Bãi cọc Cao Quỳ: Xuất hiện nhận định mới về chiến thắng Bạch Đằng 1288 rất thuyết phục 

Văn hóa - Ngày đăng : 18:47, 01/01/2020

(TN&MT) - Việc phát hiện bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ (thôn Điệu Tú, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) mới đây đã khiến các nhà khoa học đặt ra nhiều nhận định mới về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Dù đã xác định niên đại, tuy nhiên vai trò của những bãi cọc Cao Quỳ vẫn đang là câu hỏi của các nhà chuyên môn.

Đồi gỗ Lim tại núi Đồn làng Thụ Khê.

Phát hiện mới - giả thuyết mới

Từ khi phát lộ bãi cọc đồng Cao Quỳ xã Liên Khê, các nhà khoa học, các nhà sử học, các nhà quản lý đã tiến hành khai quật và tổ chức hội thảo. Và cũng từ đây, chúng ta đã thấy hé mở ra nhiều điều còn chưa biết về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Bản đồ thực địa chứng minh cho giả thiết của ông Hiển.

GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, bãi cọc gỗ Cao Quỳ là một phát hiện cực kỳ quan trọng giúp chúng ta có thêm những nhận thức mới về chiến thắng Bạch Đằng năm 1.288 của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông. Từ đó sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới trên phương diện khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Với phát hiện mới này giới nghiên cứu sẽ phải sắp xếp, hình dung, nhận thức lại nhiều vấn đề về trận Bạch Đằng lịch sử. Từ trước có nhiều ý kiến về việc xác định trận Bạch Đằng ở Quảng Ninh hay Hải Phòng. Bây giờ có thể khẳng định, trận Bạch Đằng chủ yếu dựa vào địa thế dân hai bên bờ sông, hai địa phương đều có đóng góp. Xét về cấu trúc địa chất, việc ém quân bên Thủy Nguyên phù hợp hơn vì ở đây có núi non phù hợp với phục binh, bên Quảng Yên thì trống trải. Có khả năng lớn đây là nơi quân ta dụ địch vào để đánh.

Bảng công nhận di tích đền Thụ Khê – chùa Thiểm Khê – chùa Mai Động tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

“Trước đây chúng ta dựa vào sách và các mô tả rất trừu tượng, các nhà khoa học phải tưởng tượng ra với một điểm “neo” là bãi cọc được phát hiện ở Quảng Yên (Quảng Ninh), và các nghiên cứu đều xoay quanh bãi cọc đó. Qua bãi cọc ở Quảng Yên đã cho thấy ông cha ta không đóng cọc gỗ ở lòng sông Bạch Đằng mà đóng ở các lạch triều, dồn đội hình địch lại, sau đó dùng kế “hỏa công” tiêu diệt các thuyền địch. Việc phát hiện bãi cọc ở Cao Quỳ cho thấy trận địa này nằm rất gần cửa Bạch Đằng, có một lạch triều chạy qua đây. Rất có thể đây là một bãi cọc còn lớn hơn bãi cọc tìm thấy ở Quảng Yên. Vì thế có lẽ chưa thể khẳng định trận đánh chính nằm ở bãi cọc Quảng Yên hay Cao Quỳ” - GS.TSKH Vũ Minh Giang nói.

Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương tại Chùa Lễ Sơn.

Theo TS Nguyễn Gia Đối - Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, sử học còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về cuộc chiến chống quân Nguyên của nhà Trần, nhưng sự hiện diện của bãi cọc Cao Quỳ cùng kết quả giám định niên đại phóng xạ tuyệt đối khiến Viện tin tưởng bãi cọc liên quan chặt chẽ đến trận thắng quân Nguyên Mông lần 3 năm 1288. Bãi cọc này nhằm ngăn chặn quân Nguyên Mông đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, buộc quân Nguyên Mông đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn, nhấn chìm quân Nguyên Mông xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt sự xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông với quốc gia Đại Việt.

Nhận định mới rất thuyết phục

Được biết, sau khi bãi cọc Cao Quỳ được phát hiện, rất nhiều người dân xung quanh khu vực xã Liên Khê, thậm chí có người từ TP Hồ Chí Minh đến tận nơi để chứng kiến chiến tích được cho là thuộc trận đánh Bạch Đằng lịch sử này. Các cụ cao niên, những người am hiểu về địa hình sông Giá, hay Liên Khê nơi có ba di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, đó là Đền Thụ Khê, chùa Mai Động và chùa Thiểm Khê đều đưa ra những nhận định của riêng mình.

Giếng nước cổ tại xã Liên Khê.

Ông Nguyễn Văn Hiển – Nguyên Trưởng làng Thụ Khê đã đưa ra một số suy luận của mình về bãi cọc Bạch Đằng ở đồng Cao Quỳ và một số sự kiện có liên quan đến trận Bạch Đằng năm 1288.

