PGS. TS Hồ Quốc Bằng: Kiểm kê phát thải khí thải là “gốc rễ” của quản lý chất lượng không khí
Môi trường - Ngày đăng : 15:23, 28/12/2019
PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu |
Phóng viên Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã có buổi trao đổi với PGS. TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) về tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam cũng như các giải pháp đề xuất việc kiểm soát chất lượng không khí trong thời gian tới.
Xin ông đánh giá về mức độ ô nhiễm không khí tại TP.HCM và Hà Nội hiện nay?
PGS.TS Hồ Quốc Bằng: Có thể khẳng định, chất lượng không khí tại TP.HCM và Hà Nội hiện nay đang bị ô nhiễm. Mức độ ô nhiễm Hà Nội cao hơn TP. HCM. Ô nhiễm không khí sẽ ngày càng nhiều hơn và tương lai sẽ càng tăng nếu không có các chính sách, mục tiêu cụ thể, các hành động kịp thời.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nồng độ trung bình năm của thành phần bụi mịn PM2.5 ở các đô thị Việt Nam rơi vào khoảng 28µg/m3, cao hơn gấp 3 lần so với khuyến nghị trung bình năm là 10µg/m3. Tại TP.HCM, nồng độ PM2.5 gần 40µg/m3.
Theo kết quả nghiên cứu kiểm kê khí thải phát thải, tại TP.HCM, hoạt động giao thông là tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất. Cụ thể, khí thải giao thông chiếm 99% trong tổng phát thải CO, NMVOC chiếm 97%, NOx chiểm 93%, SO2 chiếm 78%, bụi chiếm 46%…
Ngoài ra, hoạt động công nghiệp chiếm 22% trong tổng phát thải SO2, 21% bụi; hoạt động của các bến cảng tàu chiếm 15% tổng phát thải S02, 11% NOx, 5 % bụi…
Theo dự báo, các chất khí thải trên sẽ tăng thêm 40% vào năm 2025 và đến 50% vào năm 2030 nếu không có giải pháp kiểm soát hiệu quả phát thải khí thải. Đặc biệt, đến nay, TP.HCM không còn khả năng tiếp nhận khí thải đối với CO, NOx tại một số khu vực trung tâm.
Giai đoạn cuối năm là thời điểm ô nhiễm không khí tăng cao do sự kết hợp giữa yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có.
Cũng cần nói thêm, các quy chuẩn không khí xung quanh quy định đối với vấn đề chất lượng không khí xung quanh của Việt Nam còn ít nghiêm ngặt so với các nước trên thế giới, có những quy chuẩn cao gấp 2.5 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y Tế thế giới (WHO), chẳng hạn như: PM10 và PM2.5. Như vậy, nếu đúng khuyến nghị của thế giới thì mức độ ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội và TP.HCM là nặng hơn.
Không khí tại TP.HCM đang bị ô nhiễm |
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định cũng như từng bước triển khai các giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về môi trường nói chung, chất lượng không khí nói riêng. Ông đánh giá thế nào về việc thực thi các quy định về quản lý chất lượng không khí hiện nay tại các địa phương?
PGS.TS Hồ Quốc Bằng: Hiện nay, trong lĩnh vực quản lý không khí, chúng ta đang thực thi các quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2014 và đặc biệt là Quyết định 985a/QĐ – TTg ngày 01/6/2016 của Chính phủ về Kế hoạch Quốc gia về Quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Tuy nhiên, đến nay, Quyết định 985a/QĐ – TTg có một số nội dung chưa được triển khai. Trong đó, theo quy định, một số đề án/nhiệm vụ các tỉnh, thành phố chỉ là đơn vị phối hợp thực hiện nên chưa có cơ sở pháp lý để các tỉnh, thành phố thực hiện các nhiệm vụ trong Quyết định này.
Đơn cử như, đến nay chưa ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng Kế hoạch về quản lý chất lượng không khí các tỉnh, thành phố, do đó các tỉnh, thành phố chưa có cơ sở, kinh nghiệm để thực hiện. Theo tôi, kế hoạch về quản lý chất lượng không khí các tỉnh, thành phố cần được thực hiện và hướng dẫn cụ thể như việc xây dựng Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu mà các địa phương đã thực hiện tương đối tốt trong thời gian qua.
Đặc biệt, việc kiểm kê phát thải khí thải là vấn đề “gốc rễ” của quản lý chất lượng không khí đến giờ vẫn chưa được đa số các địa phương thực hiện (trừ TP.HCM, Cần Thơ, TP. Bắc Ninh đã triển khai thí điểm). Nguyên nhân là do trong Quyết định 985a/QĐ – TTg của Chính phủ thì cơ quan chủ trì kiểm kê phát thải khí thải là Bộ TN&MT, các tỉnh, thành phố chỉ là cơ quan phối hợp thực hiện.
