TP Thái Nguyên: Người dân lo lắng dòng suối đổi màu gây ô nhiễm

Môi trường - Ngày đăng : 13:33, 01/01/2020

(TN&MT) - Nhiều năm nay, bà con nhân dân phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên phải sống cạnh dòng suối “hóa chất” bẩn thỉu, độc hại. Cử tri nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết.

Người dân lo lắng dòng suối nước thải chuyển màu vàng gây ô nhiễm ở phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên.

Dòng suối chảy qua địa phận tổ 5, tổ 12 phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên(TPTN) thường xuyên đổi màu và bốc mùi khó chịu.  Người dân vô cùng lo lắng sợ bị nhiễm độc không khí, đất, nước sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Người già, trẻ nhỏ thường bị ho kéo dài, ngứa lở khi tiếp xúc với nước suối. Người dân thường gọi là suối “hóa chất” và cho biết cứ sử dụng nước suối này tưới rau thì rau bị héo, chết. Mùa đông, suối vẫn có nước và lượng bùn mịn, sệt khá dày. Trên mặt suối có bọt màu hung đỏ kết mảng. Váng vàng hung đóng cặn ven bờ và lòng suối. Đi gần mặt nước thấy bốc mùi hăng hắc, thum thủm.

Lần tìm nguồn gốc phát thải và hiện tượng đổi màu nước của dòng suối, ông Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Tân Lập cho biết: Nước suối đó là hợp lưu của nhiều mương, rãnh thoát nước thải các khu dân cư đổ về. Nước thải đều chảy chìm dưới cống rãnh bê tông nên khó xác định được nguồn thải chính ở đâu ra. Phường đã cử cán bộ xuống tổ dân phố kiểm tra về báo cáo là mần rạc chết đỏ nên để lại một lớp như rêu màu trên mặt nước.

 

Nước suổi nổi bọt và kết váng vàng bốc mùi hăng hắc.

Khác với lời của ông chủ tịch UBND phường Tân Lập và kết quả kiểm tra của cán bộ phường, người dân ở tổ 5, tổ 12 lại cho rằng hiện tượng đổi màu đó là do nước suối nhiễm hóa chất rất nặng. Ông Trần Toản ở tổ 5, phường Tân Lập là cử tri tích cực phản ánh vấn đề này đã cho biết: Nước suối ô nhiễm là nghi do có chứa “Asen”? Không khí thỉnh thoảng có mùi ngai ngái, thum thủm bốc ra từ xưởng thực nghiệm luyện thiếc gần đây. Người già, trẻ nhỏ rất khó thở. Chúng tôi rất lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe. Vấn đề này, cử tri phản ánh nhiều lần nhưng không thấy cơ quan nào vào cuộc làm giảm thiểu ô nhiễm.

Bùn thải của Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên tràn ra cống rãnh thoát nước thải sinh hoạt.

Theo lời ông Toản, chúng tôi lần tìm nguồn phát thải gây ô nhiễm ở khu vực tổ 12, phường Tân Lập. Thực tế, trong cụm công nghiệp số 2 Tân Lập có nhiều công ty hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp rất phong phú đều kín cổng cao tường, bảo vệ nghiêm ngặt. Khả nghi lượng bùn màu xám có trong cống rãnh thoát nước thải là của Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên.

Tiếp cận hệ thống sản xuất bê tông thì thấy bể thu nước mặt xưởng sản xuất của đơn vị này đặc bùn. Bụi, bùn tràn ra cống rãnh thoát nước sinh hoạt. Tuy nhiên chưa thấy có mày vàng như dòng suối nước thải. Tiếp tục lần tìm đến Công ty TNHH MTV Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên thì thấy có nhiều dấu vết hóa chất trên sân khu nhà xưởng thực nghiệm tinh luyện thiếc, các bể chứa, bể lắng chất thải có màu nước, váng vàng giống với màu nước suối.

Hệ thống bể lắng, lọc nước thải của Công ty TNHH MTV Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên có kết đọng nhiều bọt vàng giống màu nước thải dòng suối chảy qua tổ 12, tổ 5 phường Tân Lập.

Quan sát thấy, nước trong hệ thống cống rãnh ngầm thoát nước thải chảy qua công ty này có nhiều váng vàng đóng cặn. Nước vẫn róc rách chảy trong cống.

Cửa cống thoát nước thải sinh hoạt chảy qua Công ty TNHH MTV Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên có kết đọng nhiều váng vàng giống màu nước thải dòng suối chảy qua tổ 12, tổ 5 phường Tân Lập.

Ông Phạm Xuân Hùng, Trưởng phòng Tổng hợp Công ty TNHH MTV Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên cho biết: Đơn vị có sử dụng axít mạnh để tẩy, tách sắt ra khỏi thiếc. Nước vàng là do quá trình rửa quặng, bùn đất theo nước chảy ra cống rãnh thu nước mặt của công ty. Khả năng do mưa lớn nên nước mang theo bùn đất tràn xuống đường cống rãnh thoát nước thải sinh hoạt. Công ty đã đầu tư xây dựng công trình hệ thống xử lý nước thải công nghiệp lên tới 26 tỷ đồng rất hiện đại, đảm bảo không để nước thải ra môi trường gây ô nhiễm.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên cần sớm vào cuộc tìm rõ nguyên nhân nước suối đổi màu và xác định nguồn phát thải, xả thải ra suối gây ô nhiễm ở Tân Lập. Đồng thời có biện pháp giúp đỡ người dân tránh được ô nhiễm môi trường. Được biết, thành phố Thái Nguyên đã có kế hoạch di rời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động trong khu đông dân cư ra vùng ven của thành phố. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được thực hiện do nhiều lý do.

Đức Nam