“Ngày Chủ nhật xanh” nằm trong 10 sự kiện nổi bật tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019

Xã hội - Ngày đăng : 13:04, 01/01/2020

(TN&MT) - Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được tỉnh Thừa Thiên Huế phát động đầu năm 2019 và đã được các tầng lớp tích cực hưởng ứng, nhờ thế ô nhiễm môi trường ở địa phương này ngày càng được giảm thiểu. Đây cũng là một trong 10 sự kiên tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố 10 sự kiện nổi bật của tỉnh này trong năm 2019. Trong năm qua, với sự đoàn kết, đồng thuận, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cùng PV điểm qua những sự kiện này.

Thừa Thiên Huế đang trên đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 cho Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương vào năm 2025

Theo Nghị quyết này, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.

Triển khai thực hiện Đề án di dân ra khỏi Kinh thành Huế

Tỉnh Thừa Thiên Huế lên kế hoạch di dời 4.200 hộ dân khỏi khu vực I di tích để trả lại diện mạo Kinh thành Huế xưa và phát triển du lịch với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng là 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư là 1.362 tỷ đồng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm các hộ gia đình thuộc Đề án di dân ra khỏi Kinh thành Huế

Dự án “lịch sử” này sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (từ 2019-2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân ở các khu vực Thượng thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ; giai đoạn 2 (từ 2022- 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài...

Trong năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang xây dựng khu tái định cư Bắc Hương Sơ cho 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành, qua đó để giao đất cho các hộ xây dựng nhà ở...

Dự án đã và đang được Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành liên quan trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trương ủng hộ, giúp đở để sớm hoàn thành.

Ấn tượng “Ngày Chủ nhật xanh”

Cụm từ “Ngày Chủ nhật xanh” giờ đây đã lan tỏa khắp tỉnh Thừa Thiên Huế, từng bước phát huy và được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen, động viên chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đang lan tỏa mạnh tại Huế

Từ cuối tháng 1/2019, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, qua đó huy động hàng triệu lượt người xuống đường vào mỗi sáng Chủ nhật để thu dọn vệ sinh, nhặt rác, trồng cây xanh bảo đảm môi trường cảnh quan đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn.

Các cuộc thi viết, sáng tác ca khúc... về phong trào “Chủ nhật xanh” cũn được tỉnh Thừa Thiên Huế phát động và được hưởng ứng rất mạnh mẽ.

“Tôi đánh giá rất cao phong trào Ngày Chủ nhật xan htại Huế, phong trào này cực kỳ ý nghĩa, tác động đến tất cả các tầng lớp với mục tiêu vì một môi trường trong lành hơn. Phong trào cần được nhận rộng và duy trì lâu dài hơn nữa, đề nghị tất cả các địa phương trên cả nước học hỏi cách làm này của Thừa Thiên Huế. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cố gắng hỗ trợ, kêu gọi xã hội hóa để duy trì phong trào này...”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường- Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Trung tâm Giám sát Điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế đạt giải Châu Á

Mô hình hoạt động vào đầu năm 2019, được triển khai trên nền tảng giải pháp smartcity của Tập đoàn Viettel. Hiện Trung tâm Giám sát Điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng thời 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh gồm phản ánh hiện trường, nhóm giải pháp camera giám sát đô thị, thông tin cảnh báo, giám sát thông tin báo chí địa phương, thẻ điện tử công chức - viên chức, giám sát dịch vụ hành chính công, giám sát quảng cáo điện tử, giám sát môi trường, giám sát an toàn thông tin, giám sát tàu cá.

Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế xuất sắc đạt giải Châu Á

Đây sẽ là đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn.

Vừa qua, mô hình tại Thừa Thiên Huế đã được vinh danh là Giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất Châu Á tại giải thưởng Viễn thông Châu Á - Telecom Asia Awards 2019.

30 năm tái lập tỉnh

Ngày 17/8 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh (1989 -2019), đồng thời đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Thủ tướng Chính phủ.

Sau 30 năm tái lập, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển mạnh mẽ, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc cả về quy mô, tầm vóc, diện mạo, cũng như về trình độ và chất lượng; tạo thế và lực mới cho Thừa Thiên Huế trên con đường phát triển và hội nhập.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,18%. Đây là mức tăng khá so với các tỉnh trong khu vực miền Trung nói chung, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước 6,8%/năm.

Cây cầu gỗ lim tiền tỷ trên sông Hương thơ mộng

Đưa cầu gỗ lim “độc nhất vô nhị” vào sử dụng

Cây cầu gỗ lim trên sông Hương do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào sử dụng ngày 15/1/2019.

Cầu gỗ lim dài 400m, rộng 4m, mặt sàn được lát 16.000 thanh gỗ lim nhập khẩu từ Nam Phi với tổng kinh phí đầu tư 152,9 tỷ đồng.

Công trình hứa hẹn sẽ mang lại điểm nhấn cho Huế, góp phần xây dựng địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách...

Ngoài 6 sự kiện trên, còn có các sự kiện quan trọng khác như Công cụ kết nối người dân và chính quyền mang tên Huế - S ra đời; Khởi công nhiều dự án giao thông quan trọng trên địa bàn như khánh thành nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, khởi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn...; Thể thao Huế đat nhiều thành tích cao ở các giải đấu khu vực và thế giới; Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế gia nhập chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.

Văn Dinh