Khánh thành cầu Sông Hóa 

Kinh tế - Ngày đăng : 22:11, 30/12/2019

(TN&MT) -  Chỉ sau 8 tháng thi công, ngày 28/12/2019, UBND TP Hải Phòng và UBND tỉnh Thái Bình tổ chức lễ khánh thành cầu sông Hóa. Cây cầu nối liền hai huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) – Thái Thụy (Thái Bình), góp phần giảm áp lực giao thông cho Quốc Lộ 10.

Các đại biểu cắt băng khánh thành cầu sông Hóa.

Trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2016, TP Hải Phòng đã tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến QL 10, QL37 37, đường tỉnh 354 tạo thành hệ thống giao thông kết nối vùng giữa TP Hải Phòng với các tỉnh Thái Bình và Nam Định. Tuy nhiên, trên tuyến QL 37 kết nối các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng (Hải Phòng) với Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vẫn còn duy nhất cầu phao Sông Hóa.

Cầu Sông Hóa đã sẵn sàng phục vụ cho người dân qua lại 2 huyện Vĩnh Bảo – Thái Thụy.

Đây là cầu phao được xây dựng từ cuối những năm 1980, có chiều rộng 4m chỉ đáp ứng được 1 làn xe tải nhỏ lưu thông một chiều. Do đó, điểm giao thông này thường xuyên trong tình trạng quá tải và ách tắc. Qua nhiều năm sử dụng, cầu phao đã nhiều lần bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, sập gẫy, không đảm bảo an toàn khai thác, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông và không đảm bảo nhiệm vụ phòng chống lụt bão của hai địa phương.

Cầu Sông Hóa đã hoàn thiện nhìn từ trên cao.

Điển hình như vào cuối năm 2016, hơn 30m đường đầu cầu phía huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã bị sạt lở nghiêm trọng, phải dừng khai thác để sửa chữa đã làm ảnh hưởng lớn đến giao thông qua lại khu vực này.

Do tính chất cấp bách của dự án, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù xây dựng công trình cầu vĩnh cửu thay thế cầu phao sông Hóa.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng thăm cầu.

Theo đó, dự án cầu sông Hóa được xây dựng quy mô cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, chiều dài cầu 254m, mặt cắt ngang cầu 12m.

Cầu có tổng mức đầu tư hơn 185 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình. Theo đó, ngân sách TP Hải Phòng là hơn 182 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Thái Bình là hơn 3 tỷ đồng.

Dự kiến báo trong năm đầu khai thác, lưu lượng xe qua cầu từ 1000 xe/ngày đêm và sẽ tăng trên 3.000 xe/ngày đêm. Đặc biệt, sau khi Nhà máy chế biến rau củ quả (của Lavifood) với công suất 100.000 tấn/năm tại huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng đi vào hoạt động từ năm 2020, khu vực này trở thành trung tâm chế biến nông sản của cả vùng duyên hải Bắc bộ, lưu lượng vận tải qua cầu sông Hóa sẽ tăng lên đáng kể.

Trước đó, TP Hải Phòng đã thay thế cầu phao Đăng, phao Hàn bằng cầu xi măng vĩnh cửu. Nay là cầu sông Hóa cùng với những dự án Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10, Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường nối từ cầu Lạng Am đến cầu Nhân Mục, Dự án đường dẫn vào khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm… từng bước hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông liên tỉnh giữa các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế - xã hội, khởi đầu cho sự hợp tác và tăng cường liên kết vùng theo yêu cầu phát triển hiện nay.

Phạm Duy