Phát triển làng nghề truyền thống đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Thời sự - Ngày đăng : 18:55, 27/12/2019
Diễn đàn nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan Thường trực chính thức phát động trong tháng 9/2019 vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn |
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tham dự và chỉ đạo Diễn đàn.
Tham dự và đồng chủ trì Diễn đàn còn có ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và các đại biểu, gồm đại diện các Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh và đại diện nhiều hiệp hội, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh của các làng nghề từ các tỉnh, thành phố.
Cần phân biệt rạch ròi giữa ngành nghề và làng nghề truyền thống
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động nêu rõ: Trong hơn 35 đổi mới, làng nghề đã có bước phát triển vào công cuộc xây dựng đất nước của chúng ta. Chính việc phát triển ngành nghề và làng nghề đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nông thôn. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết "Tam nông", cơ cấu nông thôn thay đổi nhanh chóng.
Trong tổng thu nhập của người nông thôn hiện nay thì 1/3 là từ sản xuất doanh nghiệp, còn lại 2/3 là thu nhập từ các ngành nghề khác tại nông thôn. Trong tổng số người dân sống ở khu vực nông thôn, chỉ có 1/3 người dân làm nông nghiệp, còn 2/3 làm ngành nghề khác. Những con số trên cho thấy vai trò quan trọng của ngành nghề và làng nghề nông thôn.
“Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là dù phát triển kinh tế như thế nào cũng phải giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Việc phát triển làng nghề truyền thống của nông thôn ở nước ta đã gắn chặt chủ trương này” – ông Nguyễn Văn Bình nói.
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết: Bên cạnh những thành tựu của làng nghề và ngành nghề cũng còn bộc lộ nhiều vấn đề Đảng và Nhà nước cần quan tâm để có giải pháp thiết thực trong thời gian tới, giúp ngành nghề và làng nghề phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Từ vấn đề quy hoạch ngành nghề và làng nghề đến vấn đề đất đai cho các ngành nghề và làng nghề truyền thống, đặc biệt vấn đề nổi cộm là ô nhiễm môi trường cần được quan tâm.
Ngoài ra, những khó khăn của làng nghề trong tiếp cận nguồn vốn và tài chính của Nhà nước, trong tiếp nhận, chuyển giao nghiên cứu KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực, các chế độ chính sách đối với nghệ nhân, tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm, phương hướng cho sản xuất bền vững cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm và tìm hướng giải quyết trong diễn đàn hôm nay.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, hệ thống ngân hàng phải có các hỗ trợ bằng các nguồn có bản chất là ngân sách nhà nước thì mới đảm bảo tính bền vững. Tuy nhiên, đó là giải pháp vĩ mô, còn cụ thể như thế nào trong quá trình bà con sản xuất kinh doanh thì kiến nghị cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn để Nhà nước nghiên cứu.
Trong tình hình các làng nghề, các ngành nghề nông thôn quy mô bé chưa có điều kiện tìm hiểu, quan tâm và nắm bắt cơ chế của pháp luật, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trong việc giúp cho các thành viên tiếp cận, nắm bắt được những cơ chế, chính sách. Ông cho rằng cần có những cơ chế, chính sách dễ hiểu và ngắn gọn nhất đối với bà con để bà con nắm bắt dễ dàng và thuận tiện.
“Ở đâu mà chính quyền các cấp quan tâm thì ở đó ngành nghề và làng nghề phát triển tốt và lành mạnh. Vì thế, rất mong chính quyền Bắc Ninh quan tâm đến vấn đề này để nâng cao đời sống cho bà con, giúp phát triển bền vững, đồng thời, các Hiệp hội thống nhất hành động, thống nhất giải pháp trong ngành nghề của mình ở vùng nông thôn” - ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, trong làng nghề Việt Nam chủ yếu là hộ gia đình nên chính quyền Bắc Ninh cần quan tâm phát triển hình thức hợp tác theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
“Ở đâu đó, kể cả phía bà con và nhà nước đều đang chưa phân biệt rạch ròi giữa ngành nghề và làng nghề truyền thống. Vì thế, cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân cần phải phân biệt rạch ròi hai nội dung này thì mới có được cơ chế chính sách phù hợp và những kiến nghị mới được giải quyết” ông Nguyễn Văn Bình yêu cầu.
