Chuyên gia, nhà khoa học góp ý tiếp tục hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội Đảng
Thời sự - Ngày đăng : 20:53, 07/01/2020
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, đánh giá cao đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Nếu không nhìn nhận đầy đủ cả những kết quả đã đạt được cũng như những vướng mắc, tồn tại trong lĩnh vực khoa giáo, văn hoá, xã hội thì sẽ không xác định được phương hướng, động lực phấn đấu.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, thành viên tổ biên tập, cho biết trong dự thảo các báo cáo lần này, lĩnh vực khoa giáo, văn hoá, xã hội được đánh giá toàn diện kết quả đạt được, phân tích sâu sắc nguyên nhân và chỉ ra phương hướng, yêu cầu phát triển thời gian tới.
Trong lĩnh vực an sinh-xã hội, GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng qua hơn 30 năm đổi mới chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đang thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển vững 2030. Nhiều thành tựu về xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng yếu thế, bình đẳng giới... được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Các chính sách bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội phát triển khá đồng bộ, phù hợp với nhu cầu người dân và xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta chưa nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của các vấn đề xã hội. Nhiều địa phương quan tâm đến phát triển kinh tế chưa tính toán đầy đủ tác động về môi trường, xã hội. Nhiều vấn đề xã hội chỉ được xem xét khi đã xảy ra và cũng chưa được giải quyết triệt để.
“Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy kinh tế dù tốt đến đâu cũng không giải quyết được vấn đề xã hội. Các thành tựu kinh tế sẽ không bền vững nếu các vấn đề xã hội không được giải quyết rốt ráo”, GS.TS Đặng Nguyên Anh cho biết và đề nghị cần có thêm những bộ chỉ số để “đo đếm” lĩnh vực văn hoá, xã hội.
GS.TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định mấy chục năm qua lĩnh vực văn hoá-xã hội có những tiến bộ không thể phủ nhận. Văn hoá Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, hoà vào dòng chảy chung của văn hoá nhân loại. Hai mươi năm nay chỉ số phát triển con người luôn tăng và luôn cao hơn chỉ số phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, đồng tình với GS.TS Hồ Sĩ Quý, PGS.TS Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng lĩnh vực xã hội đang đối mặt với sự tha hoá, xuống cấp đạo đức, đảo lộn các giá trị trong đời sống xã hội chưa được kìm hãm, đồng tiền chi phối. Nguy cơ giảm sút, mất niềm tin vẫn còn hiện hữu.
“Trong phát triển con người, hiện nay người Việt Nam ở vào hàng thấp bé nhất thế giới. Chúng ta phải thay đổi nhận thức từ chỗ chỉ chú trọng phát triển trí tuệ mà phải chú ý hơn nữa đến thể lực, tư duy thẩm mỹ. Chúng ta cũng phải nhấn mạnh, đề cao tính gương mẫu trong các vấn đề văn hoá, đạo đức, xã hội”, PGS.TS Lương Đình Hải bày tỏ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia phân tích thêm: Giáo dục phát triển con người Việt Nam đề cập toàn diện Đức-Trí-Thể-Mỹ nhưng chúng ta mới chỉ coi trọng Đức-Trí, vì vậy những năm tới đây phải quan tâm hơn nữa đến Thể-Mỹ.
Ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc kiến nghị vấn đề dân tộc cần có những chính sách dài hạn, thống nhất, không để “đứt đoạn”. Trong đó đặc biệt coi trọng bảo tồn văn hoá, các giá trị bản sắc truyền thống của từng cộng đồng, dân tộc ngay từ nếp sống, sinh hoạt hàng ngày.
Về lĩnh vực khoa học-công nghệ, GS.TS Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bày tỏ tâm tư khi nhận thức về các lĩnh vực khoa học nói chung chưa được quan tâm đầy đủ đúng như quan điểm “khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu”.
Đặc biệt chính sách quản lý kinh phí nghiên cứu khoa học vẫn theo nguyên tắc hành chính, chưa tin tưởng nhà khoa học, không chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa có những chính sách kinh tế trực tiếp về thuế, tài chính, đất đai… để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho khoa học, công nghệ. GS.TS Nguyễn Đình Công mong muốn những hạn chế, bất cập này sẽ thay đổi trong các báo cáo trình Đại hội 13 của Đảng.
Trong khi đó, ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) kiến nghị chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 cần xác định một số ngành khoa học Việt Nam có ưu thế ứng dụng trong cách mạng công nghiệp 4.0, đi cùng với đó là một số sản phẩm trọng điểm quốc gia; thúc đẩy, lan toả việc tiếp thu, ứng dụng công nghệ mới.
GS.TS Đặng Nguyên Anh: Các thành tựu kinh tế sẽ không bền vững nếu các vấn đề xã hội không được giải quyết rốt ráo. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, đánh giá cao đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học. Sau cuộc họp, tổ biên tập sẽ xem xét, tiếp thu đầy đủ các ý kiến được trao đổi, nhất cách tiếp cận mới để tiếp tục hoàn thiện các nội dung về khoa giáo, văn hoá, xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, các dự thảo báo cáo phải đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nhận thức đầy đủ, sâu sắc về lĩnh vực khoa giáo, văn hoá, xã hội. Chúng ta phải có các bộ chỉ số, thước đo, định lượng được, làm cơ sở để đánh giá, nhìn nhận đúng về lĩnh vực khoa giáo, văn hoá, xã hội. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tính gương mẫu ứng xử trong văn hoá, xã hội, trước hết từ cán bộ, đảng viên, trong công sở, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, từ đó lan toả ra cộng đồng, xã hội.
“Giáo dục phải theo xu hướng quốc tế, có lộ trình phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Giáo dục đại học, viện nghiên cứu tự chủ mạnh mẽ hơn nữa thì mới thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Giáo dục phổ thông theo nguyên lý chung của thế giới, coi các trường học là thiết chế của cộng đồng, đổi mới quản lý, quản trị”, Phó Thủ tướng lưu ý thêm.