Tiến sĩ Tô Văn Trường nói về Chỉ số Năng lực quản lý môi trường của Việt Nam

Thời sự - Ngày đăng : 21:33, 30/12/2019

(TN&MT) - Vừa qua có thông tin về chỉ số Năng lực quản lý môi trường của Việt Nam năm 2018 tụt 53 bậc so với năm 2012. Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam đã cho biết quan điểm của mình về thông tin này.

Tiến sỹ Tô Văn Trường cho biết: Một số chuyên gia về môi trường hỏi tôi bình luận bài viết  trên báo điện tử Zing.vn tiêu đề “Môi trường Việt Nam 2019: Năm của nhân tai" tại link (https://news.zing.vn/moi-truong-viet-nam-2019-nam-cua-nhan-tai-post1026998.html)  có đánh giá "thứ hạng tại bảng xếp hạng chỉ số Năng lực quản lý môi trường là 132/180 nước (năm 2018), tụt 53 bậc so với năm 2012"?

Tiến sỹ Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam

Bài báo nói trên có tác dụng tốt làm cho các cơ quan chức năng phải coi lại công tác quản lý môi trường, nhưng đứng về góc độ chuyên môn và xã hội thì lại sai về nhận thức và làm cho công luận ngộ nhận!  

Nếu chúng ta chỉ theo dõi EPI 2016 và 2018 thì thấy báo chí không quan tâm đến cốt lõi là bảng chấm điểm EPI, từ đó có những bình luận giật tít lôi cuốn bạn đọc. Chính vì xem kỹ bảng chấm điểm nên dịch "Chỉ số năng lực quản lý môi trường là sai". Nó thực sự là chỉ số đánh giá môi trường nhấn mạnh đến phơi nhiễm của người dân.

Còn về vị trí của thì Việt Nam đứng đúng chỗ của mình vì chỉ số EPI, trừ một vài nước, thể hiện gần như là chỉ số GDP/capita.

Có ý kiến cho rằng EPI là một phương pháp đánh giá và xếp hạng thứ tự hiệu quả môi trường trong các chính sách của một quốc gia. EPI được phát triển bởi Đại học Yale (Trung tâm Luật và Chính sách Môi trường Yale) và Đại học Columbia (Trung tâm Mạng Thông tin Khoa học Trái đất Quốc tế) cùng sự hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Liên Chung của Ủy ban châu Âu.

- Xếp hạng chỉ số EPI của Việt Nam từ năm 2012 đến nay như sau:
+ Năm 2012: đứng thứ 79 (tổng 132 quốc gia được đánh giá)
+ Năm 2014: đứng thứ 136 với EPI là 38.17 (tổng 178 quốc gia được đánh giá)

(link: https://archive.is/20140129142747/http://epi.yale.edu/epi/country-rankings)
+ Năm 2016: đứng thứ 131 với EPI là 58.5 (tổng 180 quốc gia được đánh giá)

(link: http://www.indiaenvironmentportal.org.in/files/file/Yale%20EPI%202016_Report.pdf)
+ Năm 2018: đứng thứ 132 với EPI là 46.96 (tổng 180 quốc gia được đánh giá).

(link: 2018 EPI Results | Environmental Performance Index).


Như vậy, nếu đánh giá năm 2018 cần so sánh với năm 2014 bởi vì số lượng quốc gia được đánh giá là tương đối gần so với năm 2018 (178 quốc gia so với 180 quốc gia) và như vậy thì Việt Nam đã tăng 4 bậc từ 136 lên 132. Còn năm 2012 chỉ 132 quốc gia được đánh giá nên thứ hạng của Việt Nam cũng sẽ cao hơn, do vậy so sánh với năm 2018 sẽ không chính xác. 

Để khách quan, tôi coi lại 2 báo cáo 2016 và 2018 thì thấy ngoài chuyện so sánh chung toàn thế giới Yale còn có so sánh trong khu vực. Năm 2016 có 27 nước Châu Á được xếp hạng thì chỉ số xếp hạng khu vực của Việt Nam là khoảng thứ 15, trong khi năm 2018 có 26 nước Châu Á thì Việt Nam xếp hạng 16. Từ đó, cho thấy xếp hạng về hiệu quả môi trường của Việt Nam trên bản đồ thế giới và khu vực nói chung là chưa có biến đổi rõ rệt.

Như vậy: Nếu báo chí muốn góp ý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nên hiểu EPI không đánh giá về năng lực quản lý, tuy nhiên nếu coi hiệu quả môi trường (environmental performance) thì cũng nên quan tâm để phấn đấu...

Ngẫm suy, chúng ta, với các vấn đề và thách thức đã và đang xảy ra, đòi hỏi phải có công cụ quản lý môi trường đồng bộ từ pháp luật, kinh tế đến kỹ thuật để hướng đến mục tiêu chuẩn động và kiểm soát môi trường theo hướng phòng ngừa phát thải. Bản thân một công cụ quản lý là quy hoạch bảo vệ môi trường ngay từ các quy định của pháp luật trong Luật bảo vệ môi trường năm 2014 sang Luật quy hoạch năm 2017 đã cho thấy phải được quan tâm nhiều hơn vì nếu không làm rõ được vấn đề về phân vùng, đưa ra được công cụ kiểm soát, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cụ thể thì rất khó có thể kiểm soát được phát thải.

Quy hoạch bảo vệ môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai mới chỉ đề xuất những định hướng mà chưa đi vào xác lập các nội dung cụ thể, chưa thể hiện rõ sự kết nối các vấn đề môi trường từ dự báo đến kiểm soát thực tế, từ tác nhân dẫn đến hậu quả, sự liên đới từ mảng xanh (sinh thái, bao gồm cả sinh thái đô thị, sinh thái nông nghiêp, cây xanh, diện tích mặt thoáng ao hồ chứ không đơn thuần chỉ là đa dạng sinh học của các khu bảo tồn, vườn quốc gia, hành lang sinh học...) sang mảng nâu (chất lượng môi trường đất, nước, không khí...).

Mặt khác, cần có công cụ kiểm soát các hoạt động phát thải hữu hiệu. Việc thanh tra, kiểm tra toàn căn cứ vào báo cáo ĐTM là công cụ dự báo chứ không sử dụng các công cụ có khả năng kiểm tra, kiểm toán sự vận hành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành của những người làm công tác quản lý và bảo vệ môi trường.