Thanh Hóa: Lan tỏa phong trào “Nói không với túi ni lông và rác thải nhựa”
Môi trường - Ngày đăng : 13:03, 06/01/2020
Phụ nữ nói không với túi ni lông
Các loại dây đai nhựa, được sử dụng phổ biến trong các khu công nghiệp bởi sự đa năng, chắc chắn và giá thành rẻ, nhưng khi hết “giá trị sử dụng” chúng bị vứt bỏ hoặc đốt một cách không tiếc và trở thành “mối đe dọa” đối với môi trường.
Vợ chồng chị Lưu Thị Mai và Hoàng Văn Thêm đang đan những giỏ, túi xách từ những phế liệu bỏ đi |
Chị Lưu Thị Mai phố 5, phường Quảng Hưng (TP. Thanh Hóa) vốn là công nhân nhiều năm trong khu công nghiệp Lễ Môn, mỗi ngày khi phải nhìn thấy hàng chục cân dây đai nhựa bị vứt bỏ, hoặc đem đốt tạo khói đen mùi khét lẹt gây ô nhiễm môi trường. Chị và chồng là anh Hoàng Văn Thêm, đã nảy ra ý tưởng thu gom tận dụng các dây đai nhựa, sau đó vệ sinh sạch sẽ để làm nguyên liệu đan thành những chiếc làn, túi xách vô cùng xinh xắn và hữu ích.
Chị Mai chia sẻ: “Những dây nhựa này nếu không thu mua lại thì cũng sẽ bị bỏ đi, rất lãng phí. Vợ chồng chúng tôi tận dụng nguyên liệu có sẵn và thời gian rảnh để đan làn, túi xách vừa kiếm thêm thu nhập lại vừa góp phần thay thế túi ni lông. Thời gian đầu, chỉ có một vài chị em công nhân tìm đến hỏi mua, rồi dần dần các thương lái từ khắp nơi đến đặt hàng nhiều hơn”.
Cô Nguyễn Thị Thoa và Mai Thị Xuyến (phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa) thường sử dụng làn để đi chợ thay thế túi ni lông |
Bằng việc chăm chỉ, tìm tòi, với cách làm sáng tạo và độc đáo, vợ chồng chị Mai đang “biến” những phế liệu tưởng chừng chỉ để bỏ đi thành những sản phẩm tạo ra giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập cho gia đình, đồng thời giảm thiểu một lượng lớn rác thải nhựa thải ra môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông. Theo đó, mỗi sản phẩm túi xách đa sắc màu từ dây đai nhựa bỏ đi có giá dao động từ 30.000 - 45.000đ tùy kích cỡ”.
Những sản phẩm chị Mai tạo ra đã lan tỏa và nhận được sự ủng hộ từ chị em trong khu phố. Cô Nguyễn Thị Thoa phố 5, phường Quảng Hưng chia sẻ: “Mỗi khi có thời gian, tôi đều sang phụ giúp Mai, các chị em công nhân trước đây khi mang cơm đi làm thường sử dụng túi ni lông và rất hay bị rách, đứt, còn gây ô nhiễm môi trường. Nhưng khi sử dụng túi xách này thì nó vô cùng chắc chắn, tiện lợi lại giảm một lượng đáng kể túi ni lông.”
Các làn, túi đa sắc màu được tạo ra từ các đoạn dây đai nhựa bỏ đi |
Cùng quan điểm, bà Mai Thị Xuyến (phường Quảng Hưng) cho biết: “Tôi vẫn thường sử dụng chiếc làn này để đi chợ thay thế túi ni lông, không những thế tôi còn đặt mua để làm quà tặng bà con ở xa, và họ cũng vô cùng thích thú với các sản phẩm này”.
Chung tay hành động chống rác thải nhựa
Trao đổi với bà Lê Thị Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quảng Hưng, được biết: “Ý tưởng và việc làm của gia đình chị Mai trong công tác bảo vệ môi trường là rất thực tế. Hội Liên hiệp Phụ nữ đã ủng hộ và chia sẻ phát thí điểm các sản phẩm này cho một số hộ ở 8 khu phố, bước đầu đạt được những hiệu quả tích cực về sự tiện lợi, chắc chắn và đặc biệt giảm thiểu lượng túi ni lông rõ rệt. Hy vọng ý tưởng này sẽ sớm được lan tỏa rộng rãi”.
Anh Lê Xuân Hà (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) chế tạo các vật dụng từ tre thay thế đồ nhựa |
Cùng tham gia hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa” trên đại bàn tỉnh Thanh Hóa, rất nhiều cá nhân, tập thể đã có những ý tưởng sáng tạo, việc làm thiết thực trong công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ túi ni lông và rác thải nhựa. Thể hiện rõ ý thức của người dân đã được nâng cao đáng kể, đó chính là kết quả đạt được sau rất nhiều công tác tuyên truyền, vận động.
Phải kể đến như gia đình anh Lê Xuân Hà, thôn Thành Lợi, xã Tân Thành (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) đã sáng chế ra ống hút cùng nhiều vật dụng hữu ích khác từ tre, thay thể các sản phẩm từ nhựa. Với định hướng “Vì một lai không rác thải nhựa”, bên cạnh sản phẩm ống hút tre, anh Hà còn sản xuất các loại vật dụng như: Thìa, vỏ bút bi, giỏ tre…để cung ứng ra thị trường.
Hội Liên hiệp Thanh niên phường Tân Sơn, TP.Thanh Hóa với mô hình “Ngôi nhà thu gom phế liệu” |
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Thanh niên phường Tân Sơn, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai và thực hiện tốt sứ mệnh “ăn” rác thải nhựa. Với mô hình “Ngôi nhà thu gom phế liệu”, các ngôi nhà thu gom phế liệu có vai trò tập hợp vỏ chai sau sử dụng, vị trí đặt những ngôi nhà trên chủ yếu là nơi có nhiều hàng quán và đông người qua lại. Tuy mô hình mới được triển khai, nhưng qua kiểm tra cho thấy đa số người dân trên địa bàn đều đồng tình và rất ủng hộ.
Mô hình “Hố ủ rác thành phân hữu cơ” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa |
Cũng như Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai mô hình “Hố ủ rác thành phân hữu cơ”. Đặc điểm của mô hình này là rác thải nhựa và rác thải sinh hoạt được phân loại từ đầu, đồng thời lượng rác thải sinh hoạt còn được tái sử dụng thành phân bón hữu cơ, tăng năng suất cho cây trồng hơn nhiều so với phân bón hóa học.
Hy vọng những ý tưởng, việc làm nói trên của các cá nhân, tập thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm được nhân rộng, lan tỏa. Để “Nói không với túi ni lông và rác thải nhựa” không còn là một phong trào mà trở thành một nếp sống quen thuộc của người dân.