Đầu tiên ông Hiển không đồng tình với ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng bãi cọc ở đồng Cao Quỳ là bãi cọc lộ thiên với mục đích ngăn chặn không cho thuyền địch đi vào sông Giá. Theo ông Hiển, bãi cọc Bạch Đằng ở đồng Cao Quỳ xã Liên Khê không phải là bãi cọc lộ thiên ngăn chặn địch không vào sông Giá mà đó phải là một bãi cọc ngầm, một bãi cọc chính có tầm quan trọng đặc biệt nằm trong kế hoạch tác chiến của trận Trúc Động được Trần Hưng Đạo bố trí với mục đích quyết chiến với đoàn thuyền của Ô Mã Nhi ngay từ khi chúng rút quân tới vùng đất tổng Trúc Động.

Những tấm Bia cổ tại Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương.

Ông Hiển nhận định, vào năm 1288 từ cánh đồng Cao Quỳ bây giờ chỉ có 2 luồng lạch duy nhất chảy vào sông Giá. Luồng thứ nhất giáp lang Điệu Tú chảy xuống sông Hạ Thần ra sông Móc vào sông Giá, luồng lạch này nước sâu nhưng rất hẹp lại dài và có nhiều núi đá nên thuyền bè số lượng lớn không thể đi theo lối này được.

Luồng thứ hai là từ bãi cọc đi về phía Nam vào bến Giể chảy vào sông Giá, luồng này ngắn chỉ cách bãi cọc khoảng 2000m xong có một điều hết sức bất lợi đó là đoạn bến Giể chảy qua sông Giá rất hẹp, rộng chỉ khoảng 50m bởi vì có 2 dãy núi lớn là núi Đồn và núi chùa Hang án ngữ 2 bên, do vậy đoàn thuyền địch không thể đi lối này được, vậy nên cả 2 luồng ra sông Giá chắc chắn rằng giặc Nguyên không tính rút theo lối này.

Bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ.

Đặt giả thiết giặc Nguyên rút theo lối này thì bãi cọc Bạch Đằng cũng không thể nằm ở vị trí đồng Cao Quỳ mà nó phải nằm cách bãi cọc hiện nay khoảng 500m về phía sông Hạ Thần cách 2000m về bến Giể, vì khu vực đó dòng chảy hẹp rất thuận lợi cho việc đóng cọc ngăn không chúng vào sông Giá.

Các nhà nghiên cứu cho rằng bãi cọc ở đồng Cao Quỳ là bãi cọc lộ thiên ngăn thuyền địch nên cọc to hơn và dài hơn so với cọc tìm thấy ở Quảng Yên. Tôi cho rằng cách giải thích đó là chưa thỏa đáng, cách giải thích đó chỉ đúng khi chứng minh bãi cọc là lộ thiên. Còn tôi cho rằng bãi cọc ở đồng Cao Quỳ, cọc to hơn và dài hơn là vì Trần Hưng Đạo đã tính toán một cách chi tiết con nước thủy triều của khu vực bãi cọc đồng Cao Quỳ và bãi cọc dưới Quảng Yên, đồng thời dự kiến chính xác thời gian thuyền địch đi tới khu vực bãi cọc. Bới vì khi chúng ta nghiên cứu trận Trúc Động và trận Bạch Đằng do các nhà sử học ghi chép lại, chúng ta dễ dàng nhận thấy điều đó, nghĩa là lúc xảy ra giao tranh tại bãi cọc đồng Cao Quỳ thời gian diễn ra vào khoảng những giờ đầu ngày 9/4/1288 nước mới rút nên vẫn còn cường, nếu cọc nhỏ và ngắn thì thuyền địch sẽ vẫn đi qua nên cọc phải to và dài hơn. Còn dưới Quảng Yên thời gian diễn ra vào lúc mực nước xuống thấp nên cọc phải nhỏ hơn và ngắn hơn phù hợp với độ cao thấp của mực nước. 

Với 2 lí do suy luận trên tôi cho rằng bãi cọc Bạch Đằng ở đồng Cao Quỳ xã Liên Khê không phải là bãi cọc lộ thiên ngăn chặn địch không vào sông Giá mà đó phải là một bãi cọc ngầm, một bãi cọc chính có tầm quan trọng đặc biệt nằm trong kế hoạch tác chiến của trận Trúc Động được Trần Hưng Đạo bố trí với mục đích quyết chiến với đoàn thuyền của Ô Mã Nhi ngay từ khi chúng rút quân tới vùng đất tổng Trúc Động - ông Hiển quả quyết.

Ba lý do khẳng định bãi cọc Cao Quỳ là bãi cọc ngầm?

Tại sao tôi lại cho rằng bãi cọc ở đồng Cao Quỳ là bãi cọc ngầm, là bãi cọc chính đặc biệt quan trọng và là nơi quyết chiến của trận Bạch Đằng, ông Hiển đưa ra với 3 lí do.

