Đà Nẵng: Thời tiết ủng hộ người trồng hoa Tết

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:37, 27/12/2019

(TN&MT) - Chỉ còn một tháng nữa là tới Tết Nguyên Đán 2020, người dân trồng hoa Tết tại Đà Nẵng đang hoàn tất những khâu cuối cùng để cho ra những chậu cúc, mai, vạn thọ … đẹp nhất cho khách hàng chưng Tết.

Vườn cúc gia đình bác Nguyễn Ngọc Trí có khoảng 1.200 chậu cúc đã được thương lái đặt mua gần hết

Thời tiết thuận lợi

Năm nay, tiết trời ấm áp và có thêm những cơn mưa rào cực kỳ thuận lợi cho người trồng hoa. Bác Nguyễn Ngọc Trí (65 tuổi), gia đình bác theo nghề trồng hoa tại hợp tác xã (HTX) hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã hơn 10 năm nay cho biết, Tết này gia đình bác có khoảng 1.200 chậu cúc trong đó chủ yếu là cúc pha lê, với đà phát triển và thời tiết như thế này vườn hoa nhà bác năm nay sẽ nở đúng dịp, bông to và đẹp. Đến thời điểm hiện tại số chậu trong vườn cũng được các thương lái đặt mua gần hết nên bác vô cùng yên tâm.

Cũng như gia đình bác Trí, gia đình bác Lý Phước Dạng đang phấn khởi hoàn thành công việc ngắt nụ cho những chậu hoa cuối cùng chia sẻ: “Năm nay thời tiết cực kỳ thuận lợi nên hoa phát triển rất tốt, khỏe mạnh người dân trồng hoa như tôi cũng thêm yên tâm. 1.200 chậu cúc Tết của gia đình cũng đã được thương lái đặt mua hết. Công việc bây giờ cho đến khi xuất vườn là chỉ tưới nước và điều chỉnh nụ cho hoa nở đúng ngày là được”.

Bác Lý Phước Dạng cho biết, năm nay thời tiết cực kỳ thuận lợi nên hoa phát triển rất tốt, khỏe mạnh nên bán được giá

Vườn bác Dạng trồng chủ yếu hoa cúc phục vụ Tết nhưng những công tác chuẩn bị cũng phải bắt đầu từ đầu năm và bắt đầu ươm giống vào vụ từ khoảng tháng 6, tháng 7 Âm lịch. Mỗi năm già đình bác trồng từ khoảng 900 - 1.500 chậu với nhiều loại hoa khác nhau, trong đó, chậu nhỏ nhất 250 ngàn đồng/cặp, chậu lớn nhất 2,5 triệu/cặp, tổng thu nhập mỗi năm khoảng 170 - 180 triệu. Với thời tiết năm nay chất lượng hoa tốt hơn nên giá cả tăng so với năm trước, thu nhập chắc chắn cũng sẽ tăng theo.

Hợp tác xã hoa Dương Sơn được thành lập từ năm 2008 với tổng diện tích 4,5 hecta, có 24 hộ tham gia trồng hoa, trong đó có khoảng 7 hộ trồng hoa công nghệ cao, còn lại là các hộ trồng hoa truyền thống với chủ yếu hoa cúc phục vụ Tết.

Ông Ngô Văn Lâu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Châu cho biết, trước đây, đất này là đất trồng đậu nhưng thấy cây đậu không mang lại hiệu quả kinh tế, thường xuyên ngập lụt mất mùa nên người dân có ý kiến muốn được thay đổi cây trồng sang trồng hoa. Từ ý kiến của người dân và chủ trương của thành phố và huyện, xã Hòa Châu đã mở lớp tập huấn, hướng dẫn người dân các kỹ năng trồng và chăm sóc hoa, đồng thời hỗ trợ cho người dân vay vốn để đầu tư hệ thống tưới, đèn chiếu sáng, giống…

Giàn hoa treo của hộ anh Trần Dũng Quốc phải lên giống để trồng vụ mới chứ không còn hoa để bán Tết

Ngoài hoa Tết, năm nay các hộ trồng hoa công nghệ cao cũng bội thu với tiết trời ấm áp. Hộ anh Trần Dũng Quốc (42 tuổi) chuyên trồng hoa treo giàn cho biết, mặc dù trồng hoa treo giàn ít bị ảnh hưởng thời tiết hơn trồng hoa ngoài trời nhưng với thời tiết năm nay giàn hoa nhà anh rất đẹp nên xuất bán nhanh. Hiện anh đang phải lên giống để trồng vụ mới chứ không còn hoa để bán Tết.

So với những hộ trồng cây hoa màu và trồng lúa thì trồng hoa mang lại hiệu quả và thu nhập cao hơn nhiều. Ngoài vụ Tết, người dân trồng hoa còn trồng các loại hoa bán ngày rằm, mồng Một hàng tháng nên thu nhập cũng có quanh năm. Tuy nhiên, do đặc điểm xã Hòa Châu thấp trũng thường xuyên ngập lụt nên chưa thể mở rộng diện tích đất trồng hoa cho người dân tham gia.

Không chỉ mang lại thu nhập cho những hộ trồng hoa, những ngày giáp Tết, làng hoa Dương Sơn cần rất nhiều người làm nên nhiều người thất nghiệp, lớn tuổi cũng có thêm được nguồn thu nhập để sắm Tết.

Không khí làm việc tại làng hoa Dương Sơn nhộn nhịp và rôm rả những ngày cuối năm

Cô Nguyễn Thị Lựng (50 tuổi) vừa ngắt nụ vừa rôm rả trò chuyện cùng 4 người bạn của mình cho biết, thường ngày cô đi rửa chén bát cho các quán nhậu, nhà hàng, công việc cũng tùy lúc, ai cần thì gọi, nhưng 3,4 năm nay, cứ vào dịp này là cô lại lên làng hoa Dương Sơn làm. Công việc ở làng hoa vừa nhẹ nhàng lại thoải mái, vui vẻ.

Mỗi ngày công là 200 ngàn đồng, các cô nhận theo tuần, theo ngày tùy thích nhưng đôi lúc cần tiền các cô vẫn có thể ứng trước với chủ hộ hoa. Dịp cuối năm ở làng hoa không chỉ là lúc tất bật công việc mà còn là dịp để những người làm thời vụ gặp lại nhau sau một mùa vụ. Tiếng cười nói, trêu ghẹo làm cho cánh đồng hoa ồn ào hẳn lên.

So với những hộ trồng cây hoa màu và trồng lúa thì trồng hoa mang lại hiệu quả và thu nhập cao hơn nhiều, đặc biệt là năm nay với tiết trời ấm áp

Làng mai cũng sẵn sàng cho Tết

Hơn 20 hộ trồng mai ở làng mai phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng cũng đang tất bật công việc để những chậu mai được đẹp nhất và nở đúng ngày Tết.

Hơn 500 chậu mai của anh Phan Dũng, đang trổ nụ chuẩn bị cho ngày Tết khoe sắc. Chỉ vào những chậu mai đang được che kín anh Dũng chia sẻ: “Năm nay trời nắng ấm nhưng lại có mưa nên mai có xu hướng nở sớm, những chậu này anh phải hãm cây trổ búp sớm để hoa nở đúng Tết. Nhưng được cái đặc tính của mai không giống như hoa cúc, mai được chăm sóc, điều chỉnh từ đầu năm nên tới lúc trổ nụ ra hoa đều tương đương dịp Tết, chỉ cần người trồng biết điều chỉnh”.

Anh Phan Dũng bên chậu mai hơn 100 năm tuổi

Mỗi năm, các hộ trồng mai ở Hòa An đều mang mai đến chợ hoa Tết vừa để bán, vừa để trao đổi, nói chuyện về mai với những người trồng mai ở các tỉnh, thành khác. Trồng mai không còn là vì lợi nhuận mà còn là thú vui, là đam mê của những người chơi mai, thưởng thức mai. Những ngày cận tết, người trồng mai mất ăn mất ngủ để canh từng búp, từng nụ mai sao cho nụ xòe cánh đúng 3 ngày Tết và không bị rụng cánh trong ngày Tết để tránh điềm xấu cho năm mới.

Anh Dũng cho biết, số chậu mai trong vườn anh đã được đặt cọc gần hết, anh chủ yếu cho thuê chưng Tết chứ không bán. Để chăm sóc được một chậu mai rất khó và kì công nên phải người biết chơi, biết thưởng thức mai anh mới cho thuê. Thời gian thuê mai từ khoảng 25 tháng Chạp đến mồng mười tháng Giêng. Chậu đắt nhất tầm 70 triệu/chậu và rẻ nhất khoảng 2 triệu/chậu.

Làng mai Hòa An hơn 30 năm tuổi nhưng có những gốc mai hơn 100 năm tuổi được người trồng mai ngày đêm chăm bẵm chỉ vì đam mê, vì nét văn hóa tổ tiên để lại chứ không vì thương mại.

Phạm Yến