Cần giám sát chặt việc chạy thử nghiệm Nhà máy FDI đầu tiên của tỉnh Điện Biên

Môi trường - Ngày đăng : 11:59, 03/01/2020

(TN&MT) - Mới đây, Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp - Điện Biên (Công ty Hồng Diệp) tiếp tục cho chạy thử nghiệm Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Hẹ Mương, huyện Điện Biên. Việc chạy thử này đang được dư luận trong tỉnh đặc biệt chú ý bởi Nhà máy đã từng gây sự cố môi trường trước đó.

Dự án nhà máy chế biến tinh bột sắn tiếp tục chạy thửu nghiệm từ ngày 12/12/2019.

Dự án đầu tư Nhà máy Chế biến tinh bột sắn được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 189/QĐ-UBND ngày 15/3/2017. Dự án có tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng, công suất hoạt động 80 tấn sản phẩm tinh bột sắn/ngày. Diện tích mặt đất sử dụng 20.000m2 tại xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên. Dự án do các nhà đầu Trung Quốc góp 90% tổng vốn đầu tư.

Đây là dự án thu hút đầu tư FDI đầu tiên trên địa bàn tỉnh Điện Biên được đưa vào triển khai nên được đương nhiên được ưu đãi "trải thảm đỏ". Tuy nhiên, vào rạng sáng ngày 15/1/2018, Công ty này đã để xảy ra sự cố môi trường do bể chứa nước thải bị vỡ khiến toàn bộ nước thải chưa qua xử lý trong ao tràn toàn bộ ra suối Nậm Núa, gây ô nhiễm nghiêm trọng, cá chết trắng hàng loạt.

Ngay sau khi nhận phản ánh của người dân, trong sáng 15/1, Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Điện Biên, Chi cục Bảo vệ môi trường đã phối hợp với UBND huyện Điện Biên, các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND xã Hẹ Muông, xã Núa Ngam tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước suối xét nghiệm và đình chỉ tạm thời hoạt động của nhà máy.

Kiểm tra máy móc trước trong quá trình chạy thử nghiệm.

Sau khi thống nhất mức độ xử phạt, ngày 12/6/2018, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định 492, xử phạt Công ty Hồng Diệp 370 triệu đồng vì 2 lỗi vi phạm. Với vi phạm vận hành thử Nhà máy sản xuất chế biến tinh bột sắn nhưng chưa hoàn thiện khu vực xử lý nước thải theo quy định, làm xảy ra sự cố vỡ ao chứa nước thải tạm thời chưa qua xử lý gây hiện tượng cá chết hàng loạt trên suối Nậm Núa, Công ty bị phạt 300 triệu đồng. Lỗi vi phạm đưa hạng mục công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền bị xử phạt 70 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh Điện Biên còn áp dụng hình thức bổ sung đối với Công ty Hồng Diệp là đình chỉ hoạt động cho đến khi dự án đầu tư được thẩm định, phê duyệt và hoàn chỉnh xong toàn bộ hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật và nội dung tại Thông báo số 15/TB-UBND ngày 11/4/2018 của UBND tỉnh Điện Biên.

Đến cuối năm 2018, sau khi khắc phục các sự cố cũng như hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, Công ty Hồng Diệp tiếp tục đề nghị cho vận hành thử nghiệm nhà máy chế biến tinh bột sắn. Tuy nhiên, sau thời gian chạy thử nghiệm, kết quả quan trắc nước thải ra môi trường vẫn chưa đảm bảo nên Công ty này tiếp tục bị yêu cầu dừng hoạt động chế biến để khắc phục, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải.

Hệ thống máy bơm nước rửa củ sắn quay trở lại hệ thống xử lý biogas mới được lắp đặt.

Ông Đinh Quốc Tuấn, quản lý của Công ty Hồng Diệp cho biết: Mùa sắn năm nay, đơn vị đã cho chạy thử nghiệm nhà máy vào ngày 12/12/2019. Cùng với đó, Công ty cũng thông báo với các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên về việc chạy thử nghiệm. Sau 20 ngày chạy thử nghiệm, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên tiến hành kiểm tra, quan trắc độc lập để so sánh kết quả quan trắc. Sau đó 10 ngày, sẽ tiếp tục quan trắc thêm một lần nữa để kiểm tra nước thải thải ra môi trường có đảm bảo hay không.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ðặng Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ðiện Biên cho biết: Trước đây, nước rửa củ sắn chỉ qua bể lắng rồi thải trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Chi cục bảo vệ môi trường, hàm lượng xyanua trong nước rửa củ tương đối cao nên đã yêu cầu Công ty làm một máy bơm để bơm ngược nước rửa củ quay trở lại xử lý trong hệ thống biogas trước khi thải ra môi trường.

Điện Biên cần thận trọng trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động chạy thử nghiệm của nhà máy sắn.

Cũng theo quản lý của Công ty Hồng Diệp thì hệ thống xử lý nước thải đã được Công ty gia cố chắc chắn hơn. Tuy nhiên, trong thời gian chạy thử nghiệm, chưa thể khẳng định được nước thải có đảm bảo hay không, nước thải hiện tại chỉ là tương đối so với khi chính thức sản xuất. Sau khi thực hiện quan trắc, nếu kết quả chưa đảm bảo, đơn vị sẽ dừng hoạt động để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải.

Để đảm bảo sự cố môi trường không tái diễn, cũng như đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến tinh bột sắn, các ngành chức năng tỉnh Điện Biên cần giám sát chặt chẽ quy trình chạy thử nghiệm cũng như quá trình hoạt động của Nhà máy này.

Báo Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ đồng hành trong quá trình giám sát Nhà máy.

Hà Thuận