Thừa Thiên Huế: Nhà máy nước sạch bốc mùi, triển khai dự án chưa được cấp phép

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 13:37, 01/01/2020

(TN&MT) - Một nhà máy nước sạch tại Thừa Thiên Huế bị người dân “tố” có mùi hôi gây ô nhiễm khi nước chảy ra bên ngoài khuôn viên. Không những thế, ở khu vực nhà máy còn tồn tại một dự án chưa được cấp phép cho doanh nghiệp nhưng đã hoạt động.

Nhà máy thải nước bẩn gây ô nhiễm?

Nhà máy nước sạch Lộc An (đóng tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) được thành lập từ năm 2012. Nhà máy thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (Huewaco, thời điểm khánh thành nhà máy là Công ty TNHH Nhà nước MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế), với công suất thiết kế 8.000 m3/ngày đêm. Nhiều năm qua, nhà máy đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của bà con vùng nông thôn.

Nhà máy nước sạch Lộc An

Tuy nhiên, thời gian gần đây, PV nhận được nhiều phản ánh người dân thôn Nam Phước (xã Lộc An) về việc mùi hôi của mương nước chảy ra khu dân cư từ bên trong khuôn viên nhà máy... nên đã cùng một số đồng nghiệp về hiện trường để tìm hiểu thực hư.

Dẫn nhóm PV ra mương nước gần cạnh nhà để thực tế, bà Đoàn Thị M. (SN 1956, trú ở thôn Nam Phước) cho hay, khoảng thời gian từ 22h đêm đến sáng, nhà máy này thường xả nước khối lượng lớn, nghe như tiếng nước lũ, chảy thẳng ra sông Truồi cạnh đó.

“Mùi nước xả từ con mương này rất hôi như mùi xác động vật chết. Gia đình tôi đã phải sống trong cảnh khổ sở bởi mùi hôi này nhiều tháng nay. Khi có gió thì buồn nôn, ăn cơm cũng khó, không ai dám đến nhà chơi. Chúng tôi cũng sợ bệnh tật...”, bà M. chia sẻ.

Rảnh nước sẫm màu phía sau nhà máy nước sạch

Quan sát của PV, con mương rộng khoảng nửa mét, cây dại bao phủ hai bên bờ, có nhiều đoạn bị sạt lở lấn sang đất vườn của bà M. Đi men theo mương nước, chúng tôi tiến vào khu vực gần Nhà máy nước sạch Lộc An. Tại đây là một bể lắng dấu hiệu mới thi công và gần đó có nhiều công nhân đang làm việc. Thời điểm lúc có mặt, chúng tôi thấy dù nhà máy không tiến hành xả nước nhưng khu vực này vẫn có mùi hôi.

Trong khuôn viên đất của nhà máy xuất hiện gần 10 nhà màng với một quy mô lớn chiếm đa số diện tích. Phía sau hệ thống nhà màng này là một rãnh thoát nước sẫm màu. Lượng nước từ rãnh này chảy theo mương nước cạnh nhà bà M. và ra sông Truồi.

Ông Đường Minh Tám - Trưởng thôn Nam Phước thông tin, phía thôn có nhận được phản ánh của người dân về tình trạng trên nên đã báo cáo với UBND xã để có ý kiến đề nghị nhà máy kiểm tra, xử lý, tránh việc xả thải ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân...

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế cho biết, mương nước này là đường dẫn nước thải sau khi tiến hành xả nước lọc bể của nhà máy hàng ngày. “Có thể trong quá trình lọc bể khiến bùn lắng bị khuấy lên hòa vào nước nên có mùi”, ông Tuấn lý giải.

Bà M. bức xúc vì cho rằng nước chảy ra mương gây mùi hôi cho gia đình bà

Phát hiện dự án sai phép

Tìm hiểu mới được biết rằng, những nhà màng đề cập ở trên là dự án vườn dưa lưới của Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế với diện tích gần 20.000 m2. Đây là một mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn không chỉ ở Huế mà cả khu vực miền Trung.

Người dân cho rằng dự án vườn dưa lưới “khủng” này đã được triển khai từ cuối năm 2018. Đến thời điểm hiện tại, vườn dưa đã cho thu hoạch 1 mùa và các công nhân đang tiến hành trồng mùa vụ thứ 2 tại các nhà đã thu hoạch, cũng như mở rộng ươm, trồng thêm nhà màng.

Qua tìm hiểu của PV, văn bản “Thống nhất chủ trương thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp sạch” cho doanh nghiệp của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ mới được ký vào cuối tháng 9/2019 vừa rồi. Văn bản này nhấn mạnh “Trong thời gian chưa thực hiện dự án, Công ty triển khai thực hiện dự án nông nghiệp sạch theo các quy định pháp luật”.

Hệ thống nhà màng được công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế xây dựng

Như vậy, dù chưa được sự phê duyệt của UBND tỉnh về dự án, chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan nhưng công ty này đã “cầm đèn chạy trước ô tô”, ngang nhiên triển khai và thu lợi từ dự án.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế thừa nhận với nhóm PV, dự án hiện đang vướng phải đất quy hoạch, từ đất chuyển đổi quy hoạch cấp nước chưa sử dụng sang đất nông nghiệp. Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản thống nhất chủ trương thực hiện dự án, công ty cũng đang làm việc với các cơ quan ban ngành để hoàn thiện các thủ liên quan nhưng chưa được vì quá phức tạp.

“Chúng tôi cam kết nếu như sau này có nhu cầu triển khai, phát triển các dự án cung cấp nước sạch, đất này sẽ đảm bảo ưu tiên cho cấp nước. Toàn bộ dự án nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp sạch sẽ được di dời mà không phải đền bù”, lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế cho hay.

Liên quan đến các sự việc trên, ông Hồ Đắc Trường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, Sở sẽ chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, Thanh tra Sở cử người về kiểm tra việc xả nước của nhà máy.

“Dù tỉnh đã thống nhất chủ trương nhưng đất tại khu vực xung quanh nhà máy nước sạch Lộc An là đất do Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế thuê để làm phần đất dự trữ cho mục đích mở rộng nhà máy tầm nhìn đến 2030. Hiện tại, 20.000m2 đất ở đây chưa được cấp phép để phục vụ mục đích sản xuất nông nghiệp, việc dựng nên dự án trồng cây công nghệ cao là hoàn toàn sai”, ông Trường nói.

Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Văn Dinh