Sơn La triển khai các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:01, 01/01/2020

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô 2019-2020.

Mực nước trên sông Đà qua địa bàn tỉnh Sơn La đang xuống rất thấp

Theo thống kê của UBND tỉnh Sơn La, tính đến hết tháng 11/2019, trong tổng số 105 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Sơn La chỉ có 3 hồ đạt dung tích theo thiết kế, các hồ còn lại chỉ đạt khoảng 60-80% dung tích.

Tổng dung tích 9 hồ chứa nước vừa và lớn trên địa bàn tỉnh hiện còn 12,5 triệu m3/18,6 triệu m3, đạt khoảng 67,2% tổng dung tích thiết kế. Một số hồ do đầu tư sửa chữa, nâng cấp trong năm 2019 nên không đảm bảo khả năng tích nước.

Với tình hình nguồn nước như trên, từ nửa cuối tháng 12/2019 đến tháng 2/2020, sẽ có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, không đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích vụ Đông Xuân 2019-2020.

Tổng diện tích có khả năng xảy ra hạn hán là 2.132,5ha; trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Một số địa phương có diện tích thuộc diện bị hạn lớn như thành phố Sơn La hơn 211ha; huyện Thuận Châu 194ha; huyện Yên Châu 234ha; huyện Vân Hồ 205 ha…

UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp chống hạn như: Nạo vét cống lấy nước, kênh mương, thông thoáng dòng chảy, đắp đập tạm, bờ bao...

Để chủ động phòng chống hạn, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, nhận định tình hình hạn hán, phổ biến đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động ứng phó, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân phù hợp với khả năng nguồn nước.

Hướng dẫn các địa phương bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện nguồn nước; xây dựng phương án sử dụng nước hợp lý để ứng phó hạn hạn; phổ biến, tuyên truyền thực hiện tưới tiết kiệm, tưới tiên tiến cho cây trồng.

Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cấp nước sạch, công trình thủy lợi để sớm đưa vào sử dụng phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Chủ động kiểm tra, sửa chữa, khôi phục hoạt động của các công trình cấp nước tập trung, các giếng, ao; ưu tiên xây dựng các cụm vòi cấp nước tập trung để cấp nước chống hạn.

Sở Công thương chỉ đạo các nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn xả nước đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu phục vụ sản xuất và dân sinh.

Giao Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh chủ động tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình bằng nguồn vốn sửa chữa hàng năm và có kế hoạch nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào lấy nước theo phân cấp quản lý; các hồ chứa đang sửa chữa nếu đủ điều kiện an toàn phải tích nước hợp lý để thực hiện chống hạn.

Phối hợp với các địa phương xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý; tổ chức tưới hiệu quả và tiết kiệm nước. Chủ động sử dụng nguồn ngân sách cấp bù, miễn thủy lợi phí để thực hiện phòng, chống hạn hán.

Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng

UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời có các giải pháp phù hợp.

Tổ chức kiểm kê nguồn nước từng công trình thủy lợi, khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xây dựng kế hoạch tưới cụ thể cho từng vùng; bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước; sử dụng các giống cây trồng thích ứng điều kiện hạn hán.

Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ ao, hồ, sông suối, mương rạch để cung cấp nước cho sản xuất Đông Xuân, tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi để cung cấp cho vụ sản xuất.

Triển khai đồng bộ các giải pháp chống hạn như: Nạo vét cống lấy nước, kênh mương, thông thoáng dòng chảy, đắp đập tạm, bờ bao, đào ao, vét giếng, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng nguồn nước phục vụ sản xuất…

Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng như tưới theo quy trình “ướt khô xen kẽ”, nhỏ giọt, phun mưa… Chủ động cắt giảm ít nhất 10% lượng nước tưới so với bình thường.

Nguyễn Nga