Thừa Thiên - Huế: Kiên trì phòng chống ô nhiễm môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 15:06, 02/01/2020

(TN&MT) - Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để hạn chế những hậu quả khôn lường của rác thải đối với môi trường. Những việc làm của Huế gần đây mang lại hiệu ứng tích cực, lan rộng trên toàn quốc, trở thành điểm sáng để nhiều địa phương học hỏi . Chưa bao giờ người dân Huế lại đồng lòng và hưởng ứng mạnh mẽ như vậy trong một phong trào do chính quyền phát động. Đó là phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - sáng”.

Phong trào từng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư chúc mừng, Bộ TN&MT biểu dương về tinh thần hành động vì môi trường của người dân Cố đô. Để phong trào bền vững, hiệu quả cao hơn nữa, Thừa Thiên - Huế cần có những hướng đi đúng đắn. PV Báo Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhân dịp Xuân Canh Tý.

PV: Xin ông cho biết cách đi riêng của Huế trong công tác bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa hiện nay?

Ông Phan Ngọc Thọ:

Trước thực trạng ô nhiễm rác thải sinh hoạt đặc biệt là rác thải nhựa, Thừa Thiên - Huế đã phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - sáng” vào đầu năm 2019. Phong trào đã được nhiều nơi trong tỉnh khơi dậy mạnh mẽ, rộng rãi. Thông qua phong trào, nhiều mô hình hay được thực hiện, nhiều tấm gương tốt, điển hình tiên tiến được đánh giá cao.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ với PV

“Ngày Chủ nhật xanh” tại Huế không đơn thuần là một ngày bình thường mà đã và đang là một biểu tượng. Qua đây, tất cả các phường xã, các đơn vị cơ sở đều xây dựng kế hoạch ra quân nhiều việc làm cụ thể như xử lý các điểm đen về ô nhiễm, vớt bèo khơi thông dòng chảy, phát quang bụi rậm, vệ sinh bờ biển, bóc tách quảng cáo rao vặt sai quy định, lập lại trật tự vỉa hè, lề đường, tổ chức trồng cây xanh... Cứ cuối tuần, từ huyện A Lưới miền núi xa xôi đến những huyện vùng biển như Phú Lộc, người dân tất cả các lứa tuổi đều tham gia phong trào một cách tích cực.

Nhiều chương trình, cuộc vận động đã lan tỏa ở các địa phương, trong đó có phong trào “tổ dân phố không rác”, “thôn làng không rác”, “xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp”, “tuyến đường không túi ni lông, không rác thải”, “công sở văn minh, sạch đẹp”, “chúng ta hãy làm sạch biển”... Tất cả đã hòa quyện trong một nhận thức chung, tiếng nói chung của người dân Huế là bảo vệ môi trường. Gần đây, tỉnh cũng đã tổ chức các cuộc thi viết hay sáng tác ca khúc về phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”. Qua các phong trào lớn nhỏ đã gióng lên hồi chuông cho chúng ta hãy hành động, hãy kiên quyết với khẩu hiệu “Nhặt một cọng rác, bạn đã làm cho Huế sạch hơn”, với quan điểm “Khi bạn nhặt một cọng rác, sẽ có thêm người nhặt rác và sẽ bớt một người xả rác...”.

PV: Theo ông, phải làm cách nào để phong trào được duy trì lâu dài, trở thành nếp sống, nếp sinh hoạt và văn hóa chung của người dân Huế và cả hệ thống chính trị?

Ông Phan Ngọc Thọ:

Thật tình mà nói, khi khởi động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” thì mọi người cứ lo lắng phong trào sẽ chìm chăng, bởi các phong trào phần lớn đều “đánh trống bỏ dùi” hay “đầu voi đuôi chuột”. Thế nhưng qua thời gian triển khai, với quyết tâm cao của người dân và lãnh đạo, sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân Huế trong trách nhiệm với môi trường được nâng cao. Chúng tôi xác định đây là một phong trào lâu dài...

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đang lan tỏa mạnh mẽ tại Thừa Thiên - Huế

Để làm được điều đó, chúng tôi rút ra được nhiều điều. Trước hết là lãnh đạo các cấp, phải tiên phong, gương mẫu. Bởi sự gương mẫu đi đầu của người lãnh đạo sẽ quyết định cho thành công của phong trào. Vai trò làm gương của người đứng đầu không phải làm thay cho người dân, mà đó phải là tấm gương tốt để nhân dân học và làm theo. Tôi nghĩ đây là điều hết sức quan trọng. Thứ hai, phong trào phải được tổ chức, phát động một cách rộng rãi từ người già cho đến trẻ em, từ miền núi đến miền xuôi, từ trường học đến bệnh viện và các cơ sở kinh doanh. Tất cả hãy cùng đồng thuận trong một không khí chung. Có như thế, ai ai cũng vào cuộc và chúng tôi trân trọng những sáng kiến dù là nhỏ nhất. Thứ ba, chính quyền các cấp phải ra tay. Các công ty môi trường phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu như đặt thêm thùng rác, tăng cường cán bộ thu gom vận chuyển rác... để người dân thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tăng cường chế tài xử phạt, từ vận động đến giáo dục người dân trong sự mạnh mẽ, nghiêm túc. Thứ tư, là khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường...

PV: Như ông đã chia sẻ, để phong trào thành công và bền vững thì phải có chế tài. Vậy chế tài đó là như thế nào?

Ông Phan Ngọc Thọ:

Chúng tôi đã ban hành một loạt chế tài liên quan đến xả rác, gây ô nhiễm môi trường theo các nghị định liên quan đến xử lý hành chính với mức phạt cao nhất. Những hành vi như rải vàng mã không đúng nơi, dán quảng cáo không đúng chỗ... đều được chúng tôi coi như là xả rác thải và sẽ bị xử phạt.

 

Mặt khác, hiện tại Thừa Thiên - Huế đã xây dựng đô thị thông minh và có ứng dụng rất tốt cho người dân tham gia là “Phản ánh hiện trường”. Tất cả các vấn đề liên quan đến hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ được camera cố định ghi lại, chuyển về Trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh, sau đó chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý vi phạm. Cũng rất mừng là qua một thời gian triển khai, rất nhiều phản ánh của người dân liên quan đến vi phạm môi trường đã được xử lý nghiêm túc, đem lại lòng tin cho dân và quan trọng là tạo được ý thức cho người dân trong quá trình tham gia bảo vệ môi trường. Có chế tài cũng phải có khen thưởng, chúng tôi cũng biểu dương các tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo...

Có thể nói, chưa bao giờ người dân Huế lại đồng lòng và hưởng ứng với chính quyền mạnh mẽ như vậy trong một phong trào do chính quyền phát động. Lý do là bởi chính ngay người dân Huế cũng đang muốn cần một “cú hích” để thay đổi.Thừa Thiên Huế cũng rất vui mừng khi được Thủ tướng gửi thư khen, động viên sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh trong phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”. Đây là điều hết sức quý báu cho Thừa Thiên Huế ngày càng quyết tâm tiếp tục triển khai có chiều sâu, lan tỏa thêm nữa không chỉ trên địa bàn mà còn trên phạm vi quốc gia, để hướng đến đô thị“Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

 

Thời gian tới, quan điểm của Thừa Thiên Huế là quyết liệt, đồng bộ và kiên trì. Tất cả người dân Huế đang cùng hành động để hun đúc khát vọng Huế, để Huế mãi là nguồn cảm hứng, niềm tự hào của tôi, của bạn và của mỗi người dù chưa một lần đến Huế...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Văn Dinh