Theo tôi, quy định như vậy sẽ “khó” cho cả Bộ TN&MT và các địa phương, bởi Bộ TN&MT không thể đủ nhân lực để đồng loạt chủ trì kiểm kê phát thải khí thải của cả 63 tỉnh, thành phố. Vì kiểm kê khí thải chi tiết cho tỉnh, thành phố tốn rất nhiều thời gian, nguồn lực. Vì vậy, theo tôi, Bộ TN&MT chỉ cần xây dựng Sổ tay hướng dẫn kiểm kê phát thải khí thải, trên cơ sở đó, các địa phương sẽ chủ động việc thực hiện kiểm kê.
Ngoài ra, kế hoạch kiểm soát khí thải xe gắn máy tại TP.HCM và Hà Nội hiện nay cũng chưa triển khai được mới chỉ dừng ở việc thí điểm.
TP.HCM và Hà Nội chưa triển khai kế hoạch kiểm soát khí thải xe gắn máy |
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Quy chuẩn phân vùng khí thải ô nhiễm của Việt Nam cần được quy định chi tiết, rõ ràng và nghiêm ngặt hơn, nên đưa ra một tải lượng xả thải cụ thể thay vì nồng độ xả thải.
Đồng thời, mỗi địa phương cần thực hiện tính toán tải lượng cho phép mà môi trường không khí có thể tiếp nhận (pha loãng và khuếch tán) dựa vào quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế xã hội và điều kiện khí tượng của khu vực để đảm bảo phát triển kinh tế không làm ảnh hưởng đến môi trường không khí.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần xây dựng hướng tính toán phát thải, các quy định phát thải và hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều ngành, từ đó làm cơ sở để cấp phép xả thải và tiến tới thu phí khí thải đối với các chủ nguồn thải.
Như trên ông nói, tại sao kiểm kê khí thải lại là “gốc rễ” của nhiệm vụ quản lý chất lượng không khí?
PGS.TS Hồ Quốc Bằng: Kiểm kê phát thải khí thải là cơ sở, “gốc rễ” của nhiệm vụ Quản lý chất lượng không khí, giúp chúng ta biết được: Nguồn phát thải chính là nguồn gì, từ đâu, ô nhiễm do cái gì, dùng để thiết lập ngưỡng phát thải, thiết kế kế hoạch kiểm soát khí thải và giải pháp giảm thiểu, thiết lập các quy định và giấy phép phát thải cũng như về vấn đề thương mại.
Kiểm kê phát thải khí thải phục vụ các nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên sức khỏe người dân; phục vụ các tính toán chi tiết về tác động ô nhiễm không khí lên nền kinh tế của tỉnh, thành phố; phục vụ hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, thành phố.
Kiểm kê phát thải khí thải là cơ sở để xây dựng bản đồ ô nhiễm không khí |
Kiểm kê phát thải khí thải còn giúp chúng ta đánh giá các nhà máy, xí nghiệp hay chính sách giao thông mới hoặc đang đề xuất thực hiện có phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh hay không? Các kết quả này cũng được dùng để hỗ trợ trong việc thiết kế các chiến lược kiểm soát hiệu quả để giảm lượng phát thải các chất ô nhiễm không khí.
Kiểm kê phát thải khí thải sẽ giúp cơ quan quản lý tính toán và đánh giá các chất ô nhiễm không khí, chất độc phát ra từ các hoạt động sản xuất và giao thông hoặc phát thải hoá học ngẫu nhiên tập trung theo hướng gió. Có vai trò rất quan trọng phục vụ các cơ quan quản lý chất lượng không khí xung quanh, vì có thể biết được nguồn gốc phát thải và vị trí phát thải các chất ô nhiễm không khí
Bên cạnh đó, kiểm kê phát thải khí thải còn phục vụ ứng phó và xác định hậu quả của các sự cố phát tán các chất độc, ô nhiễm không khí đến khu vực xung quanh (ví dụ các vụ nổ có liên quan đến chất độc hại, chẳng hạn như hoá chất hoặc các hạt nhân phóng xạ).
Trên cơ sở kết quả kiểm kê phát thải, bản đồ lan truyền các chất ô nhiễm không khí có thể cung cấp một thông tin của vị trí khu vực bị ảnh hưởng, nồng độ môi trường xung quanh, và được sử dụng trong các tình huống để sơ tán người dân, hoặc trú ẩn tại chỗ theo điều kiện khí tượng...
Lấy ví dụ, do thực hiện việc kiểm kê phát thải khí thải mà TP.HCM xác định chính xác nguyên nhân, mức độ gây ô nhiễm của từng lĩnh vực. Từ đó, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM), đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm kê phát thải khí thải đã đề xuất chính quyền TP.HCM thực hiện 13 giải pháp chính nhằm quản lý chất lượng không khí.
Còn tại Hà Nội, do chưa thực hiện kiểm kê phát thải khí thải chi tiết nên đến nay chưa xác định được cụ thể, chính xác nguyên nhân, đối tượng gây ô nhiễm không khí trong thời gian qua, dẫn đến việc chưa xây dựng được các giải pháp phù hợp.
Trân trọng cảm ơn ông !
Theo số liệu thống kê, năm 2019, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 ngàn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác mang vào thành phố để sinh sống. Tại Hà Nội, có khoảng 5,8 triệu xe máy và 750 ngàn ô tô.
Trong đó, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn.