Lãnh đạo Bộ, Ngành đóng góp ý kiến với ngành Tài nguyên và Môi trường

Thời sự - Ngày đăng : 13:27, 27/12/2019

(TN&MT) - Sáng 27/12, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành tài nguyên và môi trường, đại diện đơn vị các Bộ, ngành đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để giải quyết những vướng mắc về thể chế, góp phần giúp ngành tập trung sửa đổi Luật bảo vệ môi trường và những vấn đề khác trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông): "Đẩy mạnh CNTT, Chính phủ điện tử, chuyển đổi số để tăng cường kết nối với người dân, doanh nghiệp"

Về cam kết và quyết tâm của người đứng đầu, Ứng dụng CNTT liên quan đến sự thay đổi vận hành của cả hệ thống và vì vậy, vai trò người đứng đầu là quyết định. Người đứng đầu không chỉ ra quyết định về sự thay đổi mà bản thân mình phải thay đổi về cách thức điều hành tổ chức, bộ máy trong công việc hàng ngày. Chỉ có như vậy, sự thay đổi mới chạy từ trên xuống dưới.

Cần có một chiến lược xuyên suốt, đi qua nhiều nhiệm kỳ. Bởi vì, CNTT là một chặng đường dài, liên tục, sau CNTT còn là chuyển đổi số (CĐS), không phải 1-2 năm, không phải 1-2 nhiệm kỳ. CNTT và nhất là CĐS, là sự thay đổi về nhận thức, về cách thức vận hành, do vậy không nhanh được, không phải một sớm một chiều được. Đầu tư nhiều năm rồi mới thấy kết quả, những gì mang tính phong trào, nóng vội sẽ dễ chết sớm và tốn kém.

CNTT và CĐS phải tập trung vào cả 4 mối quan hệ, 2 mối quan hệ là với bên ngoài, 2 mối quan hệ là với bên trong. Đó là: Bộ với người dân; Bộ với doanh nghiệp (DN); Giữa các cơ quan trong nội bộ của Bộ và với các bộ ngành, tỉnh thành khác; Giữa Bộ với nhân viên của mình.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Về 2 mối quan hệ với bên ngoài thì Bộ phải luôn lấy người dân, DN làm trung tâm: cung cấp dịch vụ công cho người dân, DN nhanh hơn, tiện ích hơn, CF thấp hơn; Người dân, DN có thể phản ánh, tham gia đóng góp vào hoạt động của Bộ; Công khai minh bạch, có trách nhiệm giải trình. Những dịch vụ công nhiều người dân, nhiều DN có nhu cầu thì ưu tiên làm trước. Nếu không tập trung vào mục tiêu này thì CPĐT có thể không hiệu quả và tốn kém.

Chính quyền điện tử, Chính quyền số là môi trường mới nên thể chế phải đi trước, tạo hành lang pháp lý cho người công chức làm đúng luật. Vì người nhà nước chỉ được phép làm cái gì đã có qui định. Cái gì phải đợi thay đổi thể chế thì nên cho làm thí điểm trước, nhưng có kiểm soát, tức là trong một không gian và thời gian nhất định.

Ứng dụng CNTT của Bộ phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính. Đối với môi trường điện tử thì qui trình cung cấp dịch vụ phải thay đổi, cách thức hoạt động của chính quyền phải thay đổi. Cách làm không thay đổi thì công nghệ không mang lại nhiều kết quả.

Cần có cơ quan điều phối thống nhất, có nhạc trưởng, nhất là khi một số dự án của Bộ được triển khai phân tán ở các tỉnh thành. Có một cơ quan điều hành chung để tổng hợp, giám sát, nhìn thấy toàn cảnh, cả khoa học, cả đầu tư, cả thực thi, để đánh giá, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Ở Bộ thì cơ quan điều phối này có thể là Cục CNTT. Cục này có nhiệm vụ thống nhất thiết kế chung, chuẩn chung, đảm bảo kết nối và đầu tư các hạ tầng dùng chung, hạ tầng của Bộ. Nhưng liên quan đến đầu tư thi Cục này nên đi thuê làm chứ không nên làm trực tiếp.

Ông Phan Xuân Dũng - (Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội): "Những kết quả của ngành TN&MT rất đáng ghi nhận, góp phần vào thắng lợi của đất nước"

Về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, đã đạt được mục tiêu phát triển bền vững của ngành trên cách nhìn tổng thể. Đây là sự phát triển bền vững trong một xã hội, một thế giới biến đổi không ngừng, mau lẹ và khó lường.

Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại hội nghị

Bộ TN&MT đã khiêm tốn học hỏi, không chỉ với cấp trên mà cả đồng nghiệp. Bộ đã triển khai từ đầu Luật Bảo vệ Môi trường. Bộ đã họp với các đại biểu Quốc hội để lắng nghe ý kiến.

Bộ TN&MT cũng đã phối hợp hành động, đoàn kết. Khi làm luật, giám sát, Bộ đều trao đổi thẳng thắn ngay từ đầu. Đồng thời, Bộ cũng đã tập trung đầu tư cho CNTT, đầu tư cho cái mới.

