Bảo tồn Thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định
Văn hóa - Ngày đăng : 17:12, 06/01/2020
Thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định được biết đến là một di sản văn hóa đặc sắc, nét đẹp định danh cho quê hương Bình Định. Bởi không phải ngẫu nhiên mà nơi đây được cả nước và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tôn vinh là miền đất võ.
Thập bát ban binh khí tại Võ đường Phan Thọ |
Thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định bao gồm: Côn, Đao, Kiếm, Thương, Kích, Cung, Bừa cào, Giản, Thiết lĩnh, Liên tri, Thái long câu, Xà mâu, Dải lụa, Giáo, Lăn khiên, Đinh ba, Búa, Chùy. Ngày nay, từng võ đường, làng võ cổ truyền ở Bình Định khai thác thế mạnh riêng của mình về các loại hình binh khí. Đây là yếu tố đặc sắc cần được phát huy trong quá trình bảo tồn, xây dựng và phát triển võ cổ truyền Bình Định.
Thầy Lê Xuân Cảnh hướng dẫn môn sinh luyện tập võ cổ truyền Bình Định |
Nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Võ đường Lê Xuân Cảnh của thầy Lê Xuân Cảnh (SN 1938) ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn. Năm 1975, thầy Lê Xuân Cảnh mở Võ đường tại quê nhà để đào tạo hàng trăm thế hệ học trò trong môn phái. Từ những gì đã tiếp thu được trong 15 năm lặn lội tầm sư học võ, thầy Lê Xuân Cảnh chắc lọc những tinh túy nhất của từng môn phái, trở thành bí quyết riêng truyền dạy cho các môn sinh.
Võ sư Lê Xuân Cảnh một đời tâm huyết với võ cổ truyền Bình Định |
Nhiều môn sinh Võ đường Lê Xuân Cảnh có khả năng biểu diễn các bài võ binh khí khá tuyệt chiêu như Song đao, Song phủ, Độc kiếm, Song kích và các bài roi Thái sơn, Trực chỉ, Bát quái. Ngoài ra thầy Lê Xuân Cảnh còn phục dựng và đào tạo võ sinh biểu diễn thi cờ người rất độc đáo ở thị xã An Nhơn để phục vụ các dịp lễ, hội, múa lân, biểu diễn võ thuật.
Đặc biệt, tại Võ đường Lê Xuân Cảnh còn có bài biểu diễn võ với binh khí Khăn. Không mạnh mẽ đầy phô trương uy lực như Đao, Kiếm, chiếc Khăn quàng trên người, quấn trên đầu là vật dụng gần gũi với con người, chỉ đến khi gặp khó khăn mới thật dự bộc lộ tính năng là một binh khí hiệu nghiệm, linh hoạt, uyển chuyển. Đó cũng là tinh thần của võ Việt. Học võ để phòng thân và cứu giúp người hoạn nạn, không phải để phách lối, khoa trương.
Biểu diễn binh khí roi của Võ đường Lê Xuân Cảnh |
Điều chúng tôi cảm phục, trân quý võ sư Lê Xuân Cảnh, thầy không chỉ là người dành trọn cả tuổi thanh xuân đến cuối cuộc đời cho tinh hoa võ Việt, mà còn là người thầy có tấm lòng cao đẹp, dạy miễn phí cho hàng trăm thế hệ môn sinh trong Võ đường của mình. Với thầy, người học võ trước hết phải học Lễ, Nghĩa sau mới đến học Võ. Bởi vậy, điều đáng trân trọng nhất ở Võ đường Lê Xuân Cảnh là truyền thống giỗ tổ hàng năm vào ngày 17/5 âm lịch. Đây là cách để giáo dục tinh thần tôn sư trọng đạo, nhắc nhở các thế hệ môn sinh ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản võ cổ truyền Việt Nam.
