Điện Biên: Nhiều mỏ đá gây ô nhiễm môi trường

Tiếng dân - Ngày đăng : 20:02, 02/01/2020

(TN&MT) - Trong quá trình hoạt động nổ mìn, khai thác và sản xuất đá làm vật liệu xây dựng, nhiều mỏ đá trên địa bàn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Các mỏ đá gây ô nhiễm môi trường theo phản ánh của người dân xã Na Ư, huyện Điện Biên (Điện Biên)

Nhiều năm qua người dân xã Na Ư, huyện Điện Biên (Điện Biên) bức xúc kiến nghị với chính quyền địa phương và các ngành chức năng huyện Điện Biên, việc Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh và một số đơn vị khai thác đá trên địa bàn xã gây bụi, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân các bản Na Láy, Ka Hâu. Ðặc biệt đối với những diện tích ruộng gần điểm khai thác bị đá rơi làm ảnh hưởng tới sản xuất.

Mới đây, Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nhận được phản ánh của người dân xã Na Ư, huyện Điện Biên (Điện Biên) về tình trạng khai thác đá gây ô nhiễm môi trường của các mỏ đá trên địa bàn xã Na Ư, ngày 25/12/2019, PV Bào Tài nguyên và Môi trường đã đến kiểm chứng những thông tin mà người dân cung cấp.

Bụi đá xả ra môi trường thuộc Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh, xã Na Ư, huyện Điện Biên (Điện Biên).

Tại điểm mỏ khai thác đá thuộc Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh, PV đã gặp được một người đàn ông và được ông này cho biết là Giám đốc mỏ, khi PV giới thiệu và đặt vấn đề làm việc với đơn vị này xung quanh công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, người đàn ông này lập tức đổi giọng và nói “Chưa có ý kiến của lãnh đạo Công ty, tôi không có trách nhiệm cung cấp bất cứ thông tin nào cho nhà báo và yêu cầu các anh không được chụp ảnh”.

Bụi đá phủ kín những cánh rừng khu vực các mỏ đá trên địa bàn xã Na Ư, huyện Điện Biên (Điện Biên)

Không tiếp cận được địa điểm khai thác và chế biến đá của Công ty TNHH Đầu tư Thương Mại và Dịch vụ Hoàng Anh, PV phải lựa chọn một vài vị trí thuận lợi để ghi lại thực trạng bụi đá xả ra môi trường từ mỏ đá này. Theo quan sát nhanh của PV, toàn bộ cây xanh, mái nhà ở của công nhân mỏ đều bị phủ kín một mầu trắng của bụi đá, hầu hết các phòng đều phải đóng cửa kín do bụi đá "bủa vây". Cách mỏ đá khoảng 300m dễ dàng nhận thấy, bụi đá đã phủ trắng nhiều diện tích cây rừng quanh khu vực mỏ. Lượng bụi đá mà mỏ đá này xả ra môi trường xung quanh tại thời điểm PV có mặt, đủ kiểm chứng những phản ánh của người dân xã Na Ư là đúng sự thật.

Được biết, năm 2018 UBND tỉnh Điện Biên đã có Văn bản số 318/UBND-TH chỉ đạo và giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra hiện trạng khu vực mỏ khai thác, chế biến đá của Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh và một số điểm mỏ khác trên địa bàn xã Na Ư, huyện Điện Biên. Theo kết luận kiểm tra thì các đơn vị trên đã thực hiện nghiêm các thủ tục về môi trường, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết và dự án cải tạo, phục hồi môi trường được UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định.

 

Các đơn vị khai thác mỏ đã thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ gửi cơ quan chức năng, thực hiện đúng chương trình quan trắc, giám sát môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt. Tại thời điểm kiểm tra, dây chuyền sản xuất đá tại các khu mỏ đang hoạt động có áp dụng các biện pháp phun dập bụi. Các thông số về không khí ngoài khu khai thác đều đạt QCVN 05:2013/BTNMT - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.

Theo quy định, một trong những điều kiện, thủ tục bắt buộc để các doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép hoạt động khai thác đá là lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và phải có biện pháp xử lý ô nhiễm khói bụi. Thế nhưng, sau khi đi vào hoạt động khai thác đá, doanh nghiệp có thực hiện như đã cam kết hay không lại là chuyện khác. Trong khi đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì cho biết việc xác định doanh nghiệp khai thác, chế biến đá gây ô nhiễm môi trường… rất khó khăn!

Ông Ðặng Văn Tuấn, Phó trưởng phòng phụ trách, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ðiện Biên cho biết: Mặc dù có thông tin từ phía người dân, cử tri phản ánh về việc doanh nghiệp khai thác đá gây ô nhiễm môi trường, nhưng rất khó xác định có ô nhiễm hay không? Có thể tại thời điểm người dân phản ánh thực sự có ô nhiễm nhưng khi cơ quan chức năng thành lập đoàn vào kiểm tra thì doanh nghiệp thực hiện rất nghiêm túc các quy định về việc bảo vệ môi trường. Trong khi, để kết luận được doanh nghiệp có gây ô nhiễm môi trường hay không thì cần phải lấy mẫu (đất, nước, không khí…) kiểm nghiệm tại thời điểm đó và phải có kết luận của cơ quan chuyên môn!

Khi chính quyền địa phương và các ngành chức năng còn gặp nhiều khó khăn, do không thể thường xuyên tổ chức được các đợt kiểm tra quan chắc môi trường để bắt “Quả tang” các doanh nghiệp có chấp hành cam kết bảo vệ môi trường hay không, thì người dân vẫn tiếp tục phải hứng chịu những độc hại do vấn nạn ô nhiễm khói bụi từ các mỏ đá xả ra môi trường. Các cấp, ngành chức năng tỉnh Điện Biên cần có giải pháp hữu hiệu, mà trước hết nên chăng cần thay đổi cách thức thành lập đoàn kiểm tra rầm rộ để các doanh nghiệp có cơ hội “xử lý” trước sai phạm mỗi khi có đoàn kiểm tra.

Trần Sơn - Hoàng Châu