Dâng cho đời niềm đam mê máu thịt
Xã hội - Ngày đăng : 07:34, 09/01/2020
Anh bảo: “Đời tôi gắn liền với những tấm ảnh. Tôi đi khắp 63 tỉnh thành chụp ảnh để thỏa niềm đam mê. Bởi ảnh với tôi là máu thịt. Cả đời tôi dâng hiến cho niềm đam mê ấy”.
Anh là Huỳnh Mỹ Thuận, nghệ sĩ nhiếp ảnh được ví như con ong cả đời lặng thầm rong ruổi khám phá vùng đất mới và cho ra đời những tấm ảnh “độc nhất vô nhị”.
Chân dung nhiếp ảnh Huỳnh Mỹ Thuận |
Khóc giữa mưa rừng
Giữa hàng trăm nhiếp ảnh gia hân hoan, mừng vui trong “bữa tiệc giới thiệu ảnh độc” ở TP Hồ Chí Minh, có một người nghệ sĩ nhiếp ảnh dáng vóc mảnh khảnh, nước da sạm đen và mái tóc dài “hỏng giống ai” ngồi lặng lẽ một góc bàn.
Khác với sự vồn vã của nhiều thực khách khi gặp người quen chúc tụng “chén chú chén anh” mừng năm mới, khuôn mặt anh trầm mặc như đang nghĩ ngợi một điều gì đó.
Khi biết tôi là sĩ quan Hải quân và cùng chung nghiệp báo, anh bảo: “Mình đã đi khắp 63 tỉnh thành, đến các địa danh của 64 dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc, nhưng có hai nơi mà mình chưa tới, đó là Mù căng chải và Trường Sa. Mình đang nợ bà con ở đây và bộ đội Trường Sa những bức hình”.
Hơn 20 năm làm nhiếp ảnh, anh có khá nhiều giải thưởng cao quý và những tấm bằng giấy khen, nhưng anh không nói về nó, mà kể về những lần rong ruổi trên những cung đường Tây Bắc, những lần vượt đường Trường Sơn đến với đồng bào dân tộc Mường La ở Hòa Bình, hay áo đẫm mồ hôi hàng chục lần vượt đèo Mang - Jang đến với người Jarai (Gia Lai), vượt đèo Cả ra miền Quảng Trị.
Anh bảo: “Để chụp được hàng chục ngàn tấm ảnh, mình không biết đổ bao mồ hôi, cũng không nhớ nổi đi bao quãng đường, đến bao bản làng xa xôi hẻo lánh. Làm nghề chụp ảnh, niềm vui là khám phá những miền đất mới. Chính những địa danh ấy như có điều gì thúc dục từ trái tim. Nhiều khi người mệt rã rời nhưng chân vẫn muốn bước. Giữa bạt ngàn đồi núi mênh mông, giữa những sắc màu Tây Bắc, càng chụp càng say đến quên ăn, quên ngủ”.
Tác phẩm “Lão nông” |
Một trong cả trăm lần vượt núi băng rừng đến các bản làng xa xôi miền Tây Bắc săn ảnh, có một kỷ niệm luôn đau đáu trong anh mà mỗi lần nhắc đến nước mắt lại rưng rưng. Đó là lần đầu tiên anh cùng “chiến binh sắt” 250 phân khối vượt lên Tây Bắc chụp ảnh bản làng người Mông trên đỉnh núi Sà Phìn. Trời rét căm căm, mặc bốn áo vẫn như cắt da cắt thịt. Khi vừa chụp được 4 tấm ảnh, bỗng nhiên trời đổ mưa. Cơn mưa rừng như trút nước. Đồ nghề nhanh chóng được bọc áo mưa, bỏ đáy ba lô. Bỗng chốc trời đổ sập xuống đen kịt. Giữa rừng núi hoang sơ, không định vị; điện thoại không sóng, làm thế nào để “thoát” thân giữa rừng sâu? Câu trả lời là đi vô định. Anh vừa đi vừa gọi “cứu tôi, cứu tôi với”. “Thực ra lúc đó mình không biết đi hướng nào cho đúng. Lo tìm lối ra đã đành, nhưng lo hơn là mưa to quá sẽ làm ướt máy ảnh, coi như “công toi” cả hai đêm thức trắng. Mình đã khóc giữa rừng mưa. Cuối cùng mình cũng tìm được lối ra nhờ một người Mông đi đào măng rừng”, anh Thuận hồi tưởng lại.
Bức ảnh “duyên nợ”
Trong hàng chục ngàn bức ảnh là ngần ấy góc chụp khác nhau. Mỗi bức có một sắc thái, màu sắc riêng, song tựu chung lại, tất cả đều có hồn và khá “độc, lạ”, hiếm có nhiếp ảnh gia nào đạt được độ tinh xảo và kỹ thuật góc hình như ảnh của anh. Đó là những bức ảnh đa diện về sắc mầu, đa dạng ở góc độ, có chiều sâu về không gian, có tính lịch sử về thời gian, và đó cũng chính là sự khác biệt so với nhiều nhiếp ảnh khác.
Bản Mèo trên núi |
Trong hàng chục ngàn tấm ảnh “có hồn, chiều sâu, độc lạ” ấy, phải kể đến tấm ảnh “Lão nông”. Đây là tấm ảnh đặc biệt nhất trong 40 tấm ảnh đẹp nhất Việt Nam trong cuộc triển lãm ảnh đẹp năm 2005 ở Quốc Tử Giám- Hà Nội. Anh kể, tấm ảnh ấy anh chụp năm 2003 trong một lần đi đến Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương) săn ảnh. Hôm đó xế trưa. Giữa cái nắng miền Đông Nam bộ như thiêu như đốt, bất chợt nhìn thấy cụ già cởi trần, đột mê nón rách, miệng ngậm thuốc thuốc lá, tay cầm que chăn đàn bò trên đồng cỏ cằn cỗi.