Trong năm 2020, Bộ TN&MT cần phát huy tốt những kết quả đã đạt được trong năm 2019. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã đóng góp to lớn cho công tác bảo vệ môi trường. Trong năm qua, nhận thức và kiến thức về bảo vệ môi trường đã tăng lên. Những kết quả này được cần được phát huy trong năm tới.

Bộ cũng cần tập trung vào CNTT, kỹ thuật đố để phục vụ hoạt động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Ông Nguyễn Chí Dũng (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư): "Ngành TN&MT đã đạt được những thành tựu nổi bật, ấn tượng trong năm 2019"

Những thành tựu nổi bật, ấn tượng trong năm nay gồm công tác triển khai hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực về đất đai, quản lý đo đạc bản đồ và tạo lập dữ liệu không gian địa lý, lĩnh vực biển và hải đảo, lĩnh vực KTTV và các lĩnh vực khác.

Bộ TN&MT đã hết sức chủ động, tích cực trong việc hoàn thành xây dựng trình Chính phủ các nhiệm vụ lớn như: Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW về phát triển bền vững kinh tế biển; trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030.

Bộ đã chủ trì, phối hợp rất cụ thể với các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và công bố Thông báo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Bộ đã chỉ đạo sát sao và quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cấp hạ tầng thông tin, tích hợp liên thông các dữ liệu TN&MT: vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam, xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám, siêu dữ liệu viễn thám quốc gia,… để tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bộ TN&MT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sự phối hợp chặt chẽ ở tất cả các cấp, từ Lãnh đạo Bộ, cấp Vụ cho đến cấp chuyên viên.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị

Năm 2020, Bộ TN&MT cần tập trung xử lý toàn diện, có kết quả các nhiệm vụ trọng yếu sau:

Về lĩnh vực đất đai, Bộ cần sớm trình Thường trực Chính phủ cho ý kiến thống nhất về định hướng sửa đổi 7 nội dung lớn, hệ trọng của Luật đất đai liên quan đến: chính sách tài chính liên quan đến đất đại (thuế lũy tiến); thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; chính sách đất trồng lúa và an ninh lương thực quốc gia; hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; Quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; chính sách quản lý, sử dụng đất tôn giáo; đất có yếu tố nước ngoài.

Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Bộ cần có giải pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải ở khu vực nông thôn do đây là vấn đề hết sức cấp bách, hiện đang gây bức xúc trong bà con nông thôn; Bộ cân chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn, đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội.

Về quy định các dự án phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ cần có nghiên cứu, đánh giá toàn diện để kiến nghị chính xác loại dự án nào phải lập, loại dự án nào không phải lập. Trên thực tế, có nhiều dự án không nhất thiết phải lập báo cáo.

Bộ cần thực hiện tốt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa vai trò chủ trì, đầu mối đôn đốc, thúc đẩy các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan triển khai Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu đã được Chính phủ giao. Về nội dung này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn sẵn sàng phối hợp ở mức cao nhất với Bộ TN&MT vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL.

Bộ cần chú trọng tăng cường tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công để đảm bảo minh bạch, công bằng và giảm chi phí giao dịch của nền kinh tế nói chung và chi phí của các doanh nghiệp nói riêng. Các thống kê đều cho thấy các thủ tục trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường còn rất nhiều dư địa về cải cách, hoàn thiện.

Bà Nguyễn Thanh Hải - (Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội): Chỉ số lòng tin người dân đối với Bộ TN&MT đến nay đã tăng lên 82%

Bộ TN&MT có sự thay đổi vượt bậc và ngoạn mục, đặc biệt trong công tác tiếp công dân. So với các Bộ khác, công việc giám sát tiếp công dân của Bộ TN&MT nặng nề hơn nhiều. Tuy nhiên, đến nay, chỉ số lòng tin người dân đến nay đã tăng lên 82%.

Trong 1-2 kỳ đầu của nhiệm kỳ Quốc hội, còn số lượng lớn ý kiến của các cử tri tồn đọng. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã rất cầu thị và hết sức quan tâm đến những kiến nghị của người dân, từ những kiến nghị nhỏ nhất.

Lấy ví dụ về thắc mắc của cử tri ở tỉnh Lâm Đồng, vì không có số điện thoại của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nên cử tri này đã gửi lời cảm ơn đến Bộ trưởng qua tôi.

Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội phát biểu tại hội thảo

Số lượng cử tri mà Bộ TN&MT tiếp nhận thường cao nhất trong số nhóm các Bộ, tuy nhiên, từ kỳ thứ 5 trở đi của nhiệm kỳ quốc hội, Bộ TN&MT đã giải đáp 100% các ý kiến của cử tri mà Bộ tiếp nhận được. Ứng dụng quốc hội được cài đặt trên smartphone nên các đại biểu quốc hội đều tra cứu được thông tin này. Con số này cho thấy Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời cử tri rất đạt và tỷ lệ giải quyết cao.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo toàn ngành nỗ lực giải quyết những quan tâm, mong muốn của cử tri địa phương. 

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT cần tiếp tục quan tâm đến văn bản về Luật đất đai, sửa đổi luật này, tham mưu đến Chính phủ về luật này trong thời gian tới để giải quyết một cách căn cơ những kiến nghị của người dân.

Mai Đan (lược ghi) Ảnh: Hoàng Minh