Chủ động phòng chống xâm nhập mặn sâu và gay gắt hơn ở ĐBSCL

Môi trường - Ngày đăng : 22:47, 03/01/2020

(TN&MT) - Mùa khô năm 2019-2020, dự báo xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), trong một số thời điểm ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2015-2016.

Nhiều cửa sông mặn vào sâu hơn TBNN

Theo báo cáo tình hình thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mùa khô năm 2019-2020 của Bộ TN&MT, mùa khô năm 2019-2020 trên lưu vực sông Mê Công xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm (TBNN), tổng thời gian mưa ngắn, tổng lượng dòng chảy ở mức thấp. Dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, hiện đang xuống ở mức rất thấp so với TBNN. Xâm nhập mặn xuất hiện sớm và cao hơn so với cùng kỳ 2015.

Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức độ, sâu hơn gay gắt hơn so với TBNN, trong một số thời điểm ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2015-2016. Thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung vào tháng 1, 2; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3/2020. Từ nửa cuối tháng 3-6/2020, xu thế xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.

Xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn ở ĐBSCL trong mùa khô 2019-2020. Ảnh minh họa

Dự báo, mức độ phạm vi xâm nhập mặn 4g/l tại các cửa sông có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông có phạm vi xâm nhập mặn 94 km, sâu hơn TBNN 33km, xấp xỉ năm 2016; Sông Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 92 km, sâu hơn TBNN 34km, tương đương năm 2016; Sông Cửa Tiểu với phạm vi xâm nhập mặn 50 km, sâu hơn TBNN 20km, cao hơn năm 2016 đến 3km...

Tổng lượng mưa thấp trong 4 tháng đầu năm 2020

Báo cáo của Bộ TN&MT nêu rõ, từ tháng 01 đến tháng 4/2020 là thời điểm mùa khô nên ở khu vực thượng lưu sông Mê Công phổ biến ít mưa, ở ĐBSCL tổng lượng mưa thấp hơn từ 10-20%. Trong tháng 5, 6/2020, là thời kỳ đầu mùa mưa ở khu vực phía bắc của vùng thượng lưu Mê Công, mưa có xu hướng gia tăng với lượng mưa cao hơn TBNN khoảng từ 10-20%, lượng mưa ở ĐBSCL ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 10-25%.

Cụ thể, ở đồng bằng Nam Bộ, tháng 01/2020 khả năng có mưa rào cục bộ ở khu vực ven biển miền Tây Nam Bộ với lượng không nhiều, tổng lượng mưa xấp xỉ trên TBNN; tháng 02/2020 phổ biến không mưa; tháng 3 và tháng 4/2020 phổ biến thấp hơn TBNN từ 10-20%. Tổng lượng mưa khoảng từ 10-20mm trong tháng 3 và từ 30-60mm trong tháng 4; tháng 5/2020 ở mức xấp xỉ TBNN; tháng 6/2020 cao hơn so với TBNN từ 10-25%.

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ TN&MT cũng nhận định, dòng chảy trên sông Mê Công về ĐBSCL trong tháng 1,2/2020 là rất hạn chế, khả năng thiếu hụt từ 10-30% so với TBNN và năm 2016. Biển Hồ - Cam pu chia ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho ĐBSCL không nhiều. Điều này khiến cho tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL có khả năng gay gắt hơn.

Chủ động phòng chống hạn mặn

Trước tình hình xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục KTTV, Viện Khoa học khí tượng thủy văn, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Cục Quản lý Tài nguyên nước và các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn, ban hành kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo tới các cơ quan chức năng phục vụ chỉ đạo điều hành phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động cung cấp thông tin tới các cơ quan truyền thông tuyên truyền tới người dân để chủ động phòng chống.

Trong các bản tin mùa từ tháng 7/2019 (phát hành hàng tháng) của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và Đài KTTV khu vực Nam Bộ đều đã nhận định về nguy cơ mất mùa lũ trong năm 2019 ở Đồng bằng sông Cửu Long và cảnh báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và gay gắt hơn TBNN trong mùa khô năm 2019-2020. Các bản tin về tình hình nguồn nước và hạn hán, xâm nhập mặn được ban hành hàng tuần.

Đặc biệt, công tác đo mặn được triển khai sớm hơn hàng năm. Hiện tại, các điểm đo mặn tại 13 tỉnh ĐBSCL đã được triển khai đo mặn từ tháng 12 để phục vụ công tác cảnh báo, dự báo.

Ngoài ra, để phục vụ giao ban, chỉ đạo của các tỉnh, đã chỉ đạo Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh chủ động ra các bản tin dự báo chuyên đề khi có yêu cầu của địa phương để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trong khu vực.

Tuyết Chinh