Muôn vàn mẫu “chuột vàng” làng gốm Bát Tràng sẵn sàng phục vụ Tết Canh Tý
Xã hội - Ngày đăng : 18:38, 07/01/2020
Chuột “vàng” hút khách
Từ những ngày đầu tháng Chạp, các cơ sở sản xuất gốm sứ ở làng gốm Bát Tràng đã tất bật sản xuất những sản phẩm độc đáo để phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Đến hẹn lại lên, các cửa hàng cũng cho ra lò nhứng sản phẩm độc đáo hình con giáp đại diện của năm.
Năm 2020 là năm Canh Tý - năm con Chuột; bởi vậy, các sản phẩm chuột gốm đang là một trong những mặt hàng được tìm mua rất nhiều, với ý nghĩa mang lại bình an, may mắn và tài lộc cho năm mới. Những chú chuột mạ sơn vàng óng, ôm đồng tiền vàng hay vác bao tiền, vàng... đang được ưa chuộng.
Nhiều mẫu "chuột" ở làng gốm Bát Tràng đã được trình làng |
Theo chủ một lò gốm sứ lâu năm ở Giang Cao (Bát Tràng), để sản xuất ra một sản phẩm tượng chuột, phải trải qua nhiều công đoạn từ đổ khuôn, gọt tỉa, làm sạch, phun sơn mạ…. Trong đó, công đoạn mất nhiều thời gian nhất để làm ra chuột gốm mạ vàng chính là tạo hình. Sau khi đổ khuôn, thợ sẽ lắc đều cho thạch cao luồn lách vào các khe nhỏ để không mất chi tiết dù là nhỏ nhất.
Tạo hình là công đoạn mất nhiều thời gian nhất để làm ra chuột gốm |
Sau khi thạch cao đổ vào khuôn khoảng 15 phút đảm bảo độ rắn chắc, sản phẩm sẽ được các công nhân đưa ra bên ngoài để phơi nắng 3 ngày, còn khi ngày mưa sẽ phải sấy khô. Mỗi công đoạn đều đỏi hỏi những người thợ gốm phải thật cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết, để tránh xảy ra lỗi không đáng có.
Ông Long (xóm 3, làng Bát Tràng) cho biết, nắm bắt nhu cầu thị trường, dịp Tết Nguyên đán năm nay, xưởng nhà ông đẩy mạnh sản xuất “Kỳ linh Canh Tý”. Để kịp lượng hàng cung ứng, những ngày này xưởng nhà ông luôn có từ 5 đến 10 công nhân làm việc liên tục. Thậm chí, để “tăng tốc” sản xuất, gia đình ông còn sử dụng lò sấy sản phẩm.
Chuột ôm đồng tiền là một trong những sản phẩm được sản xuất nhiều nhất ở làng gốm Bát Tràng |
“Hơn nửa tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Canh Tý, xưởng của gia đình tôi đang khẩn trương cho ra lò đợt hàng hình mẫu chuột “vàng” cuối cùng. Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán năm nay, xưởng chúng tôi sẽ tung ra thị trường hàng vạn sản phẩm tượng chuột bằng thạch cao”, ông Long nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ có mẫu chuột ôm và ngồi trên núi vàng, nhiều xưởng sản xuất tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng cũng cho ra đời nhiều mẫu chuột “vàng” đa dạng như chuột túi vác túi vàng, chuột vàng tài lộc... để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết. Những chú chuột này có giá dao động 7.000-20.000 đồng/sản phẩm.
Ở các cửa hàng trưng bày trong Chợ gốm Bát Tràng, mỗi chú chuột nhỏ hoàn thiện có giá từ 40.000 đến 50.000 đồng |
“Khi đến các cửa hàng trưng bày, mỗi chú chuột nhỏ hoàn thiện có giá từ 40.000 đến 50.000 đồng, các sản phẩm có kích thước lớn hơn được bán với giá 80.000-100.000 đồng”, bà Hằng, chủ cửa hàng Hằng Hương (chợ gốm Bát Tràng) chia sẻ.
Một số chủ xưởng và cửa hàng buôn bán tại đây cũng cho hay, đến thời điểm này, số lượng chuột “vàng” được tiêu thụ tới thời điểm này vẫn tăng đều. Không chỉ cung cấp cho các tỉnh miền Bắc, những chú chuột “vàng” của làng gốm Bát Tràng còn lên đường đi vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
“Kỳ linh Canh Tý” giá hàng chục triệu
Sản phẩm chuột dát vàng - “Kỳ linh Canh Tý” là sự kết hợp từ đôi tay điệu nghệ của những nghệ nhân làng gốm Bát Tràng và làng dát vàng nổi tiếng Kiêu Kỵ (cùng huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Theo lời những nghệ nhân trực sáng tạo sản phẩm này, điều làm nên giá trị đặc biệt cho mỗi sản phẩm “Kỳ linh Canh Tý” là dòng nguyên liệu cao cấp, quy trình chế tác kỳ công.
Đôi chuột trên củ lạc vàng, hình ảnh quen thuộc trong tranh dân gian Việt Nam xuất hiện ở làng gốm Bát Tràng |
Với dòng quan niệm đó, rất nhiều tác phẩm đã ra đời. Trong đó, sản phẩm “Chuột sa chĩnh gạo” được tạo hình chuột mẹ và hai chú chuột con vây xung quanh chĩnh gạo bằng vàng, phía dưới được đắp chữ “Phúc” là một trong những sản phẩm chủ đạo, được chú ý trong năm nay.
Được biết, ý tưởng của những sản phẩm “Kỳ linh Canh Tý 2020” xuất phát từ những câu chuyện dân gian về loài chuột - con vật đứng đầu trong 12 con giáp, đặc biệt là hình ảnh chuột tha trứng gà. Một chú chuột thì không thể tha quả trứng về hang nên loài chuột đã tìm ra cách rất thông minh: một chú chuột ôm quả trứng, một chú chuột khác cắn đuôi kéo lê chú chuột ôm trứng tha đi. Hình ảnh này thể hiện sự lanh lợi của loài chuột và tính đồng đội, hợp tác.
Những mẫu lộc bình truyền thống đều đặn đưa ra thị trường dịp này |
Theo một nghệ nhân ở xóm 3, làng Bát Tràng, “Kỳ linh Canh Tý” hướng đến hình ảnh no đủ, hạnh phúc... Chuột tượng trưng cho sự sung túc và thịnh vượng, bởi chuột là loài vật có sức sinh sản rất tốt. Dân gian quan niệm nơi nào có chuột tìm đến thì nơi đó có của ăn của để dồi dào. Người ta tin rằng, đặt tượng chuột, tranh chuột vào đúng huyệt tài thì nó sẽ mang lại rất nhiều tiền tài cho gia chủ.
Đáng chú ý, trong chuỗi sản phẩm “Kỳ linh Canh Tý”, sản phẩm chuột vàng và củ lạc cũng hút khách với ý nghĩa biểu trưng cho mùa màng bội thu, một hàm ý chơi chữ của người xưa “hưởng lạc”, có nghĩa là hân hoan, vui sướng...
Đa dạng mẫu lục bình trưng bày tại Chợ gốm làng cổ Bát Tràng |
Những sản phẩm “Kỳ linh Canh Tý” có nhiều mức giá từ 8 triệu đồng, 12 triệu đồng, 16 triệu đồng và phiên bản đặc biệt 100 triệu đồng phục thuộc vào chất liệu, kích thước.
Việc dát vàng không chỉ tăng thêm tính thẩm mỹ cho tác phẩm mà còn mang ý nghĩa phong thủy. Do đó, “Canh Tý - Mùa an lạc” là tác phẩm được nhiều người mua tặng, biếu trong dịp lễ, Tết này, nghệ nhân này cho hay.
Chợ gốm làng cổ Bát Tràng vẫn còn khá đìu hiu, vắng vẻ |
Bên cạnh sản phẩm tượng chuột, nhiều chủ cơ sở sản xuất cho biết, các xưởng gốm tại làng Bát Tràng vẫn duy trì sản xuất lộc bình truyền thống để đưa ra thị trường dịp này. Những sản phẩm lộc bình của làng gốm sứ Bát Tràng có đường nét riêng và rất tinh xảo. Năm nay, giá hàng cao hơn mọi năm nhưng không đáng kể vì yêu cầu của khách về mẫu mã, hình thức có đòi hỏi cao hơn.