Thứ nhất: Qua quan sát vị trí địa hình nơi bố trí bãi cọc, chúng ta hình dung thấy vào năm 1288 sông Đá Bạc lúc đó rất rộng, bờ Bắc là dãy núi hang Son và dãy núi Đầu Trâu, bờ phía Nam chính là dãy núi Đồn và núi Chùa Hang, bãi cọc đồng Cao Quỳ năm chính giữa dòng sông, khu vực đó là một lòng chảo lớn được bao bọc 4 xung quanh là núi đất và núi đá. Thuyền bè từ khu vực thượng nguồn muốn xuống cửa Nam Triệu đều phải đi qua lòng chảo này, chính vì vị trí đắc địa về mặt quân sự đó, Trần Hưng Đạo đã cho đóng cọc ngầm và bố trí quân mai phục từ 4 phía dụ địch vào để tiêu diệt, đồng thời dồn ép số địch còn sống sót đi theo dòng sông Đá Bạc xuống Tràng Kênh Minh Đức để lọt vào trận địa đã được chờ sẵn. Xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt của bãi cọc nên Trần Hưng Đạo đã đích thân về tổng Trúc Động bố trí kỵ binh, dân binh ở chùa Thiểm Khê, quân lương ở chùa Mai Động và lập đại bản doanh ở đồi Thụ Khê nơi cách trận địa sông Giá khoảng 500m và cách bãi cọc đồng Cao Quỳ khoảng 2000m trực tiếp chỉ huy trận Trúc Động.

Thứ hai: Từ xưa tới này các nhà sử học đều thống nhất trận Trúc Động diễn ra vào ngày 8/4/1288 là trận đánh đêm trước của chiến thắng Bạch đằng, một trận đánh có tầm quan trọng đặc biệt vì nếu để giặc Nguyên rút theo đường sông Giá ra biển thì sẽ không có chiến thắng Bạch Đằng, bới vậy có thể khắng định rằng trận Trúc Động là trận then chốt. Vậy nên bãi cọc Bạch Đằng ở đồng Cao Quỳ cũng chính là nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất của trận Trúc Động (vì khi ấy đoạn sông Giá và sông Đá Bạc, nơi xảy ra giao tranh đều nằm trong quản lý của tổng Trúc Động).

Thứ ba: Theo các tài liệu hiện vật còn lưu trữ, khi thắng trận Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đã về thăm và lưu tặng nhân dân tổng Trúc Động “Thanh kiếm” và “Lá cờ” tại đồi Thụ Khê, cảm ơn mảnh đất địa linh đã giúp quân dân nhà Trần làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Vậy nên sau khi ông mất, vua Trần đã ban sắc phong cho nhân dân tổng Trúc Động được lập tối linh từ thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn nay là đền Thụ Khê, lễ hội được tổ chức từ ngày 18 đến 20/8 âm lịch hàng năm.

Sau khi phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, đã có rất nhiều giả định đưa ra về trận chiến Bạch Đằng năm 1.288. Nhiều quan điểm đồng tình việc bãi cọc gắn liền với chiến tích Bạch Đằng nhưng cũng có nhiều các ý kiến thận trọng về bãi cọc trên. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giám định đồng vị phóng xạ cacbon 14 mới chỉ là 1 căn cứ quạn trọng, cần phải cẩn trọng hơn trong kết luận lịch sử.

Nhiều câu hỏi xoay quanh tính căn cứ cho bãi cọc được đưa ra: Cao Quỳ có phải là dòng sông hồi thế kỷ XIII? Cách đóng cây gỗ lớn xuống lòng sông để cản phá thuyền chiến đi biển của giặc Nguyên Mông? Những cọc gỗ vừa phát hiện ở Cao Quỳ chính là cọc gỗ/chiến cụ của quân đội nhà Trần,…đều được đưa ra tranh luận. Tuy nhiên, dù đặt nhiều giả thuyết về bãi cọc này nhưng không nhà khoa học nào phủ nhận việc các bãi cọc Cao Quỳ không liên quan đến trận chiến Bạch Đằng năm 1.288.

Như vậy, nếu bãi cọc Cao Quỳ được khẳng định là chứng tích của chiến thắng Bạch Đằng 1.288 thì một lần nữa khẳng định chiến lược quân sự của nhà Trần đạt đỉnh cao lỗi lạc. Có lẽ lịch sử sẽ được viết lại để làm rạng thêm cho những chiến công ấy.

Ngày 1/10/2019, khi đào đất trồng cau thuộc cánh đồng Cao Quỳ, anh Nguyễn Văn Triệu đã phát hiện hai cây gỗ dài hơn 3m, đường kính hơn 30cm. Đến ngày 7/10, một số người dân xung quanh khi đào huyệt ở nghĩa trang khu vựsc Mả Dài tiếp tục phát hiện một số cọc gỗ khác. Sau đó, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng và UBND huyện Thủy Nguyên tiến hành khai quật 3 hố tại cánh đồng Cao Quỳ, phát hiện 27 chiếc cọc. Sau hơn 2 tháng khai quật và giám định, kết quả xác định niên đại tuyệt đối C14 (kết quả giám định đồng vị phóng xạ cacbon 14), cho thấy các cọc gỗ này có tuổi đời từ năm 1.270 - 1.430 sau Công nguyên.

Dựa trên kết quả khảo sát khảo cổ học kết hợp với các tài liệu lịch sử, văn hóa dân gian… còn lưu giữ tại địa phương, bước đầu các nhà khoa học nhận định di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể liên quan đến chiến trường Bạch Đằng năm 1.288.

Phạm Duy