ngày. Với tình hình này, dự báo đến hết quý 1/2020 bãi rác Khánh Sơn sẽ đầy.

Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách xử lý rác thải của thành phố, ngay sau khi bãi rác Khánh Sơn bị đầy, ngày 12/8/2019, UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn với tổng vốn đầu tư 184 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Theo đó, cải tạo, nâng cấp 5 hộc rác hiện trạng (hộc số 1, 2, 3, 4 và 5) để tăng khả năng tiếp nhận rác; đồng thời, xây dựng thêm hộc rác số 6 rộng 4,67ha trên diện tích đất 7,7ha.

Dự kiến hết quý I/2020 bãi rác Khánh Sơn sẽ lấp đầy

Tuy nhiên, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng (đơn vị quản lý dự án) cho biết, dự kiến đến ngày 12/1/2020 mới triển khai thực hiện gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và xây lắp) và đến ngày 30/6/2020 mới hoàn thành các hạng mục xây lắp.

Bên cạnh đó, dự án nhà máy điện rác có công suất xử lý 650 tấn/ngày của Công ty CP Môi trường Việt Nam với kinh phí đầu tư 1.700 tỷ đồng (ngân sách nhà đầu tư), được thành phố chỉ đạo khởi công vào tháng 10/2019 và hoàn thành vào tháng 3/2021 nhưng đến nay cũng vẫn chưa thể khởi công.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt công nghệ của dự án nhà máy điện rác có công suất xử lý 650 tấn/ngày của Công ty CP Môi trường Việt Nam, thành phố sẽ tiến hành đánh giá tác động môi trường ngay để sớm khởi công dự án.

Đối với dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công suất xử lý 1.000 tấn/ngày, hiện thành phố đang lựa chọn công nghệ phù hợp với mục tiêu là có chi phí xử lý rác dưới 25 USD/tấn nhưng bảo đảm các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, công nghệ theo tiêu chuẩn châu Âu, do đó, thời gian triển khai thực hiện dự án này cũng chậm đi.

Đà Nẵng đang đối mặt với áp lực rác thải đô thị

Cuộc “cách mạng” phân loại rác

Nhằm giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý, UBND TP đã ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 về ban hành Kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2020, tỷ lệ rác tái chế, tái sử dụng là 12% và đến năm 2025 là 15%.

Cùng với việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do UBND TP. Đà Nẵng ban hành, trong thời gian từ 2017-2019, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ thực hiện dự án “Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy việc phân loại và tái chế TP. Đà Nẵng”. Dự án được triển khai thực hiện tại 04 phường của 02 quận gồm: Thạch Thang, Thuận Phước (Hải Châu) và phường Thanh Khê Tây, Hòa Khê (Thanh Khê).

Người dân Đà Nẵng hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn

Là đơn vị hợp tác của dự án, ông Kazuo Fukuyama - Tổng Cục trưởng Cục tái chế tài nguyên và chất thải (TP. Yokohama, Nhật Bản) đánh giá cao những nỗ lực của TP. Đà Nẵng nhằm đẩy mạnh việc phân loại rác thải tại nguồn, đặc biệt là sự hợp tác tích cực của người dân với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông Kazuo Fukuyama cũng nhìn nhận dự án đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể như, việc gom chủ yếu từ cộng đồng và phối hợp với công ty môi trường nên không có nhiều phương án thu gom, không có nhiều lộ trình thu gom rác tái chế và cơ sở tái chế hoạt động không đảm bảo; chưa thể xác định rõ ràng về dòng rác tái chế các yếu tố như loại, lượng, phương pháp xử lý trong mỗi quá trình.

“Người dân vẫn đang phụ thuộc vào vai trò của những người đứng đầu các hội, đoàn thể. Khi những người này đau ốm, rõ ràng thành quả công việc sẽ bị ảnh hưởng. Tôi nhận thấy, chúng ta phải có một cơ chế tổng thể để vận hành một cách trơn tru chứ không phụ thuộc vào một cá nhân hay đoàn thể nào.”- ông Kazuo Fukuyama chia sẻ.

Ông Đinh Quang Cường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2025, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành và người dân. Hiện nay, công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn mới chỉ dừng lại ở mức thu gom sau đó đem bán cho các cơ sở tái chế ngoài địa bàn.

“Hiện nay các cơ sở tái chế trên địa bàn TP vẫn còn hết sức manh mún, nhỏ lẻ với công nghệ lạc hậu. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND TP những công việc cụ thể để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này, trước mắt, có thể khuyến khích các dự án thí điểm tái chế rác tài nguyên thành những sản phẩm có ích cho cộng đồng” - ông Đinh Quang Cường khẳng định.

Lan Anh