Bình Định: Làng nghề truyền thống bánh – bún An Thái nhộn nhịp vào Tết

Xã hội - Ngày đăng : 10:33, 09/01/2020

(TN&MT) - Thời điểm giáp Tết Nguyên Đán Canh Tý, hàng trăm cơ sở, hộ gia đình trong Làng nghề truyền thống bánh – bún An Thái ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn hối hả chạy đua với thời gian để có hàng kịp phục vụ Tết.

Làng nghề truyền thống bánh – bún An Thái tồn tại hàng trăm năm qua, được thế hệ trước truyền nghề lại cho thế hệ sau trong từng gia đình, dòng tộc. Cứ vậy, đời sau nối tiếp đời trước, duy trì làng nghề tồn tại và phát triển cho đến nay.

Làng nghề truyền thống bánh – bún An Thái ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn hối hả vào Tết

Mỗi năm vào dịp Tết là thời điểm làng nghề bánh – bún An Thái tất bật, nhộp nhịp, tưng bừng, không yên ả, bình lặng như ngày thường. Bắt đầu từ tờ mờ sáng, các thợ làm bánh, bún đã nhom lửa, xay bột, nhào bột, đúc khuôn bánh, bún cho ra những sợi bún gạo, mì trắng mượt mà, những chiếc bánh tráng dài như miếng dải lụa mềm mại, để đưa lên vỉ tre phơi nắng trên bãi cát vàng nằm bên bờ sông Kôn hiền hòa.

Bún đón nắng trên bãi cát vàng nằm bên bờ sông Kôn hiền hòa.

Ngày bình thường số lượng bún, bánh tiêu thụ cầm chừng, khi nào có khách đặt số lượng nhiều, chủ cơ sở mới mời thêm lao động làm cùng. Nhưng đến Tết nhất định cơ sở hay hộ gia đình nào cũng phải mướn công lao động, vì người trong nhà không đủ sức làm bún, bánh phục vụ lượng tiêu thụ tăng đột biến.

Bún mì làm bằng bột mì tạo thành ô vuông

Chị Nguyễn Thị Kiều ở thôn An Thái chia sẻ: Bình thường ngày công 120.000 – 140.000 đồng/ngày, Tết thì tăng lên 160.000 – 170.000 đồng/ngày. Công đoạn nào cũng vất vả vì đều phải làm thủ công. Sau khi qua công đoạn làm bánh, bún tươi bằng máy, chủ yếu vẫn là sức lao động của con người. Tết mỗi ngày làm 20 bao gạo máy ra, mỗi bao 50kg. Bún này tiêu thụ các tỉnh Tây Nguyên, Sài Gòn và một số nơi khác và trong tỉnh Bình Định.

Những sợi bún được người thợ phơi rất cẩn thận

Chị Võ Văn Tâm tâm sự: Nhà tôi làm bún đã bốn đời rồi. Bún chia làm ba loại: bún mì, bún gạo và bún Song Thằn. Bún Song Thằn làm từ đậu xanh, bún gạo làm bằng bột gạo và bún mì làm bằng bột mì. Mỗi loại có giá thành khác nhau, như bún mì 32.000 đồng/kg trong thời điểm Tết, bún Song Thằn giá thành cao hơn khoảng 180.000 đồng/kg. Cả làng nhà nào cũng làm bún, bánh. Cả nhà tôi có 10 người làm nghề bún. Bún mì dùng nấu món xào rất ngon, muốn bún mềm phải ngâm nước rồi xé nhỏ ra mới đem xào với gia vị khác. Mùa Tết chủ yếu làm bún mì, bún gạo và bánh tráng, vì lượng tiêu thụ lớn, riêng bún Song Thằn ít làm vào mùa Tết do thời tiết mưa nắng bất thường.

Sợi bún là thành quả của người thợ làm bún

Chị Lê Thị Sang – Chủ Cơ sở Thành Sang cho biết thêm: 100kg gạo làm ra 90kg bún, bún gạo bán ra 13.000 đồng/kg. So với Tết các năm trước, thì Tết năm nay cơ sở làm ít hơn nên không có lãi, vì nhiều người cùng làm bún và giá cả cạnh tranh nhau. Tuy vậy, số lượng bún dịp Tết vẫn làm nhiều hơn so với ngày thường. Trong làng có mấy cơ sở làm bún, phần lớn là làm bánh tráng nên đặt là làng bánh, bún An Thái. Gia đình tôi làm được 20 năm rồi. Bún nơi đây là bún tinh chất gạo, mì không pha trộn. Gạo phải thơm ngon thường gọi là gạo ải ĐT, mới làm ra sợi bún dai, dẻo, thơm, nếu dùng gạo kém chất lượng sẽ làm sợi bún giòn, gãy, bở ăn không ngon.

Những vỉ bánh tráng trải dài trên bãi cát sông Kôn

Bún gạo màu vàng nằm phơi đón gió nắng mùa Tết

Công đoạn vắt cuộn bún gạo đem lên vĩ để phơi

Bún gạo sau khi phơi khô đưa vào bao để chờ vận chuyển

An Thái được biết đến là một đô thị sầm uất cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Ngày xưa nghề thủ công ở đây rất phát triển như: rèn, đúc kim loại, mộc, giấy, bún, bánh, dệt lụa, nhuộm. Hiện nay chỉ còn lại làng nghề bánh, bún là được duy trì và phát triển. Nhưng nổi tiếng vẫn là bún Song Thằn. Nếu ai đã từng ghé thăm Bình Định mà không thưởng thức hoặc mua bún Song Thằn về làm quà là một thiếu sót. Ngoài ra, An Thái còn là cái nôi võ cổ truyền Bình Định, nổi tiếng từ xưa gắn liền với các câu ca dao như “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” hay “Trai An Thái, gái An Vinh”.

Mỹ Bình