Quản lý tài nguyên nước – một năm nhìn lại
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 17:01, 31/12/2019
Năm 2019, Lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước đã chủ động tích cực chỉ đạo giải quyết và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị, cán bộ trong công tác chỉ đạo điều hành, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật |
Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường thanh tra, kiểm tra
Ông Hoàng Văn Bẩy – Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết: Năm qua, Cục Quản lý tài nguyên nước đã quán triệt, tập trung theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ. Việc trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành địa phương, giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên thực hiện.
Lãnh đạo Cục đã chủ động tích cực chỉ đạo giải quyết và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị, cán bộ trong công tác chỉ đạo điều hành, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước…
Đối với các Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cục đã tích cực triển khai, xây dựng, hoàn hành đúng thời hạn đã đăng ký, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Cụ thể, Cục đã rà soát, điều chỉnh bổ sung 5 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông. Đến nay, Cục đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung 5 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông Đồng Nai, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Cả, Srêpốk theo đúng tiến độ được giao.
Cục cũng đã xây dựng quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước toàn quốc trình Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050….
Trong năm 2019, Cục Quản lý tài nguyên nước được giao chủ trì thực hiện công tác thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tỉnh Thanh Hóa và Quảng Ngãi với tổng số 17 đối tượng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là về việc không thực hiện báo cáo định kỳ hằng năm về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các vấn đề phát sinh gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, vi phạm về việc vận hành xả nước theo quy trình vận hành liên hồ chứa.
Cục cũng đã kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã đối với 6 đối tượng. Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới đất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đối với 22 đối tượng.
Tính đến ngày 10 tháng 12 năm 2019, Cục Quản lý tài nguyên nước đã thẩm định, trình Bộ cấp 207 giấy phép trong lĩnh vực tài nguyên nước, trong đó có 54 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; 30 giấy phép khai thác nước dưới đất; 5 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; 3 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 115 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển.
Việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đấtcũng đã được đẩy mạnh. Tính đến ngày 10/12/2019, Cục đã thẩm định, trình Bộ phê duyệt tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất: đã phê duyệt 547 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phải thu hơn 9.067 tỷ, trong đó số tiền phải thu năm 2019 là 1.098 tỷ đồng.
Quản lý tài nguyên nước địa phương: Kiến nghị kiện toàn ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành 59 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, chủ yếu phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh; Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh; Phê duyệt vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và Danh mục các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; công tác quy hoạch tài nguyên nước; cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ nước dưới đất; phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh,...
Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thiếu nước |
Các Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác cấp phép tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Thống kê sơ bộ, năm 2019 các địa phương đã cấp được 2.275 giấy phép tài nguyên nước các loại (trong đó: cấp mới 80%; gia hạn, điều chỉnh 20%), trong đó cấp phép xả nước thải vào nguồn nước 1151 giấy phép (chiếm 50,6%), khai thác sử dụng nước mặt 334 giấy phép (chiếm 14,6%), thăm dò nước dưới đất 89 giấy phép (chiếm 3,9%), khai thác sử dụng nước dưới đất 668 giấy phép (chiếm 29,3%), hành nghề khoan nước dưới đất 33 giấy phép (chiếm 1,4%).
Theo Sở TN&MT các tỉnh, thành phố, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước đã được tăng cường. Theo số liệu thống kê, có tổng số 251 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với 1.602 cơ sở. Tổng số tiền phạt thu về cho ngân sách nhà nước gần 5.672 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài nguyên nước ở địa phương còn có những khó khăn, bất cập. Đó là: Cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, bảo vệ tài nguyên nước còn thiếu. Chưa đầu tư xây dựng được mạng lưới quan trắc tài nguyên nước do nguồn kinh phí hạn hẹp. Ở cấp huyện, thành phố đều không có cán bộ chuyên môn về quản lý tài nguyên nước mà chủ yếu do các cán bộ có chuyên ngành địa chính, môi trường kiêm nhiệm.
Tổ chức quản lý, giám sát thực hiện quy định giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn gặp nhiều khó khăn. Đa số tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát tại công trình trong quá trình hoạt động.
Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động về tài nguyên nước ở cơ sở còn chưa thường xuyên, chủ yếu là tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng khi có chương trình, kế hoạch.
Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật tài nguyên nước còn gặp khó khăn, do đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên nước còn mỏng (cấp tỉnh mới có 2 công chức quản lý lĩnh vực; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Cán bộ quản lý tài nguyên nước thiếu về số lượng, không có chuyên môn sâu về chuyên ngành, hoạt động mang tính kiêm nhiệm. Do kinh phí hạn chế nên công tác xây dựng mạng lưới các điểm, trạm quan trắc, giám sát tài nguyên nước; điều tra, thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước khó thực hiện....
Trước thực trạng trên, các địa phương kiến nghị: Hỗ trợ đầu tư kinh phí để đẩy nhanh công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh làm nguồn cơ sở dữ liệu cho công tác quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên nước.
Đặc biệt là, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã theo hướng tăng cường biên chế, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý tài nguyên nước.