Làng nghề giúp nông dân “ly nông bất ly hương”
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết: Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam và Bộ NN&PTNT, hiện nay cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia.
Riêng tỉnh Bắc Ninh có 30 làng nghề, gồm 21 làng nghề truyền thống hoạt động tại 41 thôn, làng, khu phố; 9 làng nghề mới hoạt động tại 24 thôn, làng, khu phố và hàng chục địa phương khác có hoạt động của các nghề. Các sản phẩm làng nghề của cả nước đã xuất khẩu sang khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD/năm.
Ông Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh phát biểu khai mạc diễn đàn |
Theo ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch tập đoàn Hanaka, trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn cũng như xây dựng nông thôn mới, làng nghề có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi nhờ có làng nghề, hàng triệu người lao động (NLĐ) không những có việc làm, nâng cao đời sống, tăng thu nhập mà còn là cách tốt nhất để người nông dân “ly nông bất ly hương”.
Ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka phát biểu tại diễn đàn |
“Tuy nhiên, làng nghề cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như: Đầu ra cho các sản phẩm, đào tạo nghề cho người lao động, sản xuất nhỏ lẻ manh mún, không có hệ thống xử lý chất thải,... Để thích nghi với nền kinh tế hội nhập, các làng nghề đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là phát triển theo hướng bền vững” - ông Mẫn Ngọc Anh cho biết.
“Sự phát triển bền vững làng nghề phụ thuộc các chính sách hỗ trợ, nhất là về quy hoạch và mặt bằng kinh doanh, về cơ sở hạ tầng và công nghệ bảo vệ, xử lý môi trường; vốn và về phát triển thương hiệu, ổn định đầu ra; gắn với quy hoạch và chiến lược tổng thể xây dựng nông thôn mới;… nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân, giảm bớt sự giàu – nghèo giữa nông thôn và thành thị và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020” - ông Mẫn Ngọc Anh cho biết thêm.
Bộ TN&MT luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề
Trả lời câu hỏi của đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại diễn đàn, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết: Đối với các quy phạm về đất đai, riêng với Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật, ngoài các nội dung liên quan đến quy hoạch sử dụng đất và chất lượng triển khai tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền, Luật Đất đai năm 2013 dành nguyên một điều 149 quy định về việc sử dụng đất làng nghề, và sau đó được cụ thể hóa, chi tiết hóa ở Nghị định 43.
Đối với vấn đề bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường cũng rất quan tâm. Đặc biệt, Bộ TN&MT có một thông tư riêng, Thông tư số 31 năm 2016 về bảo vệ môi trường làng nghề.
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cho biết thêm: Liên quan đến đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính đất đai, trong đó có chế độ miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để các cơ sở làng nghề có quỹ đất để phát triển sản xuất kinh doanh, nội dung này sẽ có sự vào cuộc không chỉ của Bộ TN&MT mà còn liên quan đến các Bộ, ngành khác liên quan đến vấn đề tài chính.
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) phát biểu tại diễn đàn |
Trong thời gian tới, Bộ TN&MT cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để các đề xuất của các đại biểu hôm nay được xem xét, nghiên cứu trong quá trình sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội, Bộ TN&MT được giao chủ trì xây dựng 2 dự án luật rất lớn là Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo chương trình, trong quá trình soạn thảo, Bộ TN&MT có tổ chức lấy ý kiến, trong năm 2020, Bộ sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự án luật này.
Quang cảnh hội nghị |
Bộ TN&MT cũng mong muốn trong quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai và bảo vệ môi trường sẽ nhận được những ý kiến đóng góp cũng như những khó khăn, vướng mắc của các đại biểu, các doanh nghiệp, doanh nhân và các cơ sở làng nghề trong diễn đàn hôm nay.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã tham dự Lễ cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất MBA 220-500kV cơ khí trọng điểm Quốc gia của tập đoàn Hanaka, Lễ Khai mạc Hội chợ “Sắc màu làng nghề” và dự Lễ đúc tượng Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Nguyên Trưởng ban Kinh tế Trung ương đầu tiên của nước ta.