Quán cà phê đổi rác lấy thực phẩm ở Ấn Độ

Thế giới - Ngày đăng : 22:27, 26/12/2019

(TN&MT) - Quán cà phê Rác ở Ambikapur, Ấn Độ đang góp phần vào công cuộc giải quyết vấn đề rác thải nhựa của đất nước này và ý tưởng của họ đang gây chú ý.

Ấn Độ thải ra khoảng 25.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày nhưng chỉ có khoảng 14.000 tấn được thu gom. Ảnh: Divatant Solanki / EPA

Khai trương vào tháng 10 bởi Tập đoàn thành phố Ambikapur, quán cà phê Rác được thiết kế nhằm khuyến khích nhận thức của người dân về sự cần thiết phải thu gom và loại bỏ chất thải nhựa. Quán sẽ cung cấp một bữa ăn cho bất cứ ai khi mang rác đến đổi.

Buổi khai trương có sự tham gia của người đứng đầu viện y khoa Chhattisgarh, TS Singh Deo. Ông đã nhấn mạnh rằng quán cà phê dành cho tất cả mọi người và đã tự mang đến 0,5 kg nhựa để đổi.

Ông Ajay Tirkey, Thị trưởng thành phố Ambikapur cho biết: “Quán cà phê Rác trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhanh chóng bởi vì nó nằm ngay cạnh trạm xe buýt chính trong thành phố. Có hàng chục người ghé vào quán mỗi ngày. Có ngày, có một gia đình đi vào quán và mang theo những bao tải rác thải nhựa khổng lồ nặng 7 kg”.

Hầu hết các thành phố Ấn Độ đang phải đối mặt với lượng rác thải chưa được phân loại. Có rất ít hệ thống quản lý chất thải hiệu quả và theo thống kê của Bộ Môi trường Ấn Độ, quốc gia này thải ra khoảng 25.000 tấn chất thải nhựa mỗi ngày và chỉ có khoảng 14.000 tấn được thu gom.

Người đứng đầu viện y khoa Chhattisgarh, Ấn Độ, TS Singh Deo (bên phải) đã mang 0,5 kg nhựa đến buổi khai trương quán cà phê Rác để nhấn mạnh rằng chương trình này dành cho tất cả mọi người. Ảnh: Amrit Dhillon

Nỗ lực khiêm tốn để đẩy lùi nhựa sử dụng một lần đã được thúc đẩy vào tháng 10 khi nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi, Thủ tướng nước này, ông Narendra Modi đã thông báo Ấn Độ sẽ loại bỏ nhựa dùng một lần vào năm 2022.

Thành phố Ambikapur tự hào khi 100% rác thải được thu gom và phân loại và đứng thứ hai trong bảng xếp hạng thành phố sạch nhất của chính phủ trong năm nay. Thành phố này cũng tạo ra khoảng 13.000 bảng Anh mỗi tháng thông qua việc bán nhựa và giấy tái chế cho các công ty tư nhân.

Nhựa thu thập từ quán cà phê rác sẽ được sử dụng để xây dựng đường. Hồi năm 2015, chính quyền Ambikapur đã xây dựng toàn bộ một con đường bằng nhựa. “Con đường này rất tốt, ngay cả trong những trận mưa lớn vào mùa mưa”, ông Tirkey chia sẻ.

Ý tưởng quán cà phê đổi đồ ăn lấy chất thải nhựa cũng đang bắt đầu thịnh hành ở những nơi khác. Ở Siliguri, Tây Bengal, Ấn Độ cựu sinh viên của một trường học địa phương đang phân phát thực phẩm miễn phí vào thứ Bảy hàng tuần cho bất cứ ai mang 0,5 kg rác thải nhựa đến.

Ở đầu kia của đất nước, Mulugu thuộc bang Telangana, chính quyền địa phương cũng triển khai ý tưởng đổi 1 kg gạo lấy 1 kg rác thải nhựa. Trẻ em địa phương cũng đi xung quanh để thu gom nhựa. Nhà thu gom rác thải nhựa ở Mulugu cho biết ông muốn biến quận của mình thành nơi đầu tiên ở Ấn Độ không có nhựa dùng một lần.

Quán cà phê Rác được mở bởi Tập đoàn Ambikapur vào tháng 10 cung cấp một bữa ăn cho bất cứ ai khi mang rác thải nhựa đến đổi. Ảnh: Amrit Dhillon

Hiện tại, tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, chính quyền thành phố có kế hoạch mở một số quán cà phê rác dọc theo đường của quán ở Ambikapur. Khoảng 70% chất thải nhựa của thành phố là nhựa dùng một lần và phần lớn chất thải này được chôn lấp hoặc chảy vào đường ống nước gây tắc ống. Đó là một mối đe dọa nguy hiểm khi những con bò đói lục lọi thùng rác và ăn nhựa. Năm ngoái, một bác sĩ thú y ở New Delhi đã lấy ra khoảng 70kg nhựa ra khỏi bụng một con bò.

Simar Malhotra, nhà đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Parvaah ở New Delhi tin rằng mô hình đổi chất thải nhựa lấy thực phẩm như cà phê Rác sẽ thúc giục mọi người cùng chung tay đẩy lùi rác thải nhựa trên toàn quốc.

“Có bao nhiêu phương án giải quyết hai vấn đề cùng lúc? Quán cà phê Rác đã xử lý vấn đề về rác thải và cũng mang đến cho những người đói một bữa ăn nóng hổi, từ đó thúc giục mọi người thu gom nhựa nhiều hơn”, Malhotra cho biết.

Đan Ngân