Những nếp nhăn trên khuôn mặt hiền từ toát lên vẻ nhân hậu giữa ánh nắng sạm người. Anh Thuận chia sẻ “Lúc đó tui đưa máy ảnh bấm liền ba kiểu. Hai năm sau, tui đem bức ảnh đi thi, ai dè đoạt giải Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế FIAP. Lúc nhận giải thưởng, tui ứa nước mắt nghĩ đến lão nông trong ảnh. Khi tui đem tặng cụ già tấm ảnh, cụ còn bảo “Tui là người dân mà được lên báo chí thế giới là sướng lắm rồi. Tấm ảnh cụ già ấy như một cái duyên để sau này tui lại gặp được con gái, cháu ngoại của cụ”.
Nói về sự nên duyên từ tấm ảnh “lão nông”, anh Thuận chia sẻ. Sau khi tấm ảnh đoạt giải quốc tế, một lần anh lại về Lái Thiêu chụp ảnh nghệ thuật cụ già gánh hai đứa trẻ. Ai ngờ bà cụ ấy chính là con gái thứ hai của “lão nông”. “Khi tôi đưa tấm ảnh ra hỏi có biết “lão nông” này không?, bà cụ liền reo lên: “Mèng ơi. Đây là ba tui đó. Tui là con gái thứ hai của cụ nè”. Chừng ba năm sau, tui được mời đến chụp ảnh cho một đám cưới họ gái, ai dè cô dâu là cháu ngoại của “lão nông” ngày nào. Đúng là cái duyên không hẹn mà gặp”, anh Thuận hồi tưởng lại.
Độc- lạ
Đó là “bản ngã” đặc biệt trong khung hình của nhiếp ảnh Huỳnh Mỹ Thuận. Nổi bật trong hàng ngàn tác phẩm ảnh nghệ thuật phản ánh sinh động cuộc sống con người, cảnh vật, thiên nhiên khắp mọi miền Tổ quốc qua dòng chảy thời gian của anh là tính bản ngã, sự thân thiện ấm áp, đầy tình người tình nhân ái khiến người xem xúc động đến ứa nước mắt.
Một góc chợ Bắc Hà |
Nhìn ở góc độ nào, ảnh anh chụp cũng cũng có chiều sâu và nhân văn khiến con tim độc giả thổn thức, đồng nghiệp tâm phục khẩu phục, những người làm báo ngưỡng mộ.
Anh bảo: “Chân mình đã đặt trên khắp 63 tỉnh thành, kể cả đến những bản làng xa xôi hẻo lánh nhất của những miền cực bắc Tổ quốc ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang; song mỗi lần đến là một lần xúc động. Mình đã “cảm” được nét đẹp của thiên nhiên; hòa vào cái tình của người bản xứ. Đời nghệ sĩ nhiếp ảnh thì không có điểm dừng lại, bởi những tấm ảnh là sự sáng tạo không ngừng”.
Sinh ra ở ngoại ô Sài Gòn nhưng chọn Bình Dương làm quê hương sinh sống. Thủa thiếu thời anh đã đam mê chụp ảnh. Để rồi sau hơn 20 năm “chân đi, tay bấm máy”, anh đã đem lại cho riêng anh hàng chục ngàn tấm ảnh sinh động về đất nước, con người, vạn vật, thiên nhiên dọc chiều dài đất nước khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Những chuyến đi đẫm mồ hôi, rạc cẳng và tốn không ít công sức, tiền bạc ấy, đã đem lại cho anh hàng chục giải thưởng cao quí cấp quốc gia và quốc tế.
Song giải thưởng lớn nhất, xúc động và nhân nghĩa nhất là được phục vụ độc giả, được độc giả đón nhận và trân trọng. Mỗi khi một tác phẩm ảnh đồng bào nghèo người Mông, hay vùng đất hẻo lánh chợ Bắc Hà (Lào Cai); “Em bé bản Mường”, hay “Sắc mầu Tây Bắc” (Hà Giang) được đăng trên tạp chí, là niềm vui lại nhân lên. Bởi chính những bức ảnh ấy đã rút gần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, giữa người dân tộc thiểu số với người thành phố.
Và cao quí hơn, anh đã quảng bá đất nước con người Việt Nam qua những khung hình. Thế giới biết người Dao đỏ, chợ Bắc Hà, nét đẹp Hà Nhì, Phiên chợ vùng cao… qua tác phẩm của anh. Nhiều người Việt xem ảnh anh xúc động rưng rưng nước mắt. Những tấm ảnh “độc lạ sắc mầu” của anh là “đòn bẩy, là nguồn cội” để hàng ngàn chuyến du lịch của người nước ngoài và người Việt Nam đến với đồng bào Tây Bắc
Đã xa rồi thời “chập chững vào nghề”, song giờ hồi tưởng lại mắt vẫn rưng rưng. Đó là cái rưng rưng đầy kiêu hãnh của người nghệ sĩ có tâm, có tài cả đời cống hiến sống cho nghệ thuật nhiếp ảnh. Anh bảo, thỉnh thoảng mình cũng khóc. Khóc vì xúc động, vì sự yêu mến của độc giả thân thương giành cho. Nếu không có ngày gian khổ vượt núi, băng rừng, sao có những bức ảnh để lại cho đời.