Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị Phòng, chống hạn, mặn khu vực ĐBSCL
Thời sự - Ngày đăng : 16:09, 03/01/2020
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Hội nghị với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi và Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành. Cùng tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Quân khu 9; lãnh đạo UBND, các Sở, ngành, đơn vị có liên quan thuộc các tỉnh khu vực ĐBSCL và một số tổ chức quốc tế…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ĐBSCL là vùng phù sa trù phú, và là vùng trọng điểm về lương thực, thực phẩm của cả nước, có vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Gần đây, ĐBSCL chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, đồng thời với việc chịu ảnh hưởng của khai thác nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công.
Năm nay, khu vực ĐBSCL tình hình xâm nhập mặn sẽ xảy ra sớm hơn, sâu hơn và nghiêm trọng hơn năm 2015-2016. Theo đó, vào tháng 1, 2 và đến giữa tháng 3/2020, ranh mặn 4g/l sẽ xâm nhập sâu vào đất liền 55-110km, cao hơn từ 3-7km so với năm hạn mặn lịch sử.
Tình trạng xâm nhập mặn như vậy gây rủi ro rất lớn cho vụ đông xuân tại khu vực cách biển 50-60km. Xâm nhập mặn sẽ tác động đến 10/13 tỉnh của ĐBSCL, gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau và Kiên Giang. Theo dự báo, mùa khô năm nay có khoảng 136.000ha diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, hơn 120.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau Hội nghị này, yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát lại diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng, rà soát việc thiếu nước ngọt sinh hoạt trong nhân dân. Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ thành lập Ban Chỉ đạo, do Thứ trưởng làm Trưởng ban, thường xuyên đi vào từng tỉnh để chỉ đạo, kết hợp, kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các vị lãnh đạo chủ trì Hội nghị |
Tại Hội nghị, ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) báo cáo tình hình thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô 2019-2020, đồng thời đưa ra một số nhiệm vụ trong công tác chỉ đạo và giải pháp ứng phó.
Theo đó, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn, ban hành kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo tới các cơ quan chức năng phục vụ chỉ đạo điều hành.
Trên cơ sở các thông tin, số liệu và nhận định về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 ở ĐBSCL có khả năng xảy ra nghiêm trọng, vì vậy, ngành TN&MT đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để ứng phó. Trong đó, cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường nhận định, dự báo tình hình xâm nhập mặn… để các địa phương chủ động chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Cũng tại Hội nghị, đại biểu các Bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương khu vực ĐBSCL cũng đã báo cáo, chia sẻ về những giải pháp ứng phó, chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.
Toàn cảnh Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ NN&PTNT cùng các Bộ, ngành đặc biệt là các địa phương trong việc chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, góp phần ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguy cơ thiếu nước để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ngày càng gia tăng trong thời gian vừa qua và trong thời gian tới là do tình trạng ô nhiễm nước tại các dòng sông, hồ chứa… chưa được kiểm soát chặt chẽ do ảnh hưởng của quá trình xả thải của các cơ sở sản xuất và sinh hoạt không qua xử lý. Việc sử dụng nước lãng phí, thiếu các công trình tích trữ nước còn đang rất phổ biến. Đặc biệt do tác động của BĐKH, thời tiết cực đoan, khó dự báo… gây ra khô hạn, cùng với tác động của nước biển dâng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, theo dự báo, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sớm hơn, ở mức sâu hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, trong một số thời điểm mặn trên các sông tương đương mùa khô năm 2015-2016. Do đó, trước hết, phải tập trung chăm lo, bảo đảm cho đời sống của người dân với phương châm là không được để người dân bị thiếu nước sinh hoạt và không để bùng phát dịch bệnh do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.
Qua đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương phải chủ động xây dựng phương án bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, có các biện pháp tích trữ nước cho sinh hoạt, chủ động có các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa phương để duy trì sản xuất, giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sản xuất, cuộc sống của người dân, nhất là bảo đảm nước sinh hoạt.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu tham quan mô hình túi chứa nước chống hạn mặn |
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ TN&MT tăng cường công tác dự báo, cung cấp các bản tin có liên quan cho các cơ quan và các địa phương để chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Đồng thời, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các nước thượng nguồn sông Mê Công để thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ dự báo xâm nhập mặn; đề xuất tăng cường xả nước từ các hồ chứa thủy điện để đẩy mặn cho ĐBSCL trong trường hợp cần thiết.
“Trước mắt, tôi yêu cầu Bộ NN&PTNT phân công lãnh đạo Bộ, tăng cường phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo, đồng thời kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các biện pháp phòng chống hạn hán, nhiễm mặn”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT và các địa phương vùng ĐBSCL cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung chuyển đổi sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.