Sinh viên Đà Nẵng phát huy tài năng vào lĩnh vực bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 15:23, 28/12/2019

(TN&MT) - Bằng kiến thức, niềm đam mê nghiên cứu và đặc biệt là trách nhiệm với môi trường, các bạn sinh viên Đà Nẵng đã đưa đến nhiều giải pháp góp phần giải quyết vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường cho thành phố.

Sáng chế máy thu gom rác

Trước thực trạng ô nhiễm tại các khu vực bờ biển và hệ thống sông hồ ở Việt Nam ngày càng gia tăng, Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học nhóm sinh viên Khoa Cơ khí Giao thông. Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (Võ Anh Khoa, Trương Văn Bình, Trần Văn Nhật, Võ Văn Khoa, Lê Thanh Trãi, Đinh Văn Hiệp) đã nghiên cứu ra “phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước” sản phẩm đã gây được nhiều tiếng vang và đạt nhiều giải thưởng ở các cấp.

Phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước của nhóm Võ Anh Khoa

Võ Anh Khoa cho biết, hiện nay rất nhiều rác thải trôi dạt ở khu vực mép nước nhất là sau những đợt mưa bão, tuy nhiên những loại máy thu gom rác trên mặt nước đều chỉ hoạt động được ở chỗ nước sâu, còn ở mép nước có lẫn nhiều cát sẽ khó hoạt động. Chính vì thế nhóm đã lên ý tưởng chế tạo ra một chiếc máy thu gom rác ở khu vực mép nước vừa thu gom được cả ở trên cạn khắc phục hạn chế của các loại máy thu gom rác khác.

Máy thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước của nhóm có kích thước dài 4,3m, rộng 2,7m và cao 1,7m. Cửa gom rác của máy có bề rộng 4m, thể tích thùng chứa rác là 2 mét khối, vận tốc trên cạn tối đa 12 km/giờ, vận tốc dưới nước 16 km/giờ. Máy có thể hoạt động liên tục 6 giờ và có năng suất tương đương với 12 người nhặt rác bằng tay.

Nhờ có tính thực tiễn và những đặc điểm ưu việt, sản phẩm của nhóm đã đạt được nhiều giải thưởng lớn như: giải nhất cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng tổ chức; giải nhất cuộc thi “ý tưởng sinh viên tình nguyện” do Trung ương hội sinh viên Việt Nam tổ chức và nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện sản phẩm thực tế. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí này, nhóm vẫn chưa đủ trang trải để sản xuất sản phẩm, nhóm vẫn đang kêu gọi đầu tư, tài trợ để sản phẩm được hoàn thiện và đưa vào thực tế.

Phương tiện thu gom rác và cải tạo bề mặt bãi biển của nhóm Nguyễn Văn Thịnh

Cũng nhằm mục đích thu gom rác thải trên bãi biển, giúp tăng hiệu quả thu gom rác của thành phố, nhóm Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Ngọc Huynh, Nguyễn Quý Phi đến từ trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo phương tiện thu gom rác và cải tạo bề mặt bãi biển.

Sản phẩm giúp thu gom các loại rác có kích thước nhỏ bị lẫn lộn trong cát. Đầu tiên, rác được thu gom lại qua các răng cào rồi lên sàn rung, tại đây rác được loại bỏ hoàn toàn cát, đi vào cửa và luân chuyển vào thúng chứa. Máy có thể lọc được những loại rác nhỏ như ống hút, nắp chai, vỏ ốc.

Bạn Nguyễn Văn Thịnh cho biết, nhóm đang hoàn thiện thêm tấm pin năng lượng mặt trời phía trên của xe dọn rác. Thông qua tấm pin mà nguồn năng lượng tự nhiên này được chuyển hóa thành điện năng để phục vụ cho đời sống của con người.

Sản phẩm của nhóm đã giành giải nhì cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng năm 2019.

Bảo vệ môi trường dưới nhiều hình thức

Bên cạnh các sản phẩm thu gom rác, tại ngày hội “Kết nối ý tưởng sáng tạo - khởi nghiệp” do Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức cũng có nhiều ý tưởng, sản phẩm bảo vệ môi trường được các bạn trẻ trưng bày, giới thiệu.

Chế phẩm sinh học BIO-MS1 dùng trong chăn nuôi và cây trồng của nhóm Khoa Sinh - Môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng tại Ngày hội kết nối ý tưởng sáng tạo - khởi nghiệp

Nhóm sinh viên Phan Phước Thanh Thuận, Phùng Thị Hải Châu, Huỳnh Thị Dung của Khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng mang đến ngày hội chế phẩm sinh học BIO-MS1 dùng trong chăn nuôi và cây trồng. Đây là sản phẩm dùng để giúp xử lý mùi hôi chuồng trại, giảm dịch bệnh, giúp người dân giảm sử dụng chất kích thích, kháng sinh. Từ đó, người nông dân tạo nên nguồn phân hữu cơ vi sinh dùng cho cây trồng, tiết kiệm thời gian ủ. Bên cạnh đó, nhóm tạo ra phân hữu cơ vi sinh dạng viên tránh việc thất thoát chất dinh dưỡng ra ngoài môi trường.

Sản phẩm đã ứng dụng tại một số nơi tại Đà Nẵng như: các hộ chăn nuôi chim cút tại thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang); làng rau sạch Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang)... Người nông dân mua sản phẩm tùy theo nhu cầu hoặc số lượng chim cút hiện có. Cứ 1 lít chế phẩm xử lý khối lượng phân của 1.000 con chim cút trong 2 tháng. Sản phẩm được ứng dụng trong chiến dịch mùa hè xanh, chương trình nông thôn mới.

Các sản phẩm tạo nên từ rác thải nhựa của sinh viên trường Cao Đẳng Phương Đông, Đà Nẵng

Nhằm tránh sự mất an toàn, an ninh điện, sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử (Tổng Công ty Điện lực miền Trung phát minh hệ thống điều hòa phụ tải từ xa). Dựa vào nhu cầu thực tế, hệ thống sẽ tập trung khu vực có nhiều người cần sử dụng nhất trong giờ cao điểm, tạm hoãn với khu vực còn lại. Công ty điện lực sẽ thông báo mỗi khi có sự điều chỉnh phụ tải, tránh ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, sản xuất. Hệ thống giúp san sẻ lượng điện năng một cách thích hợp, kiểm soát việc sử dụng, tiết kiệm điện năng, hạn chế chi phí đầu tư thiết bị nếu cần cung cấp đủ.

Còn các bạn sinh viên Trường Cao Đẳng Phương Đông Đà Nẵng đã tận dụng nguồn rác thải từ nhựa tạo nên sản phẩm trang trí phù hợp với kiến trúc tại các quán cà phê, triển lãm, sân chơi cho trẻ em, góp phần cải thiện cảnh quan đô thị. Những sản phẩm của các bạn đều được tạo nên từ những chai lọ nhựa mà các bạn tự thu gom. Tại ngày hội, các sản phẩm của nhóm đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người, đó cũng là cách để nhóm thu hút sự quan tâm của cộng đồng với môi trường.

Võ Hà