Thanh Hóa: Tăng cường công tác kiểm tra chống buôn bán, nhập lậu, vận chuyển lợn

Xã hội - Ngày đăng : 12:36, 27/12/2019

(TN&MT) - Vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Để tăng cường công tác quản lý, vận chuyển, kinh doanh và nhập lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn số 5086/CNN&PTNT-TY về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn nhập lậu.

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 25.577 hộ của 458 xã trên 27 huyện, thị xã, thành phố, buộc phải tiêu hủy 212.803 con lợn. Vì vậy, thịt lợn có xu hướng tăng cao, tình trạng vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật có nhiều diễn biến phức tạp. Ngày 16/11/2019 Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Bộ đội Biên phòng và UBND huyện Mường Lát xử lý một xe vận chuyển 48 con lợn (trọng lượng 5.940kg) từ Lào về Việt Nam tiêu thụ. Các lực lượng chức năng xử phạt hành chính; đồng thời, tiêu hủy toàn bộ số lợn trên.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn nhập lậu

Để tăng cường tốt công tác quản lý vận chuyển, buôn bán lợn trái phép trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng Chi cục quản lý thị trường, phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các cửa khẩu, lối mòn, lối mở khu vực biên giới, để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm lợn ra vào địa bàn tỉnh qua các tuyến biên giới. Các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép, buôn bán tiêu thụ sản phẩm thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. UBND cấp xã tổ chức rà soát, thống kê đầy đủ, quản lý chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở thu gom, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật có nguồn gốc.

Thu Thủy