Môn sinh Đinh Thị Bích Ngọc Võ đường Lê Xuân Cảnh biểu diễn bài Thanh Long độc kiếm |
Võ sư Lê Xuân Cảnh chia sẻ: Võ đường Lê Xuân Cảnh tập trung truyền dạy cho môn sinh về binh khí roi, gồm Bát quái, Trực chỉ, Thái Sơn; Song đao; Long môn kiếm; Ngọc trản; Siêu tứ môn. Bài nào cũng có cái hay riêng của nó. Tôi dạy võ phục vu các phong trào lễ hội, không chỉ duy nhất dạy võ thuật. Học võ cổ truyền là học cả đời, học nhiều năm không phải học trong thời gian ngắn. Nếu học lâu dài mà thu học phí, thì tiền đâu các cháu môn sinh theo học. Tôi dạy quanh năm luôn có môn sinh, khi nào có phong trào lễ hội là có đủ lực lượng môn sinh tham gia. Muốn cho võ cổ truyền Bình Định phát triển, thì các ban ngành phải hỗ trợ cơ sở như nhà tiền chế, sân bãi, dụng cụ binh khí luyện tập cho các võ đường.
Vượt qua hàng chục cây số, chúng tôi về thăm Võ đường Phan Thọ ở thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn. Võ đường thành lập năm 1950, đến nay đã 70 năm và đào tạo ra hàng ngàn môn sinh trong và ngoài tỉnh Bình Định.
Võ đường Phan Thọ ở thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn |
Phan Thọ là một trong những võ sư hiếm hoi tinh thông Thập bát ban binh khí, biểu diễn rất bài bản, tuyệt chiêu một số bài quyền, roi: Quyền pháp Ngọc Trản, Tiên Ông, Thần Đồng, Bát Quái, Ngũ Hành, Lão Mai; đao pháp Siêu xung thiên, côn pháp Bát quái. Ngoài ra, ông còn áp dụng thông thạo các loại binh khí hiếm gặp, chỉ lưu truyền ở lòng dân bản địa mà dân gian gọi là võ thế, võ vườn như võ đòn sóc (đòn gánh hai đầu nhọn), võ bồ cào (chỉa ba mũi nhọn).
Lão sư Phan Thọ từng tâm sự với hậu thế: Tập võ không chỉ làm khỏe mạnh thân thể mà còn có một tinh thần vững vàng, tâm hồn lành mạnh, một bản chất mộc mạc, cởi mở phóng khoáng và vị tha. Các môn sinh phải sống với một tâm hồn đẹp và quyết tâm phát triển và bảo tồn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là truyền thống quê hương miền đất võ.
Cả cuộc đời gắn bó với võ học, lão sư Phan Thọ hằng ngày miệt mài với những đường nét võ thuật, dốc toàn bộ sức lực và trí tuệ vào võ thuật để con cháu giữ lấy 18 môn binh khí mà hiện nay nhà nước đang chấn hung. Nay lão sư đã không còn nữa, nhưng uy danh của Võ đường Phan Thọ vẫn được thế hệ hậu duệ tiếp nối.
Môn sinh Võ đường Phan Thọ biểu diễn các thế võ cổ truyền Bình Định |
Để bảo tồn, khôi phục Thập bát ban binh khí, Chưởng môn Phan Hải của Võ đường Phan Thọ chia sẻ: Thập bát ban binh khí được khôi phục, bảo tồn, lưu giữ lại các bài quyền cổ ngày xưa bằng cách giới thiệu rộng rãi trong tỉnh. Sau đó các võ đường trong tỉnh tập huấn, học lại những bài đó để duy trì, bảo tồn Thập bát ban binh khí.
Như vậy, Thập bát ban binh khí võ cổ truyền ngày càng phát huy tính lịch sử và văn hóa; phát huy thế mạnh từng loại hình, môn binh khí võ cổ truyền Bình Định, thì cần phải có một đề án quy hoạch, phát huy từng môn binh khí gắn với từng võ đường, gắn với các làng võ cổ truyền phục vụ phát triển du lịch miền đất võ trong tương lai.