Miền Trung: Làng rau truyền thống rộn ràng vào vụ Tết

Xã hội - Ngày đăng : 15:34, 31/12/2019

(TN&MT) - Những ngày này, các vựa rau truyền thống ở miền Trung đang tất bật vào vụ rau quan trọng nhất trong năm. Năm nay thời tiết thuận lợi, người trồng rau đang kỳ vọng một mùa Tết bội thu.

Đến làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP. Hội An, Quảng Nam) những ngày này, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh người nông dân tất bật xới đất, xuống giống canh tác cho vụ rau cuối cùng trong năm.

Theo nông dân ở làng rau được “khai sinh” từ cách đây hơn 400 năm, tự bao đời qua, hầu hết người dân Trà Quế sống nhờ rau và tự hào cũng với nghề rau sạch vang tiếng khắp vùng. Dù rau được đảm bảo trồng đều đặn, thế nhưng, với 202 hộ nông dân đang canh tác cánh đồng rộng hơn 18 hecta này, vụ rau Tết vẫn là vụ mùa được bà con mong đợi hơn cả.

Nông dân ở làng rau Trà Quế tất bật canh tác cho vụ rau quan trọng nhất trong năm

Đang cặm cụi cầm cuốc xới đất để chuẩn bị xuống giống xà lách, ông Mai Lụa (65 tuổi) chia sẻ, cũng trên thửa đất này, mới ba-bốn hôm trước, hai vợ chồng ông vừa thu hoạch xong hàng trăm ký xà lách và bỏ mối cho các siêu thị ở Đà Nẵng. “Hiện tại, toàn bộ diện tích 500m2 đất của gia đình đang được gieo trồng gần chục loại rau khác nhau nhằm cung ứng ra thị trường ngày Tết", ông Lụa nói.

Cũng theo lão nông có thâm niên gần 40 năm gắn bó với nghề trồng rau sạch, dự kiến Tết Nguyên đán 2020, làng rau Trà Quế sẽ cung ứng cho thị trường hơn 20 loại rau ăn lá. Một số loại rau đang được bà con đầu tư trồng với sản lượng lớn như: Diếp cá, xà lách, cải, ngó rí.

Làng rau Trà Quế được hình thành cách đây hơn 400 năm

Cách vườn rau của ông Lụa chỉ mươi bước chân là khu đất trồng rau rộng 600m2 của cụ Nguyễn Thị Xiêm (75 tuổi). Ngót 55 năm tuổi nghề là ngần ấy thời gian cụ Xiêm cương quyết "nói không" với thuốc trừ sâu, phân hóa học trong trồng rau.

Rau Trà Quế thơm ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là nhờ bà con chỉ dùng loại rong được vớt từ con sông Đế Võng chảy qua làng để bón cho cây. Chính loại phân bón này đã góp phần tạo nên thương hiệu rau sạch cho ngôi làng nằm ở vùng ven phố cổ Hội An.

Hôm nay, ngoài tất bật gieo trồng vụ cuối năm, cụ Xiêm còn hồ hởi đón chào sự hiện diện của các vị khách nước ngoài tham quan làng rau. “Từ năm 2005 đến nay, bên cạnh trồng rau bán, tôi còn hướng dẫn du khách cách thức xới đất, giâm rau. Đây cũng là cái nghề mang lại thu nhập kha khá giúp một người không chồng con như tôi có thể tự nuôi thân”, cụ Xiêm vui vẻ bộc bạch.

Tại Làng rau La Hường, quận Cẩm Lệ - làng nghề truyền thống trồng rau sạch nổi tiếng và lớn nhất tại thành phố Đà Nẵng, thời điểm này, người trồng rau cũng đang tất bật xuống giống vụ rau mới bán dịp Tết. Lão nông Lê Sĩ Ca, xã viên HTX rau La Hường cho biết, để phục vụ thị trường Tết, gia đình ông trồng rau cải, xà nách và xuống giống 900 cây súp lơ xanh, trên diện tích gần 2.000m2. Cây súp lơ được gia đình ông chọn trồng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do là vùng đất trũng, dễ ngập úng vào mùa mưa, nên mỗi năm gia đình ông chỉ trồng 1 vụ súp lơ dịp Tết.

Tết này, HTX rau La Hường chú trọng các loại xà lách, hành lá, cải cúc

“Nếu mà thời tiết thuận lợi từ nay đến tết thì rau sẽ có rất nhiều. Tết năm ngoái bán thích lắm. Bán hết rau. Năm nay thì chưa biết, vì năm nay thời tiết thuận lợi người ta trồng nhiều rau lắm” – lão nông Lê Sĩ Ca cho biết.

Vào vụ Tết năm nay, thay vì trồng đủ loại rau như ngày thường, người dân HTX rau La Hường lại chú trọng trồng rau cải cúc, xà lách, su hào, hành lá. Vì các loại rau này được người tiêu dùng chuộng hơn. Tuy giá cả bấp bênh, không ổn định qua từng năm nhưng cơ bản đây là vụ rau chính và cho thu nhập cao hơn ngày bình thường.

Bà Nguyễn Thị Diệm, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cho biết, đa số các loại rau này đều có thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh thu hoạch, nhất là càng về cuối năm sức tiêu thụ càng mạnh. Do vậy, bà con thường chuẩn bị rất kỹ từ khâu làm đất đến chăm sóc để rau cho năng suất, chất lượng cao.

Năm nay thời tiết thuận lợi, các vựa rau đều phát triển tốt

Hiện tại, làng rau La Hường, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng có tổng diện tích canh tác rau, củ, quả khoảng 7 ha, được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổng số thành viên tham gia hợp tác xã rau sạch La Hường là 50 hộ. Hằng năm, làng rau La Hường cung cấp ra thị trường hơn 500 tấn rau, củ, quả các loại.

Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX rau La Hường cho biết, từ năm 2010, HTX rau La Hường và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng chọn để triển khai dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp (OSEAP). Sở Nông nghiệp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại rau cho bà con nông dân; đồng thời tổ chức xuống tận vườn rau của bà con để kiểm tra sâu hại và hướng dẫn nông dân cách phòng trừ hiệu quả. Tại vùng rau này một năm chỉ sản xuất được 9 tháng, vì 3 tháng bị ngập úng. Vào vụ Tết, diện tích rau được mở rộng hơn, nhờ vậy mà thu nhập cũng cao hơn.

Những luống rau mơn mởn, xanh tốt, sạch để phục vụ thị trường Tết

“Bình quân một ngày làng rau cung cấp ra thị trường một ngày 1 tấn, nhưng tết năm nay sản lượng sẽ lên tới 5 tấn hoặc 10 tấn nếu thời tiết thuận lợi. Với giá rau ở thời điểm này đang tăng gấp đôi năm ngoái thì bà con cũng có thu nhập cao trong vụ đông xuân này. Điều này cũng bù lại cho những cho thời gian trước đó khi người dân trồng rau gặp thời tiết khô hạn.” – ông Hoàng cho hay.

Cận Tết, dọc những cồn bãi sông quê miền Trung, màu xanh mơn mởn của những luống rau xà lách, cải, tần ô, mồng tơi pha màu rau dền đỏ mướt vừa lên mầm đã làm sắc xuân thêm tươi, mang đến hi vọng cho người nông dân một vụ Tết bội thu và ấm no.

